Giải pháp cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển

Cập nhật lúc 07:41, Thứ Ba, 02/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tỉnh ta có 68 xã với 3.650 hộ dân nằm trong vùng thường xuyên bị sạt lở sông, biển với chiều dài khoảng 174km. Những năm qua bằng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, mỗi năm tỉnh ta đã xây dựng, tu bổ được trên dưới 10km đê kè và di dời được vài chục hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ. Tuy nhiên việc đầu tư kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hàng trăm km và di dời khoảng trên 2.000 hộ dân là quá lớn đối với một tỉnh nông nghiệp đang còn nghèo như tỉnh ta hiện nay. Bởi vậy phương châm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tối ưu cho vùng sạt lở là "né tránh và thích nghi".

Tỉnh ta có 5 hệ thống sông chính: sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh, sông Nhật Lệ. Đặc điểm sông ngắn và dốc; mùa mưa nước tập trung nhanh, rút nhanh, chảy xiết. Vận tốc dòng chảy lớn đạt từ 4 đến 5m/s, thường xảy ra lũ quét, xói lở đất hai bên bờ sông và cửa sông, nhất là những đoạn sông cong và các cồn, đảo nằm giữa lòng sông. Tốc độ xói lở lấn vào bờ hàng năm từ 2 ÷ 5 m, sâu 2 ÷ 3m.

Đặc biệt năm 2004, 2005, 2007 ở sông Gianh xói lở vào bờ có nơi đến 15-20m, sâu 7-10m như khu vực xã Văn Hoá, Phù Hoá, Quảng Hải... Sạt lở bờ sông hàng năm không chỉ gây sập đổ nhà cửa, các công trình phúc lợi, đe doạ các khu dân cư mà còn làm mất đi hàng trăm ha đất sản xuất, nhiều hộ gia đình phải di dời, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Bờ biển tỉnh ta có chiều dài gần 120km, dọc theo bờ biển và 2 bên cửa sông nhiều nơi là khu định cư tập trung của nhân dân đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Lũ lụt cùng với sóng do gió bão hoặc gió mùa đông bắc cường độ mạnh kết hợp triều cường gây sạt lở bờ biển vùng cửa sông ngày càng khốc liệt.

Trước đây trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra nhiều vụ sạt lở, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân, thiệt hại tài sản rất lớn. Thí dụ như năm 1988, 1989 tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) biển lấn sâu vào đất liền 70m, gần trăm hộ dân bị mất nhà. Năm 1995 sạt lở bờ biển tại cửa sông Lý Hoà, sông Dinh uy hiếp nhà dân các thôn của 2 xã Hải Trạch và Nhân Trạch. Năm 2004, 2005 sạt lở bờ biển tại xã Quảng Phúc, lấn sâu vào đất liền 70 đến 100m, uy hiếp khu dân cư thôn Tân Mỹ.

Người dân Lệ Thuỷ đắp đê chắn nước lũ.
Người dân Lệ Thuỷ đắp đê chắn nước lũ.

Người dân xã Nhân Trạch, Bố Trạch còn ám ảnh mãi mùa mưa lũ năm 2010, 2011 xói lở mạnh tại bờ biển vùng cửa sông Dinh, hàng trăm hộ dân đã bị sập đổ mất nhà và hiện nay đang có nguy cơ bị sập đổ tiếp. Tháng 10-2011 Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống lụt bão (PCLB) phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố tổ chức điều tra, đánh giá  tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả có 68 xã bị ảnh hưởng của sạt lở, với tổng chiều dài bờ sông, bờ biển là 173,9 km (trong đó chủ yếu là sạt lở bờ sông với 164,8km).

Do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường theo chiều hướng ngày càng cực đoan, trái quy luật, lượng mưa ngày càng có sự chênh lệch giữa mùa khô và mùa lũ nên mùa lũ thì lũ tập trung trong thời gian ngắn, mùa kiệt thì khô hạn kéo dài (nhiều tháng không có mưa hoặc mưa không đáng kể). Cùng với sự tàn phá rừng, khai thác cát, sạn lòng sông bừa bãi diễn ra khắp nơi...

Vì vậy, vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển vốn đã phức tạp lại càng phức tap hơn, đây không chỉ còn là diễn biến tự nhiên như trước mà thực sự đã trở thành hiện tượng thiên tai khó lường trước và là vấn đề bức xúc hiện nay vì thiệt hại về dân sinh, kinh tế do sạt lở ven sông, ven biển ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phương châm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng ven biển miền Trung nói chung và tỉnh ta nói riêng là "né tránh và thích nghi".

Giải pháp cơ bản là: chú trọng xây dựng quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch; quy hoạch, xây dựng công trình phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, công trình hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng bảo đảm khả năng tiêu thoát lũ... Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khả năng đối phó với thiên tai của mỗi người dân và cộng đồng. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và lực lượng nhân dân địa phương. Hoàn thiện các chính sách, chế độ khuyến khích người dân tham gia phòng tránh thiên tai bão, lũ, hạn hán, giông, lốc. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và tận dụng được điều kiện tự nhiên.

