Người Rục và những tiến bộ vượt bậc

Cập nhật lúc 08:12, Thứ Tư, 14/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau hơn 50 năm rời hang đá, được sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân..., người Rục xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đã có những bước tiến vượt bậc, đến nay họ đã định canh định cư, sống có tổ chức, đoàn thể, biết lao động sản xuất để ổn định cuộc sống và tích lũy để vươn lên làm giàu chính đáng...

Những tiến bộ vượt bậc

Đến với tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) vào thời điểm này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến gần như toàn bộ các hộ người Rục đều có nhà ở kiên cố, có đất vườn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Đi từ bản Ón sang Yên Hợp và vào sâu đến tận bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, chúng tôi được tận mắt chứng kiến khá nhiều hộ gia đình nơi đây đã sắm được các tiện nghi đắt tiền như xe máy, ti vi, điện thoại di động...

Hầu hết con em của họ đều được đến trường học chữ đúng độ tuổi, đặc biệt em Hồ Tiến Nam ở bản Yên Hợp đang theo học tại Trường đại học Quảng Bình. Khu vực mà người Rục đang sinh sống, điện lưới quốc gia đã kéo đến tận các hộ gia đình. Gần 100% hộ dân nơi đây đều có nước sạch để sử dụng. Mặc dù chỉ có chừng 500 khẩu, nhưng khu vực này có hẳn một ngôi trường mới và một điểm trường học xây dựng khá khang trang, đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập của con em nơi đây... Đáng phấn khởi hơn, ở 3 bản của người Rục đều có bộ máy chính quyền bản hoạt động khá hiệu quả với các cấp chi hội trực thuộc như đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân và có cả mô hình hợp tác xã nông nghiệp...

Sau 50 năm rời hang đá, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm..., cùng với sự nỗ lực cố gắng của bà con, bộ mặt đời sống vật chất lẫn tinh thần nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Người Rục đang học tập cách thức trồng cây cao su. Ảnh: V.M
Người Rục đang học tập cách thức trồng cây cao su. Ảnh: V.M

Năm 2010, lần đầu tiên đồng bào Rục đã có 37 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động ở Malaysia. Đây là một sự kiện trọng đại đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của tộc người này. Chính nhờ đi xuất khẩu lao động, nhiều con em của người Rục đã có tiền gửi về phụ giúp gia đình xóa đói giảm nghèo, trang trải cuộc sống.

Cũng trong khoảng thời gian đó, từ một mô hình thí điểm làm lúa nước của hộ gia đình ông Trần Trung Trực tại khu vực Rục Làn thành công, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục mở rộng thêm 10ha để giúp bà con học tập cách thức làm lúa nước. Từ chỗ quen với việc săn, bắt, hái lượm và chặt đốt cốt trỉa..., hiện nay, người Rục đã biết trồng lúa nước mỗi năm đều đặn 2 vụ, năng suất, sản lượng thu được không mấy thua kém các vùng miền khác. Ngoài việc trồng lúa nước, nhiều gia đình người Rục đã biết tăng gia sản xuất như trồng rau xanh trong vườn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, giảm dần tình trạng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng chí Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 phấn khởi khoe: Người Rục bây giờ đã biết làm đất, gieo cấy, chăm sóc lúa nước... tương đối thành thạo. Ý thức lao động và tích lũy của họ bây giờ rất cao. Đơn cử trong vụ lúa đông- xuân 2011-2012 vừa qua, đơn vị chúng tôi quyết định "chấm công" cho các hộ để làm cơ sở chia thóc sau này một cách thật công bằng. Một số hộ "khấm khá" có trâu cày, họ hoàn thành công việc rất nhanh. Nhưng đối với những hộ không có trâu cày, họ vẫn sử dụng cuốc, cào để tham gia cho đủ công. Có hộ tranh thủ cả thời gian buổi trưa và chiều tối để làm đất cho kịp những hộ cày bằng trâu... 

Nói về sự tiến bộ của người Rục, thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng 585 chia sẻ thêm: Cách đây chừng 10 năm, hộ ông Trần Xuân Tư (hiện là Trưởng bản Ón) đã mạnh dạn tiên phong trồng hơn 10 ha rừng kinh tế (chủ yếu cây keo lai). Nhờ trồng rừng kinh tế, cách đây 3 năm, ông Tư đã bán được 3 ha, thu về gần 30 triệu đồng. Riêng 7 ha rừng còn lại cũng sắp đến kỳ thu hoạch. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay thì ông tư có thể "bỏ túi" hơn trăm triệu đồng nhờ trồng rừng...

"Mở hướng" để tiến kịp miền xuôi

Rời hang đá về định canh định cư ở vùng rừng núi thâm u, khó khăn còn nhiều nhưng con đường để người Rục sớm tiến kịp miền xuôi vẫn đang rộng mở phía trước, đầy hứa hẹn.

Theo thượng úy Phạm Xuân Ninh, năm 2012, được sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng 585 đã tiến hành khảo sát và trồng thử nghiệm 0,5 ha cao su. Nếu mô hình này thành công, dự kiến sẽ nhân rộng lên hơn 10 ha và tiến hành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con, vươn lên làm giàu chính đáng. Cũng từ mô hình trồng rừng kinh tế thành công của hộ ông Trần Xuân Tư, Đồn Biên phòng 585 đang xúc tiến phối hợp với các cấp, ngành khẩn trương quy hoạch, bàn giao quỹ đất trồng cây lâm nghiệp cho bà con để họ có thêm cơ hội mở rộng phát triển sản xuất. Theo kết quả rà soát bước đầu, đơn vị nhận thấy xung quanh khu vực này có trên 100 ha có thể đưa vào trồng rừng kinh tế.

Một tin vui cho người Rục, dự kiến cuối năm 2012, con đường bằng bê tông dẫn vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ và Đồn Biên phòng 585 sẽ được hoàn thiện, đây chính là cơ hội "vàng" để bà con giao lưu, thông thương, xích lại gần hơn với miền xuôi, thoát dần cảnh bị chia cắt, cô lập với bên ngoài hàng tháng trời vào mỗi mùa mưa lũ...

                                                                                                       Văn Minh

,
.
.
.