Nông dân "hai giỏi"

Cập nhật lúc 14:05, Thứ Ba, 20/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong sự khởi sắc đi lên của huyện Bố Trạch những năm gần đây, sự đóng góp của hàng ngàn nông dân trong phong trào "sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi" là rất lớn. Họ đã làm xanh những cánh rừng, những trang trại, vẽ nên bức tranh quê trù phú với hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản và tàu thuyền vươn khơi...  Sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi, họ chính là những nông dân "hai giỏi" trong thời đại mới.

Trong 5 năm (2007-2011), phong trào ’’Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKD) giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng’’ của huyện Bố Trạch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, Hội Nông dân các cấp đã làm thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Hàng ngàn hộ nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển mới, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát huy tinh thần tự lực, năng động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

5 năm qua, tổng số lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp là 46.661, trong đó cấp trung ương là 435 lượt hộ, cấp tỉnh 1.909 lượt hộ và cấp huyện là 7.177 lượt hộ còn lại là cấp cơ sở. Điều đáng nói là số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKG giỏi tăng lên theo từng năm với những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng ngày một lớn hơn.

Từ phong trào này, trên đồng đất Bố Trạch đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại có hiệu quả kinh tế cao với các loại cây trồng dưa hấu, sắn, cây cao su tiểu điền của hội viên nông dân các xã Tây Trạch, Phú Định, Nam Trạch, Hoà Trạch, Đại Trạch, Vạn Trạch. Đó còn là hàng ngàn ha nuôi trồng thuỷ sản của hội viên, nông dân  các xã Bắc Trạch, Hạ Trạch, Hoàn Trạch, Đồng Trạch, Phú Trạch. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đa dạng hoá vật nuôi, chú trọng khâu chọn giống chất lượng như lợn nái ngoại, lợn thịt siêu nạc, bò lai,  ngan, vịt siêu thịt, siêu trứng... để đưa vào sản xuất.

Sơ chế mủ cao su tại doanh nghiệp cao su Thanh Long của anh Nguyễn Viết Lượng (thị trấn Việt Trung). Ảnh: N.M
Sơ chế mủ cao su tại doanh nghiệp cao su Thanh Long của anh Nguyễn Viết Lượng (thị trấn Việt Trung). Ảnh: N.M

Nhờ vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm đều tăng, chất lượng chăn nuôi được nâng lên rõ rệt. Thu nhập từ ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập thực tế, vươn lên làm giàu.

Hiện nay, toàn huyện có 61 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới. Tiêu biểu trên lĩnh vực này là các hộ anh Nguyễn Văn Tiếp (xã Thanh Trạch) với mô hình chăn nuôi tổng hợp, tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng/năm, lãi ròng mỗi năm trên 400 triệu đồng. Đó là anh Trương Quang Đạo (xã Sơn Lộc), mỗi năm xuất chuồng trên 25 tấn thịt lợn hơi, 250 - 300 lợn giống, cộng với thu nhập từ dịch vụ vận tải, lãi ròng trên 450 triệu đồng/năm. Là hộ anh Nguyễn Hữu Tri (xã Hạ Trạch), Nguyễn Sỹ Lâm (xã Phúc Trạch), chị Trần Thị Bình (xã Lâm Trạch), anh Nguyễn Hữu Long (thị trấn Việt Trung), những người nông dân đã và đang có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Các trang trại nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản cũng là thế mạnh của Bố Trạch.

Những gương mặt nông dân "hai giỏi" trên lĩnh vực này cũng không hề kém cạnh. Đó là anh Phạm Hiền (xã Đức Trạch), với 3 tàu cá công suất 90CV trở lên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 lao động, thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm. Anh Lê Văn Thuận (xã Thanh Trạch) với 30 lao động làm việc trên 2 tàu cá có công suất 600 CV chuyên đánh bắt hải sản xa bờ, sản lượng mỗi năm ước tính trên 30 tấn. Thu nhập từ đánh bắt hải sản của gia đình anh Thuận mỗi năm đạt 1,5 tỷ đồng. Là hộ gia đình anh Nguyễn Khắc Sịnh (Hạ Trạch), anh Mai Văn Bình (Đồng Trạch), đang là những ông chủ hồ tôm làm ăn khấm khá, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn với nguồn thu nhập ổn định.

Nói đến nông dân "hai giỏi" của Bố Trạch, không thể không kể đến những trang trại kinh tế vùng gò đồi bởi tiềm năng và thế mạnh của vùng đất này. Các chủ trang trại đã có bước đột phá trong tư duy kinh tế, biết hạch toán, sản xuất trên mảnh đất của mình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân toàn huyện đã chuyển đổi và trồng mới gần 4.000 ha cây cao su, nâng tổng diện tích cao su toàn huyện lên 9.899ha (trong đó có 6.950 ha cao su tiểu điền).

Hiện tại, diện tích cao su đã đưa vào khai thác là 2.310 ha, mỗi năm thu khoảng 2.000 tấn mủ trị giá hàng trăm tỷ đồng. Một số cây trồng khác như sắn, dưa hấu, hồ tiêu... được sản xuất tập trung, trở thành hàng hoá có giá trị kinh tế lớn. Nhiều hộ nông dân còn mạnh dạn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như gió trầm, sao đen, dầu rái, huỵnh lát, huê...., góp phần tăng độ che phủ của rừng và tăng giá trị kinh tế.

Có thể kể đến những gương mặt nông dân "hai giỏi" trên lĩnh vực này là Bùi Viết Phương (thị trấn Việt Trung) với 17 ha cao su, 12 ha rừng các loại; 3 ha ao hồ nuôi cá chình, cá bống tượng, cá lăng chấm, cá chiên, 01ha trồng cây cảnh và cây ăn quả. Trang trại đã tạo việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định cho 13 lao động và 20 lao động thời vụ. Mỗi năm, gia đình thu nhập 800 triệu đồng (đã trừ chi phí). Đó là anh Trần Viết Lượng (thị trấn Việt Trung), chủ doanh cao su Thanh Long với  12 ha cao su tiểu điền; 1.500 gốc hồ tiêu; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập từ 5,5- 6 triệu đồng/người/tháng; gia đình thu nhập đạt 1 tỷ đồng/năm đã trừ chi phí. Năm 2011, doanh nghiệp Thanh Long nộp tiền thuế cho Nhà nước đạt 1,2 tỷ đồng, được Tổng cục Thuế tặng bằng khen. Đó còn là anh Dương Đình Duật (xã Tây Trạch), Võ Hữu Lộc (Nam Trạch) với mô hình trồng cao su, sắn nguyên liệu...

Còn nhiều nữa những gương mặt nông dân "hai giỏi" trên các lĩnh vực như anh Nguyễn Văn Hạnh (xã Đại Trạch), thu nhập 1 tỷ đồng/năm từ mô hình sản xuất vật liệu xây dựng và vận tải; anh Nguyễn Sàng (Đức Trạch), chế biến và kinh doanh thủy hải sản; anh Dương Văn Thu (Đồng Trạch), dịch vụ xây dựng, chị Lê Thị Vinh (xã Đức Trạch), người nổi tiếng với thương hiệu "Nước mắm bà Vinh", mỗi năm họ có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng...

Phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi với những người nông dân "hai giỏi" đã và đang từng ngày thay áo mới cho miền quê Bố Trạch.

                                                                                          Ngọc Mai

,
.
.
.