Niềm vui dân bản làng Ho

Cập nhật lúc 08:07, Thứ Tư, 29/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 20-2, đánh dấu một mốc thời gian đáng nhớ đối với người dân bản Làng Ho, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) khi 2 công trình trạm kết hợp quân dân y và nhà văn hóa cộng đồng được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là món quà ý nghĩa của Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn hỗ trợ thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo Sài gòn Giải phóng.

Làng Ho kiên trung

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứa nước, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã chọn Làng Ho lập điểm tập kết vũ khí, lương thực, thuốc men gùi thồ vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và chiến trường Trị - Thiên, Quân khu 5. Từ Làng Ho đi qua nước bạn Lào chưa đến 10 km, từ Làng Ho vào Quảng Trị cũng chừng 20 cây số nên được chọn đóng chốt là kho trung chuyển hàng hóa lớn trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Tại điểm di tích lịch sử bên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có đặt tấm bia ghi rõ: “Làng Ho - nơi đây tháng 10 năm 1959 đã được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị - Thiên và khu 5 từ năm 1959 đến năm 1962. Năm 1966, 1967, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho, Làng Ho - Khe Sanh, Làng Ho - Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào năm 1971”.

Khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân làng Ho. Ảnh: P.V
Khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân làng Ho. Ảnh: P.V

Người Vân Kiều ở Làng Ho nhà nào cũng tham gia bảo vệ bộ đội, cùng thanh niên xung phong làm đường, gùi thồ lương thực, vũ khí, tham gia mở đường bảo đảm giao thông thông suốt. Làng Ho là địa danh trung chuyển có tiếng nên có những ngày đế quốc Mỹ huy động hơn 100 trận đánh bằng máy bay và thả bom. Trong mưa bom, bão đạn, người Làng Ho vẫn kiên trung, các lực lượng chiến đấu ở Làng Ho vẫn vận chuyển hàng đi qua Lào, vào Trị - Thiên chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hơn 35 năm sau ngày đất nước hòa bình, dân bản Làng Ho dù nghèo vẫn một lòng theo Đảng, cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương. Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây đã cùng nhau phát triển sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng rừng để xây dựng bản làng. Nhưng với đặc thù của xã biên giới, lại chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp nên đến nay Kim Thủy vẫn là xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ngày mới ở Làng Ho

Từ sáng sớm, dân bản Làng Ho từ già trẻ, gái trai đều dậy sớm, chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất để mặc đến dự lễ khánh thành công trình Trạm kết hợp quân dân y và Nhà văn hóa cộng đồng. Khi ánh mặt trời vừa kịp gieo những hạt nắng đầu tiên xuống bản làng cũng là lúc buổi lễ khánh thành được bắt đầu.

Trong niềm vui chung với dân bản, đồng chí Nguyễn Đức Quang, Phó Trưởng ban thường trực Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo Sài Gòn Giải phóng bày tỏ: “Với việc xây dựng công trình cụm bản văn hóa nơi đây, trong tương lai không xa nữa, tại Làng Ho, một địa danh lịch sử nổi tiếng sẽ có một bản làng thật đẹp.

Công trình bàn giao đưa vào sử dụng có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, thể hiện sự tri ân đối với đồng bào đã một lòng vì cách mạng trong những năm chiến tranh ác liệt. Từ đây, đồng bào có điểm sinh hoạt văn hóa khang trang, có địa chỉ tin cậy để chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vệ sinh phòng trừ dịch bệnh. Và cũng là dịp để chúng ta thắp những nén nhang tưởng nhớ đồng đội, đồng bào của chúng ta đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”.

Cuối năm 2010, quyết định xây dựng bản Làng Ho trở thành bản làng kiểu mẫu đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo Sài Gòn giải phóng thống nhất cao. Cả bản sẽ xây mới 33 căn nhà gỗ với giá trị 1 tỷ 485 triệu đồng, sửa lại 3 căn nhà khác bị xuống cấp trị giá 75 triệu đồng; xây đường nội bộ 100 triệu đồng và làm cổng chào vào bản; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho bản, nhà vệ sinh cho mỗi hộ...

Ngày 2-7-2011, các hạng mục công trình ở Làng Ho đã được khởi công trước sự vui mừng của đông đảo người dân nơi đây. Sau hơn 8 tháng thi công trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, 2 hạng mục nhà văn hoá cộng đồng, trạm kết hợp quân dân y đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là 2 hạng mục được xác định là cấp thiết nhất của đề án.

Hồ Văn Thạch, Trưởng bản Làng Ho tâm sự: “Miềng vui lắm! Từ nay sẽ không còn cảnh người dân phải vượt đường xa đến trung tâm xã mới được khám chữa bệnh nữa. Bộ đội biên phòng còn cử hai cán bộ ở tại trạm để thường xuyên khám chữa bệnh cho bà con khi cần. Miềng xin được nói lời cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước và Bộ đội Biên phòng!”.

Chị Hồ Thị Cham, người dân bản Làng Ho cũng không giấu được niềm vui ngời lên trên nét mặt, chị cho biết: “Dân bản chúng tôi mừng lắm! Trước ngày khánh thành, đồng bào tập trung về nhà văn hóa và trạm kết hợp quân dân y để làm vệ sinh. Bữa ni chúng tôi không phải lo lắng khi trong bản có ai đó bị ốm đau nữa. Có Nhà nước, có bộ đội biên phòng nên dân bản mới sướng như ri. Bộ đội vừa hướng dẫn chúng tôi cách nuôi lợn, nuôi gà, vệ sinh bản làng sạch sẽ, nằm màn để tránh muỗi, bộ đội bảo vệ bình yên cho dân bản, chừ bộ đội khám và cho thuốc nữa, đồng bào vui lắm, chỉ biết nói cảm ơn thôi.”

Trong buổi lễ bàn giao công trình nhà văn hoá, trạm kết hợp quân dân y bản Làng Ho, Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, Trưởng Ban quản lý Đề án “Quy hoạch cụm dân cư bản Làng Ho” đã nhấn mạnh: “Công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập lực lượng BĐBP. Đây cũng là biểu hiện tình cảm tri ân chân thành nhất đối với đồng bào. Trước mắt Sở Y tế, Phòng Quân y BĐBP đã đầu tư trang cấp các trang thiết bị cần thiết để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân...”

Một thời gian không xa nữa, Cụm dân cư bản Làng Ho sẽ hoàn thành với 33 ngôi nhà tình nghĩa san sát bên nhau có đầy đủ nước sạch, hệ thống vệ sinh và bên cạnh đó là Trạm kết hợp quân dân y, Nhà văn hóa cộng đồng. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao giúp họ phát triển sản xuất, xây dựng bản làng ngày thêm văn minh, cùng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Đồn 601 bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

                                                                                                         P. V

,
.
.
.