Các giải pháp ngăn lũ, ngăn mặn, điều tiết nguồn nước bao gồm: thực hiện chương trình củng cố công trình đê điều, tận dụng và bảo tồn các cồn cát tự nhiên để ngăn nước sông, biển, ngăn mặn; xây dựng phát triển các hồ chứa, các công trình thuỷ lợi chống hạn, chống úng; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, nạo vét luồng lạch, xây dựng các khu trú đậu tàu thuyền, nâng cấp và phát triển các trạm thông tin ven biển phục vụ cảnh báo bão, nước biển dâng, sóng thần.

Một trong những biện pháp được xem là căn cơ và ít tốn kém là, biện pháp phi công trình. Trọng tâm của biện pháp này là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho dân cư vùng bị sạt lở nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở đất bờ sông, bờ biển.

Trong những năm qua, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, chính quyền và người dân ở các vùng đất bị sạt lở đã có nhiều biện pháp phòng chống, đã huy động hàng ngàn ngày công gia cố hàng chục ngàn cọc tre, hàng chục ngàn bao cát...

Nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; tuy nhiên do điều kiện kinh tế, vật chất hạn chế, với nguồn vốn xây dựng chủ yếu là vốn hỗ trợ của Trung ương nên chỉ mới ưu tiên xây dựng các khu vực trọng điểm bị sạt lở mạnh (kè chống xói lở 2 bên bờ sông, cửa sông Gianh: các điểm sạt lở xung yếu ở các xã Quảng Phúc, Quảng Tiên, Quảng Minh, Phù Hoá, Văn Hoá, Châu Hoá; sông Lý Hoà đoạn cửa sông phía xã Hải Trạch; sông Dinh đoạn bờ biển phía bắc xã Nhân Trạch; sông Nhật Lệ có các đoạn qua xã Bảo Ninh, phường Hải Thành, Đồng Mỹ, Hải Đình, các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh Hiền Ninh; sông Kiến Giang có các điểm sạt lở tại các xã An Thuỷ, Lộc Thuỷ, Phong Thuỷ, Liên Thuỷ, Mỹ Thuỷ, Xuân Thuỷ, thị trấn Kiến Giang...).

Đầu tư xây dựng kè chống xói lở ở bờ sông Gianh.
Đầu tư xây dựng kè chống xói lở ở bờ sông Gianh.

Với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2010, tỉnh ta đã và sẽ triển khai xây dựng nhiều tuyến kè chống sạt lở với kinh phí hàng trăm tỷ đồng trên phạm vi khá lớn ở 2 bên bờ sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hoà, sông Dinh, sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà tỉnh ta hiện nay đang phải đối mặt là thiếu đất tái định cư và thiếu kinh phí để di dời người dân đến vùng an toàn.

Tỉnh ta là một tỉnh ven biển nhưng trên 90% diện tích tự nhiên là đồi núi và dải cát ven biển. Đại bộ phận dân cư sinh sống tập trung ở vùng cửa sông và ven sông, mật độ dân cư cao là nơi có điều kiện thuận lợi về sản xuất và sinh hoạt, nghề chính là sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là trồng lúa và các cây hoa màu khác. Nhân dân sống từ lâu đời, có nhiều công trình văn hoá, tâm linh gắn chặt cuộc sống của người dân. Là một tỉnh nông nghiệp nhưng diện tích đất nông nghiệp quá ít, thiên tai thường xuyên nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, mức sống còn rất thấp.

Nạn sạt lở đất ven sông, ven biển ngày càng trầm trọng gây mất nhà cửa, đất ở, đất sản xuất là mối đe dọa lớn đến ổn định cuộc sống của người dân. Đối mặt với vấn nạn này là quỹ đất để di dời, tái định cư cho các địa phương, các hộ dân ở trong vùng sạt lở không có nhiều, không đáp ứng với tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân. Để bảo đảm các điều kiện sống tại các điểm tái định cư đòi hỏi phải được đầu tư san ủi mặt bằng, xây dựng điện, đường, trường, trạm. Muốn vậy phải có nguồn kinh phí không phải là ít và có thời gian điều tra, nghiên cứu kỹ trước khi xây dựng.

Mặt khác tư tưởng, tình cảm người dân ở vùng sạt lở nói chung, những người đã bị sạt lở mất nhà hoặc đang có nguy cơ mất nhà nói riêng sâu nặng với nơi mảnh đất mình sinh ra. Vì thế họ chỉ muốn tái định cư tại chỗ, không muốn di dời tách xa dòng tộc, xa cộng đồng đã từng sinh sống cùng nhau; xa các công trình văn hoá, tâm linh.

Một trong những nguyên nhân mà các hộ di dời ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở ít là do kinh phí hỗ trợ di dời đến nơi ở mới 5 triệu đồng/hộ là quá thấp, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải xây dựng lại cuộc sống tại nơi ở mới nên họ không muốn di dời.

Đất đai hầu hết đã được giao, cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng. Các hộ dân muốn có đất để tái định cư phải nộp tiền đất (chưa tính đến tiền đền bù cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi). Với thu nhập của người dân như hiện nay, phần nhiều không có khả năng để nộp tiền đất. Đây là một vướng mắc khó giải quyết.

                                                                            Tr. Thái









 

,
.
.
.