Xã... truyền thanh không dây

Cập nhật lúc 10:08, Thứ Hai, 20/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong khi 3 chiếc loa truyền thanh của bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) bật lên những nốt nhạc hiệu đầu tiên mở đầu cho giờ phát sóng chiều của Đài PT-TH huyện Quảng Ninh, tôi mới rút điện thoại ra để kiểm tra giờ, nhưng ở đây không có sóng. Anh Dương Văn Danh bảo: "Ở đây không có sóng Viettel, chỉ có sóng Mobiphone và sóng truyền thanh không dây thôi!...".

Truyền thanh không dây về bản

Là một cán bộ huyện được thuyên chuyển lên làm Bí thư Đảng ủy một xã vùng cao như Trường Xuân (Quảng Ninh), có lẽ điều làm cho ông  Đặng Văn Bình nhớ nhất là những chuyến công tác dài ngày lên các bản làng xa xôi có đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống.

Ông Bình kể: Lúc trước, giao thông đi lại còn rất khó khăn, phần lớn đều phải đi bộ. Có bản làng như Nà Lâm cách xa trung tâm xã đến 15km, thời gian đi bộ mất một buổi. Có nơi như thôn Trường Giang, phải đi thuyền máy mất 3 tiếng mới đến nơi. Đồng bào Vân Kiều sống rải rác, không tập trung, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên mỗi chuyến công tác tuyên truyền vận động, bà con mất nhiều ngày, hiệu quả không được cao. 

Phòng phát thanh của Trạm truyền thanh không dây xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Ảnh: D.C.H
Phòng phát thanh của Trạm truyền thanh không dây xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Ảnh: D.C.H

Trước đây, khi chưa có trạm truyền thanh không dây, các chủ trương,  đường lối, chính sách, nghị quyết của cấp trên đến thôn bản chủ yếu bằng đường bộ và tuyên truyền bằng miệng là chính. Rồi sau đó mới tổ chức các đoàn cán bộ xuống kiểm tra, phân tích, giải thích thêm  cho bà con hiểu rõ.

Đầu năm 2011, xã Trường Xuân được Dự án phân cấp giảm nghèo đầu tư lắp ráp một trạm truyền thanh không dây trị giá hơn 300 triệu đồng, phát sóng trực tiếp về đến tận 9 cụm thôn bản. Từ đó, công việc tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các văn bản, nghị quyết của tỉnh, huyện và địa phương trở nên dễ dàng hơn. Mỗi khi đài huyện, đài tỉnh phát sóng, hệ thống của trạm sẽ tự động mở và truyền đến tận các thôn bản. Mỗi ngày ba lần như vậy, sáng, trưa, tối, bà con đang làm việc trên rẫy cũng có thể nghe và hiểu được.

Từ khi có trạm truyền thanh này, các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã đều được truyền phát trực tiếp cho người dân theo dõi, bảo đảm được nguyên tắc công khai dân chủ. Thời gian tới, Trạm truyền thanh xã có kế hoạch xây dựng các bản tin chuyên sâu với nhiều tin tức, nội dung thiết thực, gần gũi với bà con, đặc biệt là các nội dung về xây dựng nông thôn mới, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu gương các điển hình người tốt việc tốt, gương sản xuất kinh doanh giỏi...

"Một người nói, nhiều người nghe"

Không xa xôi như những bản làng khác, bản Lâm Ninh nằm cách trung tâm xã Trường Xuân gần 5km, là nơi định cư của 44 hộ (156 khẩu) đồng bào dân tộc Vân Kiều. Anh Dương Văn Danh, người hướng đạo và cũng là "phóng viên" phụ trách đài xã, nói trước đây, khi xã chưa có trạm truyền thanh không dây, chính anh là người trực tiếp mang các công văn, chỉ thị đến tận các thôn bản để đọc thông báo cho nhân dân nghe. "Nay chỉ cần ngồi một chỗ ở trạm truyền thanh xã để đọc thôi".

Ông Hồ Hớn, có thâm niên 30 năm làm Bí thư chi bộ rồi Trưởng bản Lâm Ninh không giấu được niềm vui sướng từ khi có loa truyền thanh cấp... bản. Chiếc loa đã góp phần thay đổi về nhận thức cũng như những chuyển biến trong đời sống kinh tế, sản xuất của bà con nơi đây. "Cái loa này được nhiều việc lắm. Trước đây, mỗi lần họp bản, miềng phải đi kêu từng nhà, có khi không gặp, nên có người đi có người không. Bây giờ, chỉ cần mở máy nói vào cái loa là cả bản đều biết. Một người nói, nhiều người nghe.

Xã miền núi Trường Xuân hiện có 11 thôn bản. Trong đó có 5 bản của đồng bào dân tộc Vân Kiều (chiếm 33% dân số) sống định canh định cư rải rác trên tổng diện tích 15000ha đất tự nhiên chiếm 1/3 diện tích toàn huyện Quảng Ninh.

Trước đây, bà con miềng có biết bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng sắn, trồng ngô, làm lúa nước, chăn nuôi là chi mô. Cứ hôm nay nhà này gieo, hôm khác nhà khác gieo, không đều nên năng suất thấp. Bây giờ, có cái loa mới biết khi mô làm đất, khi mô gieo, khi mô bón phân. Năng suất tăng cao hơn, đời sống tiến bộ hơn.

Trước, miềng nói, dân bản nó không tin, nay có đài xã, đài huyện, có cả đài tỉnh nữa, dân họ mới tin là sự thật. Nói tết treo cờ Tổ quốc là họ làm ngay. Từ khi có cái đài xã, mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của địa phương họ đều biết và hiểu. Ai không hiểu, khi họp miềng nói lại lần nữa. Nói thiệt, gần 30 năm làm bí thư, rồi trưởng bản, chưa có khi nào miềng cảm thấy làm tốt như ri. Mà miềng làm tốt thì mềng vui, dân bản vui, xã cũng vui".  

Nói về công việc của mình, anh Danh tâm sự: "Vì đồng bào dân tộc ở đây nhận thức còn thấp, nên mỗi khi đọc cho bà con nghe tôi phải chú ý đọc chậm hơn, kỹ hơn ở những câu, từ khó hiểu, nhất là các văn bản pháp luật, chủ trương, nghị quyết. Do vậy, không thể đọc một cách bình thường được, anh à!". 

                                                                                       Dương Công Hợp





,
.
.
.