Hệ thống truyền thanh cơ sở: Đã đến lúc cần "rót rượu mới vào bình mới"

Cập nhật lúc 09:31, Thứ Hai, 01/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hệ thống truyền thanh cơ sở (xã, phường, thị trấn) có lịch sử ra đời và phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước, với vai trò to lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phổ biến thông tin pháp luật; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước... Đến nay, tuy đã trải qua nhiều đổi mới về kỹ thuật và chất lượng nội dung, nhưng hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu thông tin từ công chúng. Do đó, cần thiết phải có sự thay đổi tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả nhằm “thay mới” hệ thống này, nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí của truyền thanh cơ sở trong giai đoạn bùng nổ truyền thông hiện nay.

Khó chồng khó...

Anh Trần Công Viện, cán bộ VH – XH xã Hoa Thủy  (Lệ Thủy), với công việc điểm tin thường ngày của mình.
Anh Trần Công Viện, cán bộ VH – XH xã Hoa Thủy (Lệ Thủy), với công việc điểm tin thường ngày của mình.

Cơ sở vật chất là một trong những khó khăn hàng đầu của hệ thống truyền thanh cơ sở. Theo thống kê của của Sở Thông tin – Truyền thông tính đến ngày 31-7-2012, trên địa bàn toàn tỉnh hiện chỉ có 63 trạm truyền thanh vô tuyến – không dây cấp xã, phường, thị trấn nhưng 4 trạm gồm Tân Hóa, Trung Hóa, Hóa Hợp (Minh Hóa) và Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đang bị hỏng hóc.

Trong đó, Quảng Trạch và Bố Trạch có nhiều trạm truyền thanh không dây nhất với lần lượt 21 trạm và 16 trạm. Minh Hóa có 4 trạm nhưng với 3 trạm đang trong giai đoạn sửa chữa thì chỉ vẻn vẹn còn 1 trạm. Các xã, phường, thị trấn còn lại đều sử dụng trạm truyền thanh hữu tuyến – có dây. Nhược điểm của truyền thanh có dây là công nghệ thiết bị lạc hậu, chất lượng âm thanh kém và không đồng đều trên toàn tuyến.

Đối với các địa phương vùng sâu vùng xa, địa hình nhiều đồi núi, sông suối, việc kéo dây và trồng cột trụ gặp nhiều khó khăn, tốn kém, chưa kể trong quá trình sử dụng dễ gặp hư hỏng, va chạm, khó bảo trì, bảo dưỡng. Nhưng đối với nhiều xã nghèo, một hệ thống truyền thanh có dây cũng đã là một mơ ước xa xỉ.
Ngoài cụm thu đài FM do Đài truyền thanh huyện trang cấp, và tăng âm, loa máy ở các thôn, bản, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) không có hệ thống truyền thanh hỗ trợ cho hoạt động của chính quyền xã.

Điều này đồng nghĩa với việc xã không thực hiện một chương trình truyền thanh nào để cung cấp thông tin, phổ cập kiến thức cho bà con. Theo ông Lê Ngọc Hoàng, chủ tịch xã Trường Thủy, trước đây năm 2004, với một máy phát đặt ở trụ sở Ủy ban, xã đã kéo dây về các thôn, bản với chiều dài hơn 5 km. Nhưng đến năm 2006, do dây điện phải qua nhiều đoạn sông suối, đồi núi, khâu bảo trì, bảo quản lại kém, chất lượng âm thanh ngày càng đi xuống, do đó phải ngừng hoạt động. Từ đó đến nay, mọi hoạt động tuyên truyền của xã đều làm theo cách rất “thủ công”: mọi công văn, giấy tờ quan trọng sẽ được đưa về mỗi thôn, bản, tiếp đó sẽ được phát qua hệ thống tăng âm, loa máy ở đây.

Cùng chung “cảnh ngộ” với xã Trường Thủy là xã Phú Thủy (Lệ Thủy). Anh Phan Thanh Cảnh, cán bộ văn hóa – xã hội (VH – XH) xã Phú Thủy, cho biết anh đảm nhận công tác từ năm 2005, nhưng chưa từng viết một chương trình truyền thanh nào (!). Mỗi khi có vấn đề cần tuyên truyền, anh viết bài và đưa về 5 thôn trong xã để trưởng thôn đọc cho bà con nghe.

