.

Dòng sông của... hạt lúa, củ khoai

.
08:22, Thứ Năm, 22/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cũng như bao dòng sông khác, Kiến Giang (Lệ Thuỷ) mang nặng trọng trách với một vùng quê rộng lớn, trước khi hoà vào biển cả, nó là bầu sữa cho những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nói không quá lời rằng đó là dòng sông của... hạt lúa, củ khoai. Bởi vậy, giữ gìn dòng Kiến Giang mãi trong xanh là trách nhiệm lớn lao của các thế hệ cư dân trên vùng đất này, nhất là khi biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp và để lại những hậu quả khó lường...

Vâng, với hơn 50 km chiều dài, lưu vực chừng 300 km2, dòng Kiến Giang có 5 dòng sông nhỏ hợp nên như bàn tay xoè rộng trên vùng đất phía nam tỉnh. Trong suốt những năm tháng hình thành và tồn tại, dòng Kiến Giang đã giữ trọng trách làm tươi tốt những cánh đồng vùng “hai huyện”, nuôi sống hàng vạn cư dân, làm nên nền tảng an ninh lương thực cho huyện Lệ Thuỷ và cả tỉnh Quảng Bình nói chung.

Mùa khô, dòng kiến Giang là nguồn sữa ngọt cho hạt lúa căng tròn. Mùa mưa, những trận lũ đưa lớp lớp phù sa trải đều trên mặt ruộng, để mùa sau ngọn lúa vươn cao hơn, hạt lúa mẩy hơn...Nhưng dòng Kiến Giang không phải lúc nào cùng hiền hoà như mùa tháng ba này, đã có những lúc dòng Kiến Giang... cạn nước. Lớn lên tôi đã bắt gặp hai lần như vậy.

Nông dân Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ) chăm sóc lúa đông- xuân. Ảnh: V.H
Nông dân Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ) chăm sóc lúa đông- xuân. Ảnh: V.H

Một lần vào tháng 7-1977 và cũng vào tháng 7 của 21 năm sau, năm 1998. Đấy là những năm hạn hán kéo dài, khắc dấu ấn lịch sử trên vùng đất hai huyện, lúa hè-thu nghẹn đòng, nguồn nước sinh hoạt bị thiếu nghiêm trọng. Không chỉ hạn hán, bao mùa lũ, dòng nước đỏ ngầu phù sa nhấn chìm những làng quê trù phú trên lưu vực hạ nguồn trong biển nước. Nhưng đấy là những cơn lũ mà như vùng quê này quen gọi là lũ chính vụ. Nếu nói đến sự tai quái của thiên nhiên là phải nói đến những trận lũ trái vụ, lũ đầu mùa. Chính những cơn lũ này mới là “kẻ cướp” giữa ban ngày đối với người nông dân.

Có lẽ nhiều người dân Lệ Thuỷ vẫn chưa quên trận lũ sớm năm 1989. Vào đầu tháng 5 năm ấy, do ảnh hưởng bão số 2, mưa lớn đã nhấn chìm hàng ngàn ha lúa đông - xuân vừa vào chắc của hai huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh và những hạt lúa căng tròn một nắng hai sương của người nông dân đã làm mồi cho cá, trương phình trong nước, mùi lúa thối nồng nặc xóm làng...

Chế ngự...nước

Để chinh phục mặt trái của dòng sông quê hương, bao đời nay người nông dân hai huyện đã đổ bao mồ hôi công sức. Những bờ vùng, bờ thửa dọc ngang trên cánh đồng và đặc biệt là những chốt chặn ngay trên dòng sông này với mục đích không gì khác là để chế ngự...nước. 

Nhưng, theo anh Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, phải kể đến những năm đầu thế kỷ 21 dòng Kiến Giang mới thực sự được chinh phục để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp  và mỗi giọt nước của dòng sông là mỗi hạt lúa, củ khoai...Vâng, đập An Mã trên thượng nguồn nhánh sông Rào Con đã chấm dứt hẳn những mùa khô hạn cạn dòng Kiến Giang. Với 64 triệu m3 nước, hồ chứa nước An Mã sẽ điều hoà mức nước cần thiết cho dòng Kiến Giang trong mùa khô để cấp nước cho hơn 8.000 ha lúa hai vụ ở Lệ Thuỷ và một phần của huyện Quảng Ninh. Phía hạ nguồn là đập Mỹ Trung, tiếp đó là đập An Lạc-  những chốt chặn ngăn mặn xâm nhập lên vùng chiêm trũng.

Dòng Kiến Giang ở thượng nguồn. Ảnh: V.H
Dòng Kiến Giang ở thượng nguồn. Ảnh: V.H

Vùng 2 Tả Kiến Giang là vựa lúa của huyện Lệ Thuỷ. Nhưng đây là vùng dễ bị tổn thương do thiên tai bởi đê điều quá mong manh, chủ yếu đắp bằng đất, lại thấp bé... Mấy năm trước khi đến thăm Lệ Thuỷ trong mùa lũ, mặc dù lúc đó cả vùng, nước lũ ngập trắng băng, nhưng với con mắt nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã hình dung ra việc phải làm cho vùng đất này, để rồi ngay sau đó một gói đầu tư bê tông hoá hệ thống đê bao đã được triển khai. Đây được coi là bước ngoặt để vùng 2 Tả Kiến Giang vững tin hơn trong sản xuất hai vụ chính trong năm...

