Bản nhỏ bên dòng Đại Giang

Cập nhật lúc 14:05, Thứ Sáu, 02/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Bí thư chi bộ bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh nói rằng: “Khi huyện và xã quyết định chọn bản làm điểm để xây dựng nông thôn mới, bà con dân bản mình phấn khởi lắm! Từ đây đồng bào càng có thêm những điều kiện tốt để vươn lên, thoát nghèo”.

Từ đường Hồ Chí Minh ngay phía bờ bắc cầu Long Đại, chúng tôi rẽ phải bám theo sông Đại Giang mà lên với bản Lâm Ninh. 5 năm trước, để đến được bản bằng đường bộ là cả một hành trình lắm gian nan trên con đường độc đạo bết bùn về mùa mưa và đầy bụi đỏ trong mùa nắng.

Ngày hôm nay đi trên con đường bê tông thoáng rộng, sạch sẽ, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ là chúng tôi đã đến bản. Con đường như một tín hiệu vui đối với bản Lâm Ninh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới mà đồng bào Vân Kiều đang chung tay thực hiện trong sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân xã Trường Xuân cũng như của huyện Quảng Ninh.

Bản Lâm Ninh có 44 hộ, 149 khẩu, qua 30 năm từ ngày tái lập lại xã Trường Xuân, bản đã có những bước phát triển vượt bậc. Quyết định chọn Lâm Ninh làm điểm xây dựng nông thôn mới là một ý tưởng rất táo bạo của Đảng bộ, chính quyền xã.

Thầy giáo Dũng và lớp học bên dòng Đại Giang. Ảnh: T.L
Thầy giáo Dũng và lớp học bên dòng Đại Giang. Ảnh: T.L

Theo lời ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã: “Chúng tôi cân nhắc đến rất nhiều tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với bản Lâm Ninh, chú trọng đến hạ tầng cơ sở như điện- đường- trường- trạm; các thiết chế về văn hóa- xã hội; đời sống dân sinh... Qua thời gian đồng bào định canh định cư họ gặt hái được rất nhiều thành quả: chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; hệ thống chính quyền, các tổ chức, đoàn thể hoạt động rất hiệu quả trong thực hiện các chương trình 135, 134, xóa mái tranh cho hộ nghèo giúp dân cải tạo nhà ở, phát triển kinh tế.

Hiện tại đến với Lâm Ninh không còn hộ dân nào sống trong những ngôi nhà dột nát, tạm bợ; 20 hộ kinh tế ổn định. Bằng những hình thức: “ba cùng”, “bắt tay chỉ việc”, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm tỉnh, huyện sát cánh cùng dân bản, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và phương thức sản xuất mới cho họ. Từ đó đồng bào quen dần với cung cách làm ăn mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Ở Lâm Ninh, chúng tôi định hướng cho đồng bào chú trọng vào trồng rừng kinh tế và chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ dân sở hữu khoảng 3 ha rừng, nhiều hộ trên 10 ha. Năm 2011, toàn bản trồng mới được 65 ha rừng; thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/ ha”.

Duy trì và động viên đồng bào phát triển diện tích rừng trồng đang là hướng đi đúng, thoát nghèo nhanh và bền vững. Bên cạnh đó việc nâng cấp đập thủy lợi và hệ thống tưới tiêu tại bản Lâm Ninh giúp đồng bào làm quen và gắn bó với cây lúa nước. Diện tích lúa ngày càng mở rộng, từ chỗ làm một vụ nay duy trì hai vụ với trên 10 ha, trong tương lai sẽ tăng dần thêm từ 5 đến 10 ha nữa. “Đây thực sự là tài sản quý của người Vân Kiều bản Lâm Ninh- Chủ tịch UBND xã Trường Xuân khẳng định- Thực tế cho thấy tại Trường Xuân nơi nào đồng bào làm được lúa nước thì ở đó đời sống khá dần lên. Sau Khe Dây, Khe Ngang bây giờ thêm bản Lâm Ninh”.

Trên cánh đồng lúa của bản đang vào thì con gái, mướt một màu xanh, được bà con rào chắn kiên cố để ngăn trâu, bò vào phá, chúng tôi bắt gặp những người dân đang chăm chỉ làm cỏ, chăm sóc cho lúa. Ngoài diện tích lúa, họ còn trồng thêm các loại hoa màu khác như đậu xanh, ngô, lạc... Chị Hồ Thị Dới nói với chúng tôi: “Mấy năm nay, bản được mùa lúa, đồng bào ấm cái bụng. Càng thêm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, càng phấn khởi hơn khi xã Trường Xuân chọn bản làm điểm xây dựng nông thôn mới”. Tôi hỏi thêm chị Dới: “Nếu Nhà nước cần đất để mở thêm đường, xây thêm các công trình cho dân, chị sẵn sàng cho không?”. Chị Dới cười: “Ơ... cho chứ! Không phải riêng mình mô, mọi người ai cũng sẵn sàng”.

Đường vào bản Lâm Ninh được bê tông hóa rộng rãi. Ảnh: T.L
Đường vào bản Lâm Ninh được bê tông hóa rộng rãi. Ảnh: T.L

Lên với Lâm Ninh lần này, chúng tôi càng thấy vui hơn khi ngồi trò chuyện với Hồ Thao, Bí thư chi bộ bản trong căn nhà xây khang trang, rộng rãi. Căn nhà được khánh thành đúng vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, trị giá 350 triệu đồng, trở thành ngôi nhà to nhất bản Lâm Ninh. Đây là một minh chứng cho cung cách làm ăn mới của Hồ Thao. Dân bản đang tích cực học tập theo Hồ Thao. Ông tâm sự: “Hiện tại bản có 6 học sinh lớp 12, 2 em đỗ đại học năm vừa rồi. Ở điểm trường của bản mẫu giáo có 24 cháu; lớp một 9 cháu; lớp ba 9 cháu và lớp năm có 6 cháu. Đây là tài sản quý của bản đó nghe! Hồi trước đốt đèn đi khắp bản cũng chẳng tìm thấy một đứa học xong lớp chín. Nay thì khác rồi, mọi người ai cũng muốn con em mình đến trường học lấy cái chữ Bác Hồ”.

Tôi gặp lại hai thầy giáo cắm bản tại Lâm Ninh từ bốn năm nay: Nguyễn Xuân Thành và Trương Văn Dũng. Hai thầy đều có thâm niên cắm bản dạy học ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh của xã Trường Xuân và Trường Sơn, thầy Thành 15 năm và thầy Dũng 17 năm. “Ba cùng” với đồng bào, tiếng Vân Kiều nói sõi như tiếng Kinh nên dạy chữ cho trẻ con dân tộc nhờ đó mà thuận lợi hơn nhiều lần. Bà con trong bản xem thầy Thành, thầy Dũng như những người con của bản.

Lâm Ninh đang ngày một đổi thay bên dòng Đại Giang hiền hòa. Một ngày không xa, bản thực sự sẽ trở thành một điểm dân cư tiên tiến giữa núi rừng Trường Sơn. Người Vân Kiều bản Lâm Ninh đang cùng nhau chung sức hướng đến ngày mai no ấm.

                                                                                              Thanh Long



,
.
.
.