Gập ghềnh Lâm Trạch

Cập nhật lúc 08:44, Thứ Hai, 13/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một thung lũng hẹp nằm giữa bốn bề núi đá, muốn vào Lâm Trạch (Bố Trạch) chỉ có một con đường độc đạo dẫn từ đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phúc Trạch. Khoảng mươi năm về trước, đường vào Lâm Trạch được mệnh danh là cung đường gian khổ nhất, nhì huyện. Bây giờ, sau nhiều năm đổi mới, đã có một con đường đủ để xe ô tô có thể đi, nhưng vào những ngày thời tiết xấu, con đường vẫn là thách thức lớn ngay cả với những tay lái "lụa". Và hành trình giảm nghèo của Lâm Trạch cũng gần giống như con đường này với nhiều gập ghềnh và trắc trở...

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những chiếc xe ô tô tải nhỏ đang thu mua sắn tại các gia đình. Qua trao đổi với một số nông dân tại thôn 3, được biết, nếu năm vừa qua, giá sắn đạt mức 2.200 - 2.500 đ/kg, thì hiện nay, mức giá đó rớt xuống chỉ còn 900 - 1.000 đ/kg.

Nhiều hộ dân trong xã không muốn thu hoạch nữa bởi nếu tính cả tiền công thu hoạch, tiền thuê xe công nông chở sắn từ rẫy về đến nhà, cộng thêm 10% chi phí hao hụt do nhà thu mua quy định, nhiều người trồng sắn trở nên trắng tay sau hơn 10 tháng miệt mài chăm sóc. "Nếu thời tiết tốt, chúng tôi còn có thể xay sắn đem phơi để sau này cho trâu, bò, lợn ăn. Nhưng cả tháng nay không có nắng, sắn mang về không bán thì cũng đành để đấy, phó mặc cho trời...", một chị nông dân than thở.

Một xe sắn như thế này chỉ có giá khoảng 5 triệu đồng. Ảnh: N.M
Một xe sắn như thế này chỉ có giá khoảng 5 triệu đồng. Ảnh: N.M

Qua trao đổi với anh Nguyễn Sĩ Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch, được biết: Năm 2011, diện tích trồng sắn của xã là 42 ha. Bên cạnh cây lúa, cây lạc, hiện là những cây lương thực chủ lực của địa phương, cây sắn được xem là thế mạnh của xã trong nhiều năm qua. Với năng suất 160 tạ/ha, tổng sản lượng toàn xã ước tính đạt gần 700 tấn. Nếu những năm trước, giá thu mua sắn dao động trong khoảng 2.200 - 2.500đ/kg, người dân có được một khoản thu khá.

Tuy nhiên hiện nay do giá xuống quá thấp nên tổng thu từ trồng sắn chỉ đạt trên 600 triệu đồng. Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân còn tạo tâm lý chán nản, hoang mang cho bà con. Nhiều hộ không còn thiết tha với cây sắn nữa...

Để tìm lối đi cho chính mình, chính quyền và người dân xã Lâm Trạch đã mạnh dạn thử trồng nhiều loại cây mới. Một loại cây trồng được đưa vào sản xuất trong vài năm trở lại đây và bước đầu mang lại hiệu quả khá là cây ớt. Để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân, xã đã đứng ra ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương.

Qua ba năm trồng thử nghiệm, cho thấy mô hình này khá ổn định. Doanh nghiệp giữ vững cam kết với người nông dân và một số hộ nông dân đã có mức thu 6,5 triệu đồng/sào, là con số khá cao so với một số loại cây trồng truyền thống. Cũng theo anh Phúc, trong tương lai, nếu các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích sang trồng ớt, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Hiện tại, bà con vẫn chưa mấy "mặn mà" với cây ớt bởi quá trình chăm sóc và bảo vệ cây khỏi sự phá hoại của gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn hơn so với các loại cây trồng khác.

Hiện tại, Lâm Trạch đang đặt nhiều hy vọng vào 670 ha diện tích thông nhựa đang sắp bước vào thời kỳ khai thác. Nếu giá nhựa thông ổn định như những năm qua, đây sẽ là một nguồn thu lớn cho địa phương. Bên cạnh đó, xã đang vận động một số hộ dân chuyển diện tích trồng bạch đàn kém hiệu quả sang đầu tư trồng keo lai. Cây lạc, với thế mạnh của mình vẫn được địa phương xác định là cây chủ lực và phù hợp với đất đai, địa hình nơi đây nên về lâu dài, người dân vẫn tiếp tục gắn bó với loại cây trồng này.

Sau tất cả những loay hoay, trăn trở của chính quyền địa phương và người dân Lâm Trạch, hành trình giảm nghèo của họ vẫn còn lắm gập ghềnh, gian nan. Con số 80,4% hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt 450.000 đồng/người đã chứng minh rất rõ điều đó.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng dân số ở đây khá cao. Có nhiều hộ gia đình vẫn có từ 7 - 9 con. Sự gia tăng dân số đã tạo nên sức ép lớn đối với địa phương nói chung và các hộ gia đình nói riêng. Những năm qua, công tác dân số - KHHGĐ ở đây còn gặp nhiều khó khăn bởi địa phương có đến gần 60% đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo. Đông con, thiếu việc làm, chậm đổi mới tư duy làm ăn... đã trở thành một thách thức lớn trong hành trình giảm nghèo của người dân Lâm Trạch.

Những con đường ở Lâm Trạch. Ảnh: N.M
Những con đường ở Lâm Trạch. Ảnh: N.M

Nhưng giữa ngổn ngang khó khăn ấy, về Lâm Trạch hôm nay vẫn thấy le lói tín hiệu vui. Ấy là sự hiếu học của các em học sinh, thế hệ tương lai của vùng đất này. Dù trường lớp còn nhiều thiếu thốn, tạm bợ, dù cuộc sống khó khăn, dù con đường đến lớp của các em là một hành trình vô cùng vất vả, các em vẫn quyết tâm theo học.

Tỷ lệ học sinh các bậc học mầm non, tiểu học và THCS phát triển ổn định qua từng năm. Một giáo viên Trường THCS Lâm Trạch cho biết: Nhiều em học sinh có nhà cách xa trường trên 5 km. Nếu ở những địa phương khác, quãng đường này không đáng kể, nhưng để vượt qua con đường có hàng trăm ổ voi, ổ gà và trơn trượt trong mùa mưa, mới hiểu rõ niềm say mê học tập của các em. Mùa mưa đi học, nhiều em phải mang theo quần áo để đến trường thay xong mới vào học bởi thường xuyên bị ngã trên đường, mùa nắng thì bụi bay mù mịt...

Khát khao lớn nhất của người dân Lâm Trạch hiện nay là con đường chính dài trên 9 km chạy từ đầu đến cuối xã được nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân trong sản xuất và dân sinh. Nếu điều mơ ước ấy thành hiện thực, hành trình giảm nghèo của Lâm Trạch sẽ bớt gian nan hơn rất nhiều.

Và nữa, cũng nhờ con đường này, sức khỏe, tính mạng của người dân sẽ được bảo đảm khi họ có thể nhanh chóng đến được trạm y tế xã hay bệnh viện tuyến trên. Sự học của con em Lâm Trạch cũng có nhiều thuận lợi. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để trong tương lai, dân trí được nâng cao và Lâm Trạch sẽ có nhiều trí thức trẻ để xây dựng quê hương...

                                                                                              Ngọc Mai

,
.
.
.