Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cập nhật lúc 09:48, Thứ Tư, 03/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Bước vào thế kỷ 21, thế giới có khoảng 590 triệu người cao tuổi (NCT) gấp 3 lần con số 50 năm trước. Dự báo đến giữa thế kỷ 21 sẽ có khoảng 2 tỷ NCT. Tỷ trọng NCT trong dân số thế giới ngày càng lớn, từ 8,6% năm 1950 tăng lên 9,7% năm 2000. Dự báo tỷ lệ này sẽ là 14% vào năm 2025. Liên hợp quốc quy ước: nước có NCT chiếm 10% dân số là nước dân số số già.

Ý thức tầm quan trọng của vấn đề già hoá dân số, tháng 10-1982, liên hợp quốc tổ chức Đại hội thế giới lần thứ nhất bàn về vấn đề NCT họp tại Viên-Thủ đô nước Cộng hoà Áo với hơn 3.000 đại biểu của các nước, các tổ chức phi chính phủ đã đến dự. Đại hội đã ra tuyên bố: “Cần bảo đảm không một hạn chế nào mọi quyền lợi của NCT theo đúng tuyên ngôn về quyền con người Liên hợp quốc”.

Vấn đề NCT đã vượt tầm cỡ từng quốc gia, cần có sự hợp tác thống nhất hành động giữa các nước và các tổ chức phi chính phủ. Năm 1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định từ năm 1991 hàng năm lấy ngày 1-10 là Ngày Quốc tế NCT.

Sau khi nhận được thông báo của Liên hợp quốc ngày 1 tháng 10 năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng định: “Chăm sóc và phát huy NCT là một chính sách rất quan trọng và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta”.

Ngày 17-9-1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức ngày Quốc tế NCT hàng năm: “Ngày Quốc tế NCT cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng”.

Từ ngày Tuyên ngôn độc lập-Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (2-9-1945) ra đời đến nay, Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945 (sau 19 ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập), Người viết: “Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ. tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận", nghĩa là tuổi già thì hết tài, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy.

Gặp việc gì các cụ đều nói: "Lão giả an chi" (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc đời để cho con cháu bày trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi không cần hoạt động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng". Trong những năm đầu kháng chiến chống ngoại xâm giữ gìn nền độc lập dân tộc Bác Hồ lại nói: "Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức "phụ lão cứu quốc hội" để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập nước nhà".

Như vậy ngay từ những ngày đầu thành lập nước, cách mạng còn đang trong thời kỳ trứng nước, thù trong, giặc ngoài đe dọa, Bác Hồ đã động viên, khích lệ và đánh giá cao tiềm năng vai trò NCT đồng thời để khai thác tiềm năng và phát huy vai trò NCT thì việc đầu tiên là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định mà lúc bấy giờ là "phụ lão cứu quốc hội".

Trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta luôn luôn xác định 2 nội dung: Chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Đặc biệt từ Đại hội IX (tháng 4-2001) đến Đại hội XI toàn quốc của Đảng đều xác định rõ: "Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống trong xã hội và gia đình" (Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng - tháng 1-2011).

Từ ngày 10-5-1995 Chính phủ quyết định thành lập Hội NCT đến nay Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Nổi bật là: Ngày 28-4-2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh NCT. Đây là khung pháp lý và chuẩn mực đạo đức xã hội, trong việc chăm sóc, phát huy vai trò NCT đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT.

Ngày 5-8-2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 141/2004/QĐ-TTg, thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam và Quyết định phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010". Trước tình hình phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội.

Trước tiềm năng, vai trò, vị trí của lớp NCT trong xã hội; ngày 23-11-2009, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII Nghị quyết thông qua Luật NCT. Từ đó đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có nhiều nghị định, quyết định và các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NCT. Đây là niềm vui lớn của các thế hệ NCT nước ta thể hiện sự quan tâm chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT trong thời kỳ mới và cũng là sự tôn vinh và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

NCT tỉnh ta đã luôn phát huy truyền thống quê hương Quảng Bình "Hai giỏi" - anh hùng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai và cần cù, thông minh, sáng tạo, đoàn kết, thủy chung trong xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới.

NCT và Hội NCT tỉnh ta luôn luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền nhằm tạo điều kiện cho NCT sống vui, sống khỏe, hạnh phúc trong xã hội và gia đình; đồng thời tiếp tục phát huy kinh nghiệm trí tuệ, vai trò, tiềm năng to lớn của NCT trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ngày 12-10-1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về chăm sóc NCT và ngày 02-7-1996 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 31/CT-UBND về việc chăm sóc NCT và hỗ trợ cho Hội NCT. Từ sau khi Luật NCT ban hành và có hiệu lực pháp luật từ 01-7-2010 đến nay, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật NCT trên địa bàn tỉnh ta.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc NCT. NCT được hưởng những quyền lợi về vật chất và tinh thần. Chất lượng cuộc sống NCT không ngừng được cải thiện và nâng lên, nhất là NCT ở các địa bàn khó khăn,  đồng thời dân tộc thiểu số; NCT thuộc diện chính sách, NCT là những người có công, tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng...

Hơn 98.172 NCT tỉnh ta ở mức độ tuổi khác nhau (từ 60-69 tuổi hơn 40.000; từ 70-79 tuổi hơn 20.000; từ 80-89 tuổi hơn 17.000). Hầu hết các thế hệ NCT tỉnh ta là tầng lớp có công lao to lớn đối với gia đình, quê hương, đất nước. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và xây dựng trong hòa bình, số đông NCT có những đóng góp xứng đáng.

Tuy tuổi cao nhưng gần 10 vạn NCT vẫn tiếp tục hoạt động, đem trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm và uy tín với cộng đồng cống hiến cho gia đình, xã hội, làm nòng cốt trong các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa ở khu dân cư, cùng con cháu "hiến kế, hiến công" tham gia làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài; tích cực góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể, tham gia đấu tranh chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, sống mẫu mực, trong sáng ở địa bàn khu dân cư.

                                                                    Đinh Minh Thử
                                              UV BCH Trung ương Hội NCT Việt Nam,

                                                    Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh





 

,
.
.
.