Các trường mầm non vùng rốn lũ: Lại "sẵn sàng" đón lũ

Cập nhật lúc 07:43, Thứ Năm, 04/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - “Đến hẹn lại lên”, cứ sau những ngày tựu trường tưng bừng, náo nức, các trường mầm non ở những vùng rốn lũ của tỉnh ta lại tất bật chuẩn bị “sẵn sàng” cho công tác phòng chống mưa bão, lũ lụt.

Do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, một vài năm trở lại đây, thiên tai dường như ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn với những trận mưa bão, lũ lụt diễn ra thường xuyên, đến nhanh, kéo dài nhiều ngày, mực nước ngập cao... Chính vì vậy, việc ứng phó với thiên tai của các cô giáo trường mầm non lại càng vất vả, gian nan hơn.

Trường mầm non Tân Ninh (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) gồm hai cụm: cụm Trung tâm (nhận trẻ ở hai thôn Hòa Bình và Quảng Xá) và cụm Nguyệt Áng (nhận trẻ ở ba thôn Nguyệt Áng, Thế Lộc và Hữu Tân). Cả hai cụm đều nằm trong vùng trũng của xã, rất dễ bị ngập lụt khi vào mùa mưa bão. Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Ninh cho biết, mưa bão, lũ lụt diễn ra thường xuyên hàng năm, do vậy, các cô luôn sẵn sàng tâm lý “đón chờ” và tinh thần “sống chung với lũ lụt”. Những năm gần đây, nước thường lên cao tới 1 mét, có nơi còn lên đến 1,2 – 1,5 mét. Do hoàn cảnh nhiều khó khăn, như: nhà trường toàn giáo viên nữ, vị trí trường thấp hơn so với mặt đường, các dãy nhà cấp 4 đang xuống cấp, nước lại thường dâng cao vào ban đêm..., nên các cô giáo luôn luôn chủ động “đón” lũ lụt ngay khi có những trận mưa lớn.

Dãy nhà cấp 4 Trường mầm non Tân Ninh (Quảng Ninh)  đang ngày càng xuống cấp sau mỗi đợt mưa bão, lũ lụt.
Dãy nhà cấp 4 Trường mầm non Tân Ninh (Quảng Ninh) đang ngày càng xuống cấp sau mỗi đợt mưa bão, lũ lụt.

Mọi phương án phòng chống mưa bão, lũ lụt đã được Ban phòng chống lụt bão nhà trường thảo luận, thông qua và phân công thực hiện trước mùa mưa. Ngay khi có thông báo lũ lụt, trước hết, các cô nhanh chóng triển khai công tác đóng gói, di chuyển mọi đồ đạc lên những nơi cao ráo. Lực lượng nhân công huy động rất đa dạng từ tất cả cô giáo, gia đình của các cô giáo, cho đến phụ huynh học sinh, người dân trong các thôn... Từ năm ngoái, với sự giúp đỡ từ nguồn kinh phí hỗ trợ lũ lụt, nhà trường chủ động xây dựng mỗi phòng học một sàn chống lũ để cất giữ đồ chơi, đồ dùng học tập, sách vở của cô trò. Nhờ đó, các cô giáo mầm non đỡ vất vả hơn trong việc bảo quản cơ sở vật chất, khi không phải đưa đồ đạc đi gửi tại nhà các hộ dân có vị trí cao hơn.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt vẫn rất lo ngại bởi nếu mực nước lên cao hơn nữa, những sàn chống lũ này vẫn chưa đủ cao để bảo đảm an toàn. Hơn nữa, do hệ thống điện đang xuống cấp, nên khi mưa lụt, dễ gây nguy hiểm cho người tham gia ứng cứu lũ lụt. Các cô vẫn chưa được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh hay thuyền, đò nên gặp nhiều khó khăn trong phòng chống lũ lụt. Công tác dọn dẹp, phục hồi cảnh quan trường lớp sau khi những trận mưa bão, lũ lụt đi qua, cũng được Ban phòng chống lụt bão của nhà trường lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cô giáo trong trường. Nhưng do công việc nhiều, lực lượng lại mỏng, cơ sở vật chất sau một thời gian ngâm nước xuống cấp, ẩm mốc, nguồn nước và môi trường ô nhiễm, nên thường phải mất 2 – 3 ngày nhà trường mới trở lại hoạt động và sau hơn 1 tuần mới để các cháu ăn và ở lại buổi trưa.

