Kết thúc dự án phân cấp giảm nghèo: Tất cả các mục tiêu đều đạt

Cập nhật lúc 07:52, Thứ Sáu, 23/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua gần 7 năm triển khai thực hiện đến nay Dự án Phân cấp giảm nghèo đã kết thúc. Đánh giá ban đầu, tất cả các mục tiêu đề ra của dự án đều đã đạt. Dự án đã cải thiện tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội của các hộ nghèo thuộc 48 xã nghèo ở 4 huyện,  tiến tới ổn định chất lượng cuộc sống của các hộ nghèo một cách bền vững. 

Kết quả rõ nét nhất của dự án là làm cho tốc độ giảm nghèo nhanh. Trên địa bàn 4 huyện thực hiện dự án, giai đoạn 2005-2011, tốc độ giảm nghèo trung bình hàng năm của các xã trong vùng dự án đạt 5%, gấp 2,5 lần so với tốc độ giảm nghèo của các xã ngoài vùng dự án và gấp 1,5 lần so với tốc độ giảm nghèo chung của cả 4 huyện.

Riêng trong năm 2010, tốc độ giảm nghèo bình quân của các xã trong vùng dự án chỉ đạt 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ giảm nghèo bình quân của các xã vùng ngoài dự án gần 1%. Nguyên nhân là do trận lũ lịch sử năm 2010 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế của các xã vùng dự án. Tuy nhiên, đến 2011, các xã trong vùng dự án đã có sức bật rất mạnh với việc phục hồi tốc độ giảm nghèo bình quân đạt 5,1%, trong khi các xã vùng ngoài dự án chỉ đạt tốc độ giảm nghèo bình quân là 0,77%.

Có thể nói, dự án đã có tác động mạnh trong việc thu hẹp khoảng cách thu nhập các vùng trong dự án và vùng ngoài dự án, cải thiện đáng kể vị thế của người nghèo tại tỉnh ta. Tổng số người hưởng lợi 7 năm qua từ dự án là 55.825 người, với số  hộ nghèo là 20.503 và 2.142 hộ dân tộc thiểu số, trong đó có là 35.325 người hưởng lợi trực tiếp. An ninh lương thực được cải thiện, tài sản vật chất của các hộ nghèo gia tăng, tài sản con người và môi trường được cải thiện. Các đối tượng hưởng lợi, đặc biệt là các hộ nghèo, phụ nữ và dân tộc đã được nâng cao năng lực và được trao quyền tham gia trong các quyết định về kinh tế-xã hội ở địa phương...

Mô hình vườn đồi ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) do dự án hỗ trợ. Ảnh: H.Q
Mô hình vườn đồi ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) do dự án hỗ trợ. Ảnh: H.Q

Dự án cũng đã góp phần cải thiện nhiều giống cây và vật nuôi tại địa phương. Ngoài ra, dự án cũng đã tạo ra sự thay đổi đáng kể về mặt thể chế và dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, đặc biệt liên quan đến cơ chế phân cấp và lập kế hoạch kinh tế - xã hội tại cấp xã, thôn có sự tham gia của cộng đồng; mang lại sự thay đổi tích cực về mặt thị trường, với việc người nghèo được tăng khả năng tiếp cận thị trường, hình thành các cơ chế và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người nghèo.

Dự án đã đạt được sự bền vững cao cả về chính trị, xã hội, sở hữu, thể chế, kinh tế và môi trường. UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục thí điểm quy trình SEDP-CMO trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là trong các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, biến đổi khí hậu, và các chương trình khác; ưu tiên huy động nguồn lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo quy trình SEDP-CMO đối với các xã trong vùng dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng một kế hoạch hành động rút lui dự án, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền các cấp huyện và xã. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm của UBND tỉnh, cần có các nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì cơ chế phân cấp và thể chế hóa các dịch vụ nông thôn theo định hướng thị trường.

Chủ trương phân cấp các dự án đầu tư xuống cấp xã và thôn (phân cấp để giảm nghèo), bảo đảm quyền làm chủ đầu tư của các cấp này, tăng cường sự tham gia của người hưởng lợi và phát huy dân chủ cơ sở để giảm nghèo là sự thử nghiệm đầu tiên có tính đột phá trong cách làm của tỉnh ta. Kết quả từ dự án đã chứng tỏ việc giao cho các xã làm chủ đầu tư các công trình, các hoạt động phát triển là khả thi và cần được nhân rộng. Áp dụng lập kế hoạch có sự tham gia trong quy trình lập kế hoạch thôn bản và xã (VDP/CDP) là một nét mới, bảo đảm người hưởng lợi và cộng đồng được tham gia vào các bước trong quy trình thực thi dự án, từ xác định các đối tượng ưu tiên, xác định nhu cầu, đưa vào kế hoạch của thôn và xã, thực hiện,  giám sát và đánh giá. Phương pháp giảm nghèo theo định hướng thị trường, trước đây chưa được sử dụng trong các chương trình và dự án giảm nghèo quốc gia, đã được dự án đưa vào trong các hoạt động đổi mới sau đánh giá giữa kỳ.

Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng  các xã nghèo. Ảnh: H.Q
Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã nghèo. Ảnh: H.Q

 

Dự án đã đẩy mạnh các liên kết thị trường và hợp tác giữa các đối tác tư nhân và các trang trại. Các doanh nghiệp tư nhân, nông dân khá và những trang trại là những người tham gia mới rất quan trọng của dự án, họ làm việc như là "đầu tàu" kéo những hộ nghèo tiếp cận với các cơ hội thu nhập mới, chuyển giao kỹ thuật mới, cũng như cung cấp các dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, giảm nguy cơ rủi ro cho người nghèo ở những thị trường yếu ớt. Đặc biệt, dự án có tác động thúc đẩy sự chuyển đổi từ cơ quan ban ngành cung cấp đầu vào trực tiếp cho các hộ nghèo sang sự hợp tác của nông dân ở cấp thôn bản cùng với các cơ quan, trung tâm và tổ chức kỹ thuật và đặc biệt là các khu vực tư nhân trong và ngoài tỉnh.

Dự án đã huy động tối đa sự tham gia của người nghèo vào tất cả các hoạt động. Tỷ lệ người nghèo tham gia vào các tổ nhóm tại địa phương là 65,3%, trong đó tỷ lệ người nghèo tham gia các nhóm tiết kiệm - tín dụng là 71,6%; tham gia vào các doanh nghiệp nhỏ dự án hỗ trợ thành lập là 50,2%; tham gia thực hiện các mô hình trình diễn trồng trọt là 53,9%, mô hình chăn nuôi là 55,3% và mô hình thủy sản là 36,2%; tham gia vào chương trình cải thiện giống là 94,26%; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật là 40,92%.

Nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể và lâu dài, dự án đã sử dụng hài hòa và tổng hợp các phương pháp tiếp cận, đặc biệt là nâng cao năng lực phân cấp để giảm nghèo, tiếp cận có sự tham gia, lồng ghép giới, cũng như chiến lược đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho hộ nghèo, phụ nữ và dân tộc thông qua các giải pháp kỹ thuật khác nhau. Cách tiếp cận và chiến lược này đã phát huy tác dụng khá hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Dự án về cơ bản phù hợp với nhu cầu của người nghèo, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của quốc gia cũng như của địa phương.

Dự án thể hiện tính hiệu suất cao. Với một khoản hỗ trợ rất nhỏ chỉ mang tính chất xúc tác các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản của dự án đã đem lại hiệu quả rõ rệt và thể hiện hiệu suất cao cả ở các mô hình trình diễn và các mô hình nhân rộng. Từ chỗ chỉ có bình quân 5 hộ trực tiếp tham gia mỗi mô hình đến nay đã có thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ làm theo, nâng diện tích và tổng đàn gia súc gia cầm áp dụng kỹ thuật mới lên nhiều lần.

Với mục tiêu tổng thể đã được thiết kế, dự án đã thành công đáng kể trong việc cải thiện thu nhập và điều kiện sống của các hộ gia đình đặc biệt khó khăn và tăng cường sự tham gia của các hộ nghèo vào quá trình phát triển. Tại một số hợp phần, dự án đã đạt kết quả vượt mục tiêu mặc dù có sự chậm trễ ngay từ khi triển khai dự án trong năm đầu tiên và việc điều chỉnh dự án trong năm 2008. Tỷ lệ nghèo bình quân của các xã trong vùng dự án đã giảm từ 43,57% (thời điểm đầu dự án - 2006) xuống còn 18,61% (thời điểm kết thúc dự án - 2011).Tỷ lệ hộ thiếu ăn giảm từ 48,7% xuống còn 26%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng kinh niên giảm từ 44% xuống còn 33%. Toàn bộ các mục tiêu trung hạn của dự án (kết quả cấp 2) đều đạt được về cơ bản với hiệu quả tốt.

                                                                                            Hồng Quân


,
.
.
.