Đồn Biên phòng 585 - Cà Xèng: Ghi dấu ấn nơi biên cương

Cập nhật lúc 13:53, Thứ Tư, 29/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 1959 ghi dấu mốc thời gian đáng nhớ khi những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 - Cà Xèng tình cờ phát hiện ra người Rục. Hơn 40 năm trước những người Rục cuối cùng rời hang đá theo chiến sỹ biên phòng ra thung lũng dựng lều làm rẫy, giã từ cuộc sống ăn lông ở lổ. Đấy là năm 1971, lúc đó, bộ tộc Rục còn lại cả thảy 109 người. Với những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585, việc đưa tộc người Rục rời bỏ cuộc sống hoang dã để định canh định cư và hòa nhập với cộng đồng là cả một cuộc cách mạng.

Được thành lập vào năm 1959, Đồn Biên phòng 585 có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới Việt Nam - Lào dài 31,5km gồm 1 cột mốc và 2 cọc dấu. Ngoài nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng, các ngành chức năng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực và địa bàn biên giới, Đồn còn có nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp đồng bào Rục ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội và hòa nhập cộng đồng. Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, tập thể cán bộ, chiến sỹ của Đồn đã không ngừng nỗ lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 cho biết: Địa bàn quản lý của đơn vị là các xã Hóa Sơn và Thượng Hóa (Minh Hóa). Đây là 2 xã biên giới đặc biệt khó khăn với đa số đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thiếu đói vào thời gian giáp hạt và mùa mưa bão hàng năm vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thì việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội được đơn vị xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong các mặt công tác.

Bám sát tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường biên giới hải đảo, thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 đã tích cực triển khai thực hiện các Chương trình 134, các quyết định 135, 167, Nghị quyết 30a của Chính phủ, chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trên địa bàn huyện Minh Hóa. Trên cơ sở đó tập trung phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết những nhu cầu thiết yếu cho đồng bào trên địa bàn phụ trách.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 giúp dân làm đất gieo cấy lúa vụ đông xuân trên cánh đồng Rục Làn. Ảnh: N.H
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 giúp dân làm đất gieo cấy lúa vụ đông xuân trên cánh đồng Rục Làn. Ảnh: N.H

Cụ thể, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương các xã Hóa Sơn, Thượng Hóa hoạch định những chủ trương, chính sách hợp lý trong phát triển kinh tế - xã hội như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chăn nuôi, sản xuất, đưa các loại cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời phối hợp với Hội Nông dân huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung cấp hàng nghìn cây giống các loại phục vụ cho đồng bào canh tác, trồng trọt.

Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn có tính đặc thù của địa bàn biên giới để giúp dân ổn định cuộc sống, giữ vững biên giới Tổ quốc, việc hỗ trợ đồng bào Rục xóa bỏ tập tục lạc hậu, ổn định đời sống được Đồn Biên phòng 585 xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đơn vị đã cử các đội công tác xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Thường xuyên theo dõi, tuyên truyền vận động người Rục sống định canh định cư, tập trung hướng dẫn cho họ biết cày bừa, trồng ngô, sắn, lúa nước và chăn nuôi theo lối "cầm tay chỉ việc, cán bộ làm trước, dân làm theo sau".

Khó có thể nói hết những cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 trong việc giúp tộc người Rục từ bỏ lối sống săn bắt, hái lượm, ăn lông ở lổ để định canh định cư, phát triển sản xuất. Các hoạt động từ tham gia bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho đến việc xây dựng những thiết chế văn hóa, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, khám chữa bệnh và trên tất cả là ý thức tự tích lũy lương thực của đồng bào Rục đều có dấu ấn đậm nét của các chiến sỹ mang quân hàm xanh Đồn Biên phòng 585.

Đến các bản làng người Rục, chúng tôi cảm nhận được rất rõ sự đổi thay kỳ diệu của một tộc người vốn có nguy cơ tuyệt chủng trong một quãng thời gian chưa xa. Đề cập đến những việc làm cụ thể của đơn vị trong việc giúp đồng bào Rục làm lúa nước, đồng chí Trịnh Thanh Bình cho biết thêm: Năm 2007 đơn vị đã xây dựng mô hình ruộng lúa nước ở hộ gia đình ông Trần Trung Trực ở Rục Làn, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hoá. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, đơn vị đã khai hoang được 0,14 ha đất làm lúa nước. Sau 1 vụ, sản lượng lúa thu được đạt 3,5 tấn/ha, tiếp tục làm vụ thứ hai, sản lượng lúa thu được là 4 tấn/ha.

Đây chính là tiền đề hết sức quan trọng để  Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Rục Làn ở xã Thượng Hóa và giao cho Đồn trực tiếp tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào Rục tiến hành trồng lúa nước trên diện tích 10 ha tại mô hình dự án. Giờ đây, cánh đồng lúa Rục Làn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Rục, xã Thượng Hóa. Với sản lượng lúa thu được trên 4 tấn/ha, đồng bào Rục có thể yên tâm với việc chủ động lương thực để từng bước nâng cao đời sống và hòa nhập cộng đồng.

Quán triệt tư tưởng "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 tích cực tham gia sinh hoạt cùng dân, chia sẻ với đồng bào những khó khăn do điều kiện đặc thù miền núi.

Đơn vị đã chủ động tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt trị giá 4,1 tỷ đồng phục vụ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cho 66 hộ với 265 nhân khẩu đồng bào tộc người Rục tại bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, cán bộ, chiến sỹ đơn vị tham gia hơn 1.200 ngày công; tổ chức cấp phát 30 tấn gạo cứu đói giáp hạt và gạo trợ cấp theo Nghị quyết 30a hàng tháng cho nhân dân 2 xã Hóa Sơn, Thượng Hóa; tham mưu, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương 2 xã tổ chức làm 90 nhà thuộc nguồn vốn cấp theo Nghị quyết 167 của Chính phủ (gồm Hóa Sơn: 36 nhà và Thượng Hóa 54 nhà), trong đó đơn vị trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn làm 4 nhà (Hóa Sơn 1 nhà, Thượng Hóa 3 nhà). Thực hiện đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", đơn vị đã huy động hơn 350 ngày công của cán bộ chiến sỹ xây dựng 5 nhà Đại đoàn kết, trị giá 35 triệu đồng/nhà (gồm Thượng Hóa 4 nhà, Hóa Sơn 1 nhà) tặng cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già yếu, neo đơn, nhà cửa rách nát, tạm bợ.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 cũng đã tổ chức dạy 1 lớp xoá mù cho 36 học sinh; khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân với số tiền trên 15 triệu đồng; tham mưu với các địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn 2 đảng bộ với 27 chi bộ trực thuộc và các tổ chức quần chúng 2 xã đi vào hoạt động có nền nếp; duy trì có hiệu quả phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, xóm với 15/15 thôn, bản tham gia đăng ký phong trào.

Những kết quả đạt được của tập thể cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 585 thời gian qua là tiền đề rất quan trọng để đơn vị tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời gian tới.

                                                                                   Nguyễn Hoàng

,
.
.
.