Xây dựng, bố trí trụ sở các cơ quan hành chính cấp tỉnh: Cần đúng tầm, hợp lý và thuận lợi

Cập nhật lúc 08:49, Thứ Tư, 21/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 20 cơ quan hành chính trực thuộc UBND tỉnh (các sở, ban, ngành). Tình trạng chung của các trụ sở là bố trí độc lập, phân tán, qui hoạch manh mún, không thuận tiện cho quan hệ giao dịch của nhân dân...

Tuỳ theo từng cơ quan, dựa trên một số tiêu chí như thời gian đã sử dụng, quy mô (diện tích, số tầng), mức độ hiện đại của công sở, có thể phân nhóm các trụ sở cơ quan hành chính cấp tỉnh của tỉnh ta ra thành 4 nhóm như sau:

Nhóm 1: Các trụ sở được đầu tư xây dựng mới gần đây (2004-2009) có quy mô khá lớn và hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trước mắt cũng như lâu dài, nhóm này gồm 4 cơ quan: Sở Tài chính, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế (sau khi về đóng tại trụ sở cũ của Cục Hải quan).

Nhóm 2: Các trụ sở đã được đầu tư xây dựng khoảng từ năm 2000 - 2004, có quy mô trung bình từ 3-4 tầng. Hình thức kiến trúc và hệ thống kỹ thuật chưa hiện đại, hiện đáp ứng đủ nhu cầu làm việc trước mắt nhưng về lâu dài cần có sự cải tạo, nâng cấp, nhóm này gồm 4 cơ quan: Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Nhóm 3: Các trụ sở đã được đầu tư từ trước năm 2000 nhưng có quy mô khá lớn, kiến trúc khá hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại và lâu dài, nhóm này gồm 2 cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở khoa học và Công nghệ.

Nhóm 4: Trụ sở của 10 cơ quan còn lại: Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Giao thông- Vận tải, Sở Công thương, Sở Văn hoá-Thể thao - Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Ngoại vụ và Sở Thông tin và Truyền thông đang sử dụng trụ sở làm việc cũ của Sở Tài chính. Đây là những trụ sở được đầu tư xây dựng kể từ khi tái lập tỉnh (1989) cho đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, hiện nay hầu hết đã xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu làm việc hiện tại cũng như tương lai. Một số cơ quan trong số này đã thực hiện đầu tư cải tạo, sửa chữa, cơi nới để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông- Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Y tế.

Trụ sở Sở Tài Nguyên- Môi trường đang được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: A.T
Trụ sở Sở Tài Nguyên- Môi trường đang được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: A.T

Từ thực trạng trên có thể đánh giá, việc đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính cấp tỉnh ở tỉnh ta đang có những tồn tại giống như tình trạng chung của cả nước, đó là: các trụ sở được bố trí độc lập, phân tán, quy hoạch manh mún, mỗi trụ sở chiếm nhiều diện tích đất, tốn nhiều diện tích sử dụng công cộng (trụ sở nào cũng có ít nhất một hội trường nhưng hiệu suất sử dụng thấp...); không thuận tiện cho quan hệ, giao dịch của nhân dân và thực hiện đề án CCHC một cửa liên thông.

Mặt khác, trình độ kỹ thuật, chất lượng công trình xây dựng chưa cao, hầu hết là sử dụng vật liệu công nghệ thấp, rẻ tiền, kiến trúc công trình chưa có nét nổi bật, chưa thể hiện được sự trang nghiêm, bề thế của một cơ quan công quyền của Nhà nước, chưa góp phần làm đẹp đô thị của thành phố Đồng Hới.

Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị trong công trình hầu hết còn lạc hậu: thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, nước, hệ thống mạng LAN, Internet,... thường lạc hậu và không được đầu tư đồng bộ. Một số cơ quan do quá trình tách nhập đơn vị nên chưa có trụ sở làm việc hay trụ sở làm việc phân tán thành nhiều nơi như Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, điều này gây khó khăn cho quá trình hoạt động, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn cũng như đối ngoại của các đơn vị.

Ông Võ Văn Tuần, Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết:Có thể xác định một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, đó là: các cơ quan hầu hết được xây dựng đã lâu (ngay từ thời điểm chia tách tỉnh 1989), thời điểm bấy giờ trình độ thiết kế cũng như công nghệ thi công, vật liệu xây dựng còn lạc hậu. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng chưa nhiều do tỉnh ta mới tách nên còn nghèo. Quan niệm xây dựng trụ sở cơ quan hành chính nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp: tách riêng độc lập một khu đất, càng rộng càng tốt, vị trí mặt tiền ở các đường lớn để thuận tiện giao thông...

Các trụ sở cơ quan không hoặc ít được đầu tư cải tạo, sửa chữa nên thường nhanh chóng xuống cấp. Một số cơ quan có điều kiện cải tạo, cơi nới do vậy mà trụ sở mang tính chắp nối, hoặc là chật chội hoặc là mất mỹ quan đô thị, làm giảm sự nghiêm trang của công sở. Việc đầu tư xây dựng mới các trụ sở còn thiếu đồng bộ, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu nên thường đầu tư một phần hoặc quy mô nhỏ hơn, mức độ tiện nghi ít hơn để làm giảm tổng mức đầu tư xây dựng.

Cũng theo ông Võ Văn Tuần, xuất phát từ thực trạng này trên toàn quốc, ngày 12-10-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/2006/QĐ-TTg về yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Theo đó, quy hoạch công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện theo nguyên tắc tập trung và phải đáp ứng được những yêu cầu, đó là  phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu sử dụng; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của mỗi vùng, miền  đất nước; khắc phục tình trạng phân tán, manh mún của công sở cơ quan hành chính nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, các cơ quan, tổ chức giao dịch và thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập của đất nước.

Đối với công sở của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, tuỳ theo điều kiện cụ thể từng địa phương, việc quy hoạch xây dựng nhà công sở theo hướng: UBND và HĐND bố trí ở khu vực trung tâm, trong cùng một khuôn viên, bố trí sân vườn, cây xanh, ngoại thất, tạo sự gắn kết giữa các công trình thành một quần thể kiến trúc hài hoà với cảnh quan kiến trúc khu vực, tạo thành trung tâm hành chính của đô thị. Khối cơ quan chuyên môn gồm hai hay nhiều cơ quan, có mối quan hệ chức năng, hợp khối thành liên cơ quan, bố trí trong cùng một khuôn viên hoặc ở các vị trí khác nhau trong đô thị, thành khu hành chính tập trung. Đây được coi là giải pháp cơ bản nhất để khắc phục những thực trạng nêu trên.

                                                                                  A.T

,
.
.
.