Một khó khăn nữa đối với hệ thống truyền thanh cơ sở chính nằm ở nguồn lực con người. Về lý thuyết, đối với công việc của một trạm truyền thanh, sẽ có một cán bộ VH – XH xã đảm nhận phần nội dung, một cán bộ bán chuyên trách phụ trách phần kỹ thuật. Tuy nhiên, trên thực  tế, ở một địa phương, cán bộ VH – XH phải đảm trách hết mọi công việc, bên cạnh đó còn kiêm nhiệm những công tác khác.

Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ VH – XH ở các xã đều chưa qua một khóa đào tạo cơ bản nào về lĩnh vực truyền thanh, thỉnh thoảng có một vài buổi tập huấn nhưng chủ yếu về lĩnh vực báo chí – truyền thông nói chung. Mọi chương trình truyền thanh được hình thành đều dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm sẵn có và một chút năng khiếu. Anh Trần Công Viện, cán bộ VH – XH xã Hoa Thủy (Lệ Thủy), rất yêu thích, đam mê công việc của mình. Mỗi ngày anh đều tập hợp thông tin từ đội ngũ công tác viên viết thành tin, sau đó điểm tin về tình hình trong xã cho bà con nghe. Nhưng anh chỉ mới viết tin, chưa dám thử sức với các bài viết theo những thể loại phong phú khác như phóng sự, tường thuật, ghi nhanh...

Bởi theo anh, “muốn viết lắm, nhưng chưa ai dạy cho cách viết, chỉ cho cách làm”. Giải pháp hữu hiệu của anh là “chạy” các đĩa thu sẵn về tuyên truyền an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, vệ sinh an toàn thực phẩm... do Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cấp.  

Bức tranh "sáng tối" về "văn hóa nghe" ở cấp cơ sở

Sự mai một thói quen nghe đài của người dân cũng là một điều đáng buồn đối với những người làm công tác truyền thanh cơ sở. Ở nông thôn, miền núi, bà con rất thích nghe “loa xã, loa thôn” nhưng điều kiện không cho phép bởi chất lượng âm thanh thấp, nội dung thiếu hấp dẫn.

Ở vùng đồng bằng, nhất là ở thành phố, người dân ít nghe đài hơn bởi sức hút từ các phương tiện truyền thông hiện đại như tivi, mạng Internet... Và cũng do một số nguyên nhân khác. Chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát quy mô nhỏ về sự quan tâm của công chúng với truyền thanh cơ sở, với 99 mẫu chia đều ở ba xã, phường: Bảo Ninh, Đồng Phú (TP. Đồng Hới) và Hoa Thủy (Lệ Thủy), với độ tuổi được điều tra là từ 25 tuổi trở lên và thấy trong khi ở xã Hoa Thủy tỷ lệ người nghe rất cao (81,8%), ở xã Bảo Ninh tỷ lệ này khá ổn định (69,7%), thì ở phường Đồng Phú tỷ lệ này khá thấp (45,5%).

Ở phường Đồng Phú, nguyên nhân được lý giải chủ yếu là bà con ít quan tâm đến các chương trình truyền thanh cơ sở. Bởi họ còn bị “bủa vây” bởi nhiều loại hình thông tin giải trí khác. Thêm vào đó, chất lượng âm thanh lại hạn chế khiến nội dung thông tin không truyền tải trọn vẹn đến được với công chúng. Ông Đào Như Đãi (70 tuổi) và nhiều cán bộ hưu trí tiểu khu 2, phường Đồng Phú cho biết loa phường đặt khá xa khiến bà con nghe tiếng được tiếng mất, nhiều thông tin quan trọng phải truyền tai nhau, kêu gọi nhau đi.

Đối với xã Bảo Ninh, khung giờ phát và chất lượng loa là hai nguyên nhân hàng đầu khiến người dân vùng biển hạn chế nghe chương trình truyền thanh địa phương. Người dân thôn Sa Động mong muốn thay đổi giờ phát sóng phù hợp hơn, thay vì từ 5h30 sáng có thể chuyển sang khung giờ 9h sáng và 18h tối. Bảo Ninh có 8 thôn nhưng chỉ có 21 cụm loa, trong khi điều kiện tự nhiên ở đây có nhiều bất lợi cho việc nghe truyền thanh như gió to, không gian rộng... Do đó, ở mỗi thôn, nên tạo điều kiện lắp đặt thêm loa để bà con dễ dàng nghe thấy.