Các cô giáo ở những trường mầm non ở rốn lũ Lệ Thủy (Phong Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy, Lộc Thủy, Cam Thủy, An Thủy...) cũng bộn bề gian truân không kém. Trường mầm non Phong Thủy ở ngay sát sông Kiến Giang, do đó, lũ thường lên rất nhanh, công tác ứng phó không chỉ khó khăn mà còn nhiều nguy hiểm. Theo cô Trương Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Thủy, ngay từ khi có những đợt mưa to, tập thể các cô giáo nhà trường đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, mọi hoạt động phòng chống mưa bão, lũ lụt đã thực sự trở thành “kỹ năng, kỹ xảo”. Ban phòng chống lụt bão nhà trường đã phân công cụ thể, rõ ràng mọi nhiệm vụ cho từng thành viên và cô giáo trong trường. Mọi máy móc, trang thiết bị điện tử dễ hỏng hóc sẽ được di chuyển để nhờ ở nhà dân. Vì trường không có nhà hai tầng cho nên từ năm ngoái, đã đầu tư đóng giàn giáo cao 2,5 mét, rộng 6 mét để cất giữ  đồ chơi, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.

Trường mầm non Phong Thủy (Lệ Thủy) nằm ngay sát sông Kiến Giang nên công tác phòng chống mưa bão, lũ lụt gặp nhiều khó khăn
Trường mầm non Phong Thủy (Lệ Thủy) nằm ngay sát sông Kiến Giang nên công tác phòng chống mưa bão, lũ lụt gặp nhiều khó khăn

Các cô giáo còn nhanh chóng sử dụng nhiều bao tải đựng cát đặt trên các mái tôn, mái ngói để tránh gió giật, gió lùa làm tốc mái. Hệ thống cửa sổ, cửa chính, bàn ghế... được chằng, buộc cẩn thận. Cây cối trong khuôn viên được chặt bớt cành để tránh gây nguy hiểm khi mưa to gió lớn. Những ngày lũ lụt, các cô thay nhau túc trực tại trường để nhanh chóng ứng phó trong mọi trường hợp khẩn cấp, đồng thời tranh thủ tập văn nghệ, xây dựng kế hoạch chuyên môn, trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Cô Trương Thị Quyên nói vui rằng: “Vừa chống mưa bão, lũ lụt, lại vừa được bồi dưỡng nghiệp vụ, một công đôi việc”. Sau mỗi trận mưa bão, lũ lụt, một trong những công việc khiến các cô mất nhiều công sức là khôi phục lại khuôn viên nhà trường, sửa sang trồng thêm cây xanh, hoa cỏ, vốn đã bị tàn phá trong lũ, nhằm tăng thêm sức sống cho cảnh quan và đem lại niềm vui mới cho cô trò nơi đây. Mọi cô giáo đều mong muốn trường được xây thêm tầng hai hoặc chuyển sang địa điểm mới để thuận tiện hơn trong việc ứng phó với mưa bão, lũ lụt. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thêm cho nhà trường phương tiện phòng chống lũ lụt như áo phao, xuồng máy... cũng rất cần thiết.

Trường mầm non Liên Thủy với 3 cụm (Đông Thành, Quy Hậu, Xuân Hồi) là một trong những khu vực trũng nhất huyện Lệ Thủy, chính vì vậy, mưa bão, lũ lụt thực sự trở thành “cơn ác mộng” của các cô giáo nơi đây. Cụm Đông Thành chỉ có 4 cô giáo, khiến công tác phòng chống thiên tai đã khó lại càng thêm khó. Mọi đồ đạc được bao bọc cẩn thận và cất giữ ở nơi cao ngay khi có những trận mưa lớn, trong khi những trang thiết bị điện tử được cất tạm vào nhà dân. Công việc nhiều khiến các cô tất bật, vất vả hơn. Có năm, các cô phải “di tản” đồ đạc tới 4- 5 lần. Nỗi lo lắng nhất của các cô là hệ thống lớp học, nhà ăn, nhà vệ sinh, cửa sổ, cửa ra vào... đang xuống cấp trầm trọng. Sau mỗi đợt mưa bão, lũ lụt, cơ sở vật chất lại càng trở nên tồi tệ hơn. Năm 2010, lụt to và ngập sâu, nhiều đồ dùng học tập, bàn ghế, trang thiết bị của trường bị hư hỏng hoàn toàn. Sắp tới, trường sẽ được xây thêm tầng hai ở cụm Quy Hậu, do đó, sẽ góp phần giảm bớt phần nào khó khăn trong công tác phòng chống mưa bão, lũ lụt.

Đối với các cô giáo mầm non “chân yếu tay mềm”, qua mỗi trận bão, mỗi đợt lũ lụt là một lần đối mặt với thách thức và hiểm nguy. Nhưng với tinh thần yêu nghề, mến trẻ, ý thức trách nhiệm cao, cùng kinh nghiệm ứng phó thiên tai của các cô giáo nơi đây, cũng như sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành và đoàn thể, mọi công việc dù khó khăn đến đâu cũng sẽ được hoàn thành xuất sắc.

                                                                                   Mai Nhân

,
.
.
.