Gần đây là dự án thuỷ lợi Thượng Mỹ Trung với mức đầu tư hơn 359 tỷ đồng, xây dựng hệ thống đê bao, cống tiêu úng, trạm bơm... trên lưu vực ở hạ nguồn sông Kiến Giang. Đến nay sau gần 3 năm thi công, công trình đã cơ bản hoàn tất, tạo lá chắn vững chãi cho hơn 6.000ha lúa vùng thấp trũng của 14 xã dọc sông Kiến Giang thuộc hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh...

Những điều băn khoăn...

Vâng, dòng Kiến Giang đang vô tư và mải miết xuôi dòng, chỉ có con người mọi việc làm đều có chủ đích mà cái đích lớn nhất là chế ngự dòng nước, bắt nó phục vụ con người trên chính vùng đất nó hình thành. Nhưng không phải lúc nào con người cũng có mục đích nhân bản ấy. Trong những ngày tháng ba này chúng tôi đã có dịp trở lại Khe Sứt (Kim Thuỷ- Lệ Thuỷ). Nơi đây năm xưa là rừng núi, nay núi rừng đã lùi vào phía tây xa lắm rồi. Nạn phá rừng đã như một căn bệnh quái ác đang làm cho thiên nhiên trở nên hung dữ trong mùa lũ, nhưng nguồn nước lại bị cạn kiệt trong mùa khô...

Cũng may, rừng trồng đã kịp vá víu lại những diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá và những người trồng rừng đang lẽo đẽo chạy theo như cuộc chạy ma-ra-tông về phía tây mà phần thắng thuộc về... rừng tự nhiên. Nhưng một thực tế không phải bàn cãi, khả năng giữ nước của rừng trồng kém xa so với rừng tự nhiên...Và rồi cũng cần nhắc lại một ý mà tôi đã viết trong một bài báo cách đây vài năm, rằng lưu vực Kiến Giang không quá lớn, đừng đầu tư thêm những công trình thuỷ điện trên thượng nguồn, làm tổn hại đến chức năng đầy nghĩa tình mà nó đang gánh vác với hàng vạn cư dân phía hạ nguồn...

Đấy là phía trên thượng nguồn, còn khi uốn lượn qua những miền quê, dòng Kiến Giang đang phải đối mặt với sự cẩu thả của con người. Rác thải, chất thải, chất độc hại của một số cơ sở sản xuất... đều đổ xuống sông. Nạn khai thác cát, sạn cũng đang hoành hành làm dòng sông biến dạng...Địa phương đã có những biện pháp nào để giữ gìn nguồn nước Kiến Giang? Chúng tôi đã mấy lần đặt câu hỏi này với ông Đặng Thái Tôn, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, nhưng đáng tiếc là đều nhận được câu trả lời: rất bận!...Và rồi bước chân trên tuyến đê bao khá vững chãi, chạy dài tít tắp ven bờ hữu Kiến Giang, chúng tôi tự hỏi, các địa phương hưởng lợi đã có những biện pháp nào để giữ gìn những “tài sản” của chính mình này?

Tháng ba, lúa thì con gái mướt xanh, ngút tầm mắt hứa hẹn một mùa bội thu nữa đến với người dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh...Tôi chợt nhớ tới phương thức canh tác đang có những tranh cãi- làm lúa tái sinh trên đồng đất nơi đây. Sau mùa gặt những diện tích nào sẽ được giữ lại làm lúa tái sinh và diện tích nào tiếp tục sản xuất lúa hè- thu? Phải nói rằng lúa tái sinh có từ ngày xửa, ngày xưa, với tên gọi là lúa chét. Những năm gần đây nó được “nâng cấp” và có tên gọi hay hơn- lúa tái sinh.

Có thể nói rằng lúa tái sinh như là một sự sáng tạo trong làm lúa của nông dân Lệ Thuỷ. Và, hạt lúa tái sinh đã làm phong phú thêm diện mạo sản xuất nông nghiệp hai thập kỷ qua của Lệ Thuỷ. Tuy nhiên, lúa tái sinh có những hạn chế lớn về năng suất, chất lượng, dịch bệnh, sử dụng cơ giới, việc làm... Khi những yếu tố khá cơ bản như thuỷ lợi, giống...cho sản xuất nông nghiệp ở Lệ Thuỷ, đặc biệt là thuỷ lợi đã được đầu tư rất lớn và đáp ứng cho sản xuất lúa hai vụ thì liệu lúa tái sinh có còn là sự lựa chọn tối ưu?

                                                                                       Văn Hoàng








,