Tháng ba Quy Đạt

Cập nhật lúc 07:36, Thứ Ba, 13/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - "Rằng là ai lên Quy Đạt quê mình...". Tôi chạm đèo Đá Đẽo trên đường Hồ Chí Minh, mây sà xuống là đà ngọn cây, tưởng chừng đưa tay ra là có thể với tới được. Bên ni đèo thung lũng Cha Nòi của huyện Bố Trạch, bên nớ là đất Minh Hóa. Lời ca khúc "Đường lên Quy Đạt" của cố nhạc sỹ Trần Hoàn được anh bạn lái xe ở Huyện ủy Minh Hóa cố vặn to volume lên như lời mời gọi.

Bạn hỏi: "Ấn tượng lần đầu tiên khi đến với Quy Đạt là gì?". Tôi nhắm mắt lại và hồi tưởng đến thị trấn phố núi nhỏ bé nằm khiêm tốn giữa bốn bề lèn cao của hơn mười năm trước. Cũng là tháng ba... Những mái nhà lợp ngói lúp xúp. Những con đường nhỏ tưởng chừng mất hút về phía lèn núi thẳm. Ấn tượng lắm khi dọc theo những con đường nhỏ ấy, hoa xoan nở trắng cả đất trời. Mùi hương thoang thoảng cho tâm hồn con người thư thái, gạt bỏ bớt âu lo về cuộc sống đầy khó khăn ở một huyện miền núi nghèo mà trải lòng ra với đất trời.

Đó là chuyến đầu tiên tôi lên Minh Hóa. Sau ba ngày cắt rừng đi vào với đồng bào Rục ở xã biên giới Thượng Hóa, khi trở ra Quy Đạt, ông Đinh Xuân Đình, lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND huyện kéo tôi về nhà ông. Ấn tôi ngồi xuống ghế, ông bảo: "Chú nghỉ cho đỡ mệt, bác có món này đãi chú!".

Ông vào phía sau bếp, một lúc sau mang ra cho tôi một cốc nước màu vàng sóng sánh: "Giải nhiệt, giải mệt tốt lắm!". Thì ra đó là cốc nước chè xanh pha với mật ong rừng, uống từng ngụm nhỏ... cảm giác mát rượi ngay từ đầu lưỡi. "Chè xanh, mật ngọt thắm tình người Quy Đạt!- Ông Phó Chủ tịch UBND huyện cười giải thích- Đây là một trong những thứ đặc sản "riêng có" của người Minh Hóa đó chú!".

Hoa tươi đến với phố núi Quy Đạt trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Ảnh: T.L
Hoa tươi đến với phố núi Quy Đạt trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Ảnh: T.L

Sau này quen với đất và người Quy Đạt, tôi có dịp thưởng thức thêm rất nhiều thứ đặc sản "riêng có" ở phố núi này: bồi (pồi) ăn kèm với ốc đực (ôốc tực) cùng rau rừng, cá mát, nhộng tằm, rau rớn (rau tớn), nhộng ong đất,... Ban đầu thưởng thức còn có chút kiêng dè, nhưng riết rồi đâm nghiện, mỗi lần lên với Quy Đạt cứ nhờ bạn kiếm chút bồi, chút cá mát, chút ốc đực, chút rau rừng... rồi ngồi lại cùng nhau, dân dã thế nhưng đã bén duyên với Quy Đạt rồi, khó rứt ra được.

Tháng ba về với phố núi, Quy Đạt như một nàng thiếu nữ đỏng đảnh làm dáng sau một giấc ngủ say. Bắt đầu từ tháng mười một âm lịch của năm trước, đất trời Minh Hóa chìm trong mưa rét. Nhiệt độ mùa đông ở Minh Hóa so với thành phố Đồng Hới chênh nhau khoảng ba đến bốn độ. Lên Minh Hóa cứ mười mươi rằng qua khỏi đèo Đá Đẽo là gặp trời mưa.

