Lặn lội "thân cò" mưu sinh

Cập nhật lúc 11:45, Thứ Ba, 02/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Họ là những người mẹ, người vợ từ những vùng quê nghèo lên thành phố mưu sinh bằng đủ các nghề như bán hàng rong, làm vệ sinh đường phố, bốc vác thuê... Từ mờ sáng đến đêm khuya, những đôi vai gầy vẫn miệt mài lao động, chẳng quản ngại gió sương để kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Bươn chải nơi xứ người...

Khi thành phố chưa kịp bình minh, đã nghe đâu đó tiếng rao sớm của các chị bán hàng rong. Gánh hàng của các chị là gói xôi, cái bánh... phục vụ nhu cầu ăn sáng tận nhà cho các thực khách. Chẳng đâu xa, nơi xóm trọ tôi ở, cứ sáng ra lại có một vài chị gánh hàng mang đến bán tận phòng. Thỉnh thoảng muốn thay đổi khẩu vị, tôi cũng thưởng thức những món ăn của gánh hàng rong này, nó khá ngon, lại rẻ và chẳng cần phải đi xa để mua. Hỏi thăm mới biết nhà các chị không phải ở Đồng Hới, họ đều là những người ở các miền quê của huyện Bố Trạch, Quảng Ninh... về đây bán hàng.

Chị Trần Thị Cương, nhà ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh) cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải thức dậy từ 1 - 2h sáng để nấu xôi, làm bánh, đến khoảng 4 - 5h sáng thì đạp xe về Đồng Hới cho kịp bán hàng đúng bữa ăn sáng của mọi người, bán hết lại đạp xe về chợ mua đồ chuẩn bị cho gánh hàng ngày tiếp theo. Công việc quần quật từ sáng đến tối nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Không kém phần vất vả, các cô, các chị bán cơm gà buổi trưa ở đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... cũng lặn lội cả năm sáu chục cây số từ Tuyên Hóa về Đồng Hới để bán hàng. Giữa trưa hè nắng oi ả, hay ngày đông giá rét, các chị vẫn kiên trì trên tay thúng đựng cơm gà đi bộ khắp nẻo đường, ngõ hẻm của thành phố, mong được nhiều khách gọi mua.

Cơm gà được các chị phục vụ tận nơi.
Cơm gà được các chị phục vụ tận nơi.

Ở giữa lòng thành phố bé nhỏ này, ngày ngày vẫn có hàng trăm người phụ nữ với hàng trăm nghề khác nhau phải oằn mình lên để gánh gồng, bươn chải bởi cuộc sống mưu sinh. Khi thành phố chìm vào giấc ngủ đêm, cũng là lúc các chị lao công thu gom rác thải trên những con đường phải tiến hành công việc của mình. Công việc khá vất vả bởi sự bụi bặm, hôi thối của rác, bởi cái lạnh lẽo, giá buốt của màn đêm; đặc biệt công việc này có khi còn đối mặt với nguy hiểm vì những chiếc xe lao nhanh, phóng ẩu trong đêm, nhiều cái chết oan uổng đã xảy ra đối với những người lao công này.

Không chỉ nghề lao công hay gánh hàng rong là nghề vất vả, bốc vác thuê cũng là nghề vô cùng cực khổ lại vừa nguy hiểm, đòi hỏi sức lao động rất lớn ở chị em. Chúng tôi có mặt ở ga Đồng Hới gần 12 giờ trưa, thấy hơn chục lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau, kẻ nằm người ngồi dưới gầm cầu Thuận Lý (Đồng Hới) đợi tàu chở hàng vào để bốc vác. Giữa trưa nắng, những người phụ nữ đang oằn mình bốc những bao xi măng nặng trịch lên xe ô tô, mồ hôi thấm ướt hết cả áo, nhìn thật thương cảm.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, bốc gỗ có giá 50.000 đồng/m3 bốc lên, 40.000 đồng/m3 bốc xuống; lúa, gạo, xi măng có giá 16.000 đồng/tấn bốc xuống, 18.000 đồng/tấn bốc lên... Như vậy, muốn có 100.000 đồng thì phu bốc vác phải "cõng" trên lưng hơn 5 tấn hàng hoá. Điều thiệt thòi nhất đối với phu bốc vác là ngoài tiền công lao động, họ không được hưởng thêm một quyền lợi nào khác, kể cả khi bị tai nạn lao động xẩy ra.

...vì cuộc sống mưu sinh

Hầu hết những người phụ nữ này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì thế, dẫu nghề lắm vất vả, nhọc nhằn nhưng các chị vẫn cố gắng bám trụ với mong ước gia đình vơi bớt cái nghèo, con cái được ăn học đàng hoàng.

Trò chuyện với chị Hoàng Thị Phương, quê ở xã Quảng Thủy (Quảng Trạch), chị cho biết: trước đây chị ở quê làm nông, nhưng không may cách đây hai năm đứa con trai cả của chị bị tai nạn, nằm viện nửa năm trời, tiền viện phí tốn cả trăm triệu đồng. Nhà nghèo, không đủ tiền chi phí, chị cùng chồng phải vay mượn chạy chữa cho con. Làm nông thì chẳng biết bao giờ mới đủ tiền trả nợ nên vợ chồng chị quyết định vào làm thuê trong thành phố Đồng Hới. Lúc đầu đi theo một số anh chị em làm thuê kiếm sống, rồi làm bốc vác đến bây giờ.

Chung cảnh ngộ giống chị Phương, chị Cương cũng có hoàn cảnh hết sức éo le, chồng mất sớm để lại cho chị gánh nặng gia đình với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Giờ con trai đầu của chị đang theo học một trường cao đẳng tại Đà Nẵng, hai đứa sau đang học cấp 1, cấp 2. Cuộc sống khó khăn, để có tiền cho con ăn học đàng hoàng, chị Cương phải chịu khó làm lụng chắt chiu, tiết kiệm từng đồng, nhiều lúc đau ốm cũng cắn răng chịu đựng không dám kêu than. Đáng mừng là các con chị thấu hiểu được sự vất vả và nỗi lòng mẹ nên đều chăm ngoan, học giỏi, khiến chị ấm lòng có thêm động lực vượt qua trở ngại.

Cuộc sống mưu sinh nơi thành phố thật không hề đơn giản, chung quy cũng chỉ vì một chữ "nghèo" mà các chị phải bươn chải nơi đây. Mong sao cuộc sống của các chị sẽ vơi bớt khó khăn khi được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện có một việc làm ổn định hơn từ phía các cấp chính quyền địa phương và xã hội.

                                                                                Lê Mai



 

,
.
.
.