Khát khao cống hiến vì huyện nghèo

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Tư, 22/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ nhiều miền quê khác nhau, đồng bằng có, miền núi có, nhưng tất cả 11 đội viên trí thức trẻ (thuộc dự án thu hút 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã của 62 huyện nghèo) ở huyện Minh Hóa, luôn mang trong mình dòng máu nhiệt huyết của tuổi trẻ, nguyện cống hiến hết mình, dám đối mặt với khó khăn để góp sức xây dựng huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cùng ăn, cùng ở với bà con

Trong cái giá lạnh ở vùng cao Minh Hóa, chúng tôi có dịp trở lại xã biên giới Trọng Hóa vào một ngày giữa tháng hai này, đã gặp được đội viên thuộc dự án thu hút 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã đang tập sự tại đây. Đó là Phạm Văn Bắc, quê ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch).

Sinh năm 1989, Phạm Văn Bắc là con của một sĩ quan nghỉ hưu, mẹ làm nghề nông nên tuổi thơ của Bắc cũng gắn liền với ruộng đồng, chăn trâu cắt cỏ, cuộc sống có phần bộn bề. Được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, Bắc đã không phụ lòng cha mẹ và đã đỗ thủ khoa Trường đại học Quảng Bình.

Tốt nghiệp đại học khoa Văn - Sử năm 2011, Phạm Văn Bắc từng đậu công chức tại Huyện đoàn Minh Hóa. Nhưng sau khi trúng tuyển dự án và được đào tạo bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, các chuyên đề về phát triển kinh tế xã hội, Phạm Văn Bắc đã xung phong lên vùng rẻo cao Trọng Hóa - đứa “con út” của huyện nghèo Minh Hóa với bao bộn bề khó khăn để tập sự.

Các đội viên trí thức trẻ đang đi thực tế tại bản La Trọng, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Ảnh: M.Chi
Các đội viên trí thức trẻ đang đi thực tế tại bản La Trọng, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Ảnh: M.Chi

Bắc tâm sự: “Trọng Hóa là xã biên giới rẻo cao, có nhiều bản, giao thông đi lại cách trở, nhưng với sức trẻ thì những điều này em không ngại. Mà lo lắng nhất là sự bất đồng ngôn ngữ, nên để hiểu được phong tục tập quán, điều kiện sản xuất và đời sống của bà con là hết sức khó khăn.

Tuy nhiên dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua, tuổi trẻ thì phải cống hiến hết mình chứ. Không phải bây giờ em mới biết khó mà em đã xác định tâm thế ngay từ đầu cho bản thân phải tự tin vượt qua tất cả. Khó mới phải làm và cần đến sức trẻ như mình”.

Được biết đề tài mà Bắc đã chọn là phát triển kinh tế vườn rừng, phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu và đất đai nơi đây. Theo Bắc, ở Trọng Hóa nhiều thứ đang cần lắm như giáo dục, y tế, nhà ở..., nhưng phát triển kinh tế vẫn là cần nhất, vì khi kinh tế phát triển, bà con no cái bụng thì tự khắc đồng bào sẽ ham học và tham gia vào nhiều công việc khác có ích. Và để làm được anh đã xác định là phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con ắt sẽ thành công. 

Bỏ phố về quê

Khác với Phạm Văn Bắc, Ngô Thị Hương sinh ra ở vùng đồng bằng chiêm trũng xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học sư phạm Đà Nẵng, Hương từng làm cho VNPT ở Đà Nẵng với thu nhập khá cao. Nhưng khi có thông tin dự án về thu hút trí thức trẻ có trình độ năng lực làm Phó chủ tịch xã ở huyện Minh Hóa theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chị đã thôi việc ở thành phố đầy tráng lệ như Đà Nẵng, quyết định chọn con đường lập thân lập nghiệp là thi vào làm Phó Chủ tịch UBND xã để được cống hiến sức trẻ, đem những kiến thức đã được học, giúp bà con xã rẻo cao Hóa Phúc phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.

Hương tâm sự: “Lên đây thấy ai cũng tốt, cũng quý nên em rất tự tin để làm việc. Chỉ tội đời sống của bà con nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên em đang rất lo lắng trăn trở". Hương cho biết những ngày vừa qua, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, kế hoạch sản xuất, chị tranh thủ mọi thời gian cùng anh em cán bộ trong xã về các thôn để tìm hiểu thực tế. Và kỷ niệm có lẽ để đời nhất trong thời gian thực tập là lần đi tham quan mô hình trồng rừng của hộ ông Đinh Quang Vinh ở thôn Sy.

Ở quê chưa một lần nhìn thấy sên vắt. Khi cùng các cán bộ và chủ hộ bước vào vườn keo đã đến tuổi khai thác, bỗng đâu dưới chân ngoe nguẩy những sên vắt mà như người dân nơi đây thường nói là sên như mầm giá đậu, hoảng quá, chị kêu cứu thất thanh nhưng một hồi rồi cũng trấn tĩnh lại. Vì chị biết không chỉ trong rừng cây mà ở các vùng sản xuất cây hoa màu khác cũng nhiều như thế. Mà công việc đâu phải ngồi bàn giấy cả đời để tránh được sên vắt! Thế là vừa đi, vừa bắt sên để theo đoàn tìm hiểu hết mô hình này đến mô hình khác...

Cũng như Phạm Văn Bắc và Ngô Thị Hương, 9 đội viên khác thuộc dự án về các xã của huyện Minh Hóa đang ngày đêm miệt mài tìm hiểu thực tế để có đề án tốt nhất, phù hợp với địa phương nhằm góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Tất cả đều khát khao cống hiến, muốn làm được những công việc sát sao thiết thực cho người dân địa phương.

Mặc dù trong thời gian đi tập làm Phó chủ tịch UBND xã tại địa bàn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhưng tất cả luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế và tâm tư nguyện vọng của người dân để ấp ủ những định hướng sau này cho phù hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Và có lẽ qua trải nghiệm thực tế, với bao khó khăn vất vả, những kỷ niệm vui buồn là cơ hội để các đội viên tôi luyện thêm cho mình, ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi người lại bừng lên thêm.

                                                                                     M. Văn – M. Chi





,
.
.
.