Mưa không to, không nhỏ, mưa cứ ray rứt từ ngày này qua ngày khác... tháng này qua tháng khác. Đêm nằm, chăn ấm quấn chặt vẫn nghe hơi lèn buôn buốt chui vào người. Mưa kéo dài như thế, qua Tết Nguyên đán cho đến tháng ba, khi hoa xoan bắt đầu bung nở, khi con ong rủ nhau đi tìm hoa ủ mật thì mặt trời mới chớm dậy, vượt qua khỏi lèn đá cao- Quy Đạt sức sống bừng lên, mạch trào.

Chợ Quy Đạt bao đời nay vẫn duy trì một tháng 6 phiên, các phiên chợ họp vào ngày 5, 10, 15, 20, 25 và cuối tháng âm lịch. Với Quy Đạt, vào những ngày trùng phiên chợ, người dân khắp nơi đổ về mua sắm chật kín cả khoảnh sân rộng trước chợ. Ngoài các sản vật địa phương, còn có tư thương từ Ba Đồn, Đồng Hới đem hàng hóa lên trao đổi. Người Quy Đạt bây giờ đời sống khá dần lên, hộ giàu tăng mạnh, hộ nghèo giảm xuống nên sức mua cũng tăng dần theo. Tôi đi thăm chợ Quy Đạt nhằm những ngày cận kề ngày 8-3, thấy một điều lạ- hoa tươi tràn ngập chợ.

Trước đây vào những dịp lễ, tết, ra chợ Quy Đạt đố tìm được một nhành hoa tươi. Tháng ba này, hoa ở chợ Quy Đạt cũng chẳng thua kém gì ở Ba Đồn, Đồng Hới, đủ các loại. Chị Đinh Thị Thanh Thúy, người thị trấn nhân dịp này về Đồng Hới đem hoa lên bán, chị tâm sự: "Khách mua nhiều lắm! Chắc phải tiếp tục về xuôi lấy thêm thôi em".

Thị trấn Quy Đạt ngày càng đổi thay. Ảnh: T.L
Thị trấn Quy Đạt ngày càng đổi thay. Ảnh: T.L

Chị Đinh Thị Lệ Xuân ở xã Xuân Hóa, tranh thủ lúc nông nhàn mở quầy bán hoa tươi, người đến mua hoa tấp nập, vui như trẩy hội... Thì người Quy Đạt vốn lịch lãm, yêu đời, nhưng ngày trước vì cách núi, ngăn sông, xa ngái quá... lại nữa, mãi bôn ba kiếm miếng cơm manh áo nên tạm quên đi những món quà tinh thần cần thiết cho người thân, bây giờ kinh tế khá lên rồi, cố gắng lo làm đẹp cho cuộc đời chứ!

Chánh Văn phòng Huyện ủy Minh Hóa, Đinh Thanh Bằng nói rằng: "Trước đây mỗi lần hội nghị, lễ tết, muốn mua hoa tươi phải đặt trước tận Đồng Hới kia, chừ thì ra chợ Quy Đạt, tha hồ chọn lựa, giá cả cũng phải chăng thôi, không đắt đỏ lắm!".

Đêm tháng ba Quy Đạt, vầng trăng non lơ lửng đậu trên ngọn lèn tây, Bí thư Huyện ủy Cao Văn Định đãi tôi hai món đặc sản "riêng có": bồi và ốc đực chấm nước mắm gừng và ớt tiêu giã nhỏ cay xé lưỡi.  Ông nói rằng: "Đảng bộ và nhân dân huyện cố gắng làm sao đồng tâm hiệp lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Nghị quyết 30a mà vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Con đường sáng đang rộng mở phía trước đối với huyện vùng cao Minh Hóa". Tôi cảm nhận được sự trăn trở nơi ông, cũng như ước mơ dung dị của cố nhạc sỹ Trần Hoàn, ngày nhạc sỹ lên với Quy Đạt: "Đẹp lắm em ơi khi quê mình chắp cánh. Dẫu còn gian khó vẫn sáng chói niềm tin. Một bát chè xanh thơm hương bồi sớm chiều. Đường lên phơi phới trên Quy Đạt quê mình..."

                                                                         Ngô Thanh Long











,
.
.
.