Xã Hoa Thủy được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về truyền thanh cấp cơ sở. Trước đây, để tuyên truyền đến tận các thôn bản xa xôi như Eo Rú, Xuân Sơn, Ninh Lộc, anh Trần Công Viện, cán bộ VH – XH xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) phải đưa bài vở đến tận nơi, thậm chí phải chở cả loa máy đi theo phục vụ. Từ năm 2011, xã mạnh dạn đầu tư 171 triệu cho hệ thống truyền thanh FM không dây với 10 cụm loa ở 10 thôn.

Do đó, mọi công tác tuyên truyền, thông tin trở nên đơn giản và thú vị hơn rất nhiều. Hàng ngày, mọi thông tin trong xã đều được anh Viện cập nhật kịp thời cho bà con, nhất là những thông tin về an ninh trật tự, pháp luật, giải quyết tranh chấp đất đai... Đặc biệt, những phiên tòa xét xử lưu động, hội họp quan trọng... được tường thuật trực tiếp cho bà con 10 thôn. Do đó, đại đa số người dân rất háo hức và thích thú đón nghe.

Cần biện pháp thay mới

Như vậy, rõ ràng là hệ thống truyền thanh cấp cơ sở vẫn còn chỗ đứng nhất định trong lòng nhân dân, vẫn có vai trò và vị trí to lớn trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phổ biến pháp luật, cung cấp kiến thức đến với từng người dân. Hiện nay, điều quan trọng nhất là phải có những đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả, nhằm thay “rượu mới” vào những “chiếc bình mới” hiện đại hơn.

Để làm được điều này, trước hết, theo ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, cần phải thống nhất mô hình tổ chức của hệ thống truyền thanh cơ sở. Trên thực tế, chưa có một văn bản Nhà nước nào quy định về đơn vị chủ quản hay quản lý đối với các trạm truyền thanh cơ sở. Những trạm truyền thanh cơ sở đều do UBND xã, phường quản lý. Về kỹ thuật, trạm được sự hỗ trợ của Đài truyền thanh huyện, còn về nhân lực lại do phòng Văn hóa – Thông tin huyện quản lý. Sở Thông tin – truyền thông nắm về các tần số truyền thanh và quản lý các Phòng Văn hóa – Thông tin huyện.

Có thể thấy, ở mỗi địa phương, mô hình truyền thanh cơ sở lại hoạt động theo nhiều hình thức khác nhau, muôn hình vạn trạng, chưa có sự thống nhất. Về lâu về dài, ông Phạm Minh Hải cho biết sắp tới Đề án quy hoạch phát triển báo chí Quảng Bình sẽ được xây dựng. Trong đó, hệ thống truyền thanh cơ sở là một trong những nội dung được quan tâm để rà soát, kiểm tra thực trạng, cũng như đề xuất các biện pháp phát triển trong tương lai.

Nguồn lực con người là một trong những vấn đề trọng tâm của “cuộc cách mạng” ở các trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn. Giải pháp nhanh chóng trước mắt là cần mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về cả kỹ thuật và nội dung cho đội ngũ thực hiện chương trình truyền thanh cơ sở. Trong tương lai, vẫn cần tách bạch công tác truyền thanh của đội ngũ này với những công việc khác. Có như vậy, họ mới thực sự chuyên tâm và đào sâu trong công tác. Quan trọng hơn, khâu lựa chọn, cân nhắc cán bộ vào vị trí này cũng phải được xem xét kỹ lưỡng, nhằm chọn người đủ năng lực đủ nhiệt huyết. Tiếp đó, cần thiết phải có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ truyền thanh cơ sở để họ nhiệt tình và hăng say hơn trong công việc.

Mỗi xã, phường, thị trấn cần có nghiên cứu, điều tra cụ thể về thực trạng hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn mình, hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, cần có những đổi mới kịp thời và hiệu quả, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày một tăng cao của bà con, góp phần giúp công chúng quay trở lại với nét văn hóa nghe “đài xã, đài thôn” như trước đây.

                                                                          Mai Nhân






 

,
.
.
.