Mỗi tuần một chuyện:

Những bài học từ cuộc sống

Cập nhật lúc 09:52, Thứ Tư, 03/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Câu chuyện thứ nhất: Lạm thu đầu năm học ở các trường phổ thông đã trở thành “chuyện thường ngày ở... trường”. Ở trường N (thành phố Đồng Hới), trong rất nhiều những khoản thu vô lý, nhiều bậc phụ huynh có con học lớp 5 đã không chấp nhận đóng khoản tiền “quét rác” mỗi năm 50 ngàn đồng/học sinh với mục đích để con em mình có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và biết yêu lao động.

Thế là xảy ra tình trạng những lớp đóng tiền thì được bác bảo vệ quét sạch sẽ khoảnh sân của lớp đó. Còn lớp không đóng tiền thì học sinh tự quét. Thế nhưng sự việc đã không dừng lại ở đó. Bác bảo vệ, bên cạnh việc phân chia ranh giới một cách rõ ràng giữa lớp đóng tiền và lớp không đóng tiền, thì thường xuyên cố tình dồn rác về phía lớp không đóng tiền khiến các em học sinh phải vất vả hơn.

Điều đáng nói là ban giám hiệu và các giáo viên trường nọ, dù không ít lần được chứng kiến việc làm này, nhưng vẫn không hề lên tiếng. Một học sinh đã kể với mẹ, rằng bạn con bảo do mình không đóng tiền nên phải đi quét rác. Nghe con nói thế, phụ huynh nọ giật mình nhưng cũng đã lựa lời nói với con, rằng chúng ta quét rác để giữ gìn vệ sinh môi trường và vì chúng ta yêu lao động, chứ không phải vì chúng ta không đóng tiền!

Câu chuyện thứ hai: Cũng diễn ra ở trường học trong dịp Tết Trung thu. Thay vì tổ chức những mâm cỗ trung thu rầm rộ, trường nọ đã tổ chức cho các em học sinh của mình đi thăm và tặng quà cho các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện. Có lẽ với nhiều em học sinh, đây là lần đầu tiên các em có mặt tại bệnh viện để chứng kiến cảnh những người bạn nhỏ đang vất vả chống chọi với bệnh tật trong ngày tết của trẻ em. Dù vẫn ngượng nghịu khi trao những món quà và nói lời chúc các bạn, các em mau chóng lành bệnh, nhưng trong từng ánh mắt, từng cử chỉ của các em toát lên sự cảm thông sâu sắc và cả niềm vui khi món quà của mình được đón nhận với những nụ cười hạnh phúc.

Từ hai câu chuyện trên, có lẽ con em chúng ta đã có những bài học của riêng mình. Ở câu chuyện thứ nhất, thay vì dạy con trẻ biết yêu lao động, biết yêu cuộc sống, người lớn chúng ta đã vô tình gieo vào đầu các em những ý nghĩ tiêu cực, sự ích kỷ và sức mạnh đáng sợ của đồng tiền. Hy vọng rằng những sự việc này chỉ là cá biệt. Và thật may mắn, khi ở câu chuyện thứ hai, bài học mà các em nhận được là tình yêu thương, sự chia sẻ, và khi mang niềm vui đến cho người khác, chúng ta sẽ nhận về những niềm hạnh phúc!

Thiết nghĩ, bên cạnh việc dạy những bài học về kỹ năng sống trong giáo án, mỗi một thầy cô giáo hãy là những tấm gương về tình yêu lao động, yêu thương con người, biết chia sẻ và luôn hướng thiện, để cùng với gia đình và xã hội mang lại những bài học tốt đẹp cho các em từ cuộc sống.

                                                                                    Ngọc Mai
 

,
.
.
.