Lệ Thủy: Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông-xuân

Cập nhật lúc 08:24, Thứ Tư, 21/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tính đến cuối tháng 3-2012, nông dân địa bàn huyện Lệ Thủy đã tiến hành gieo cấy được hơn 9.800 ha lúa vụ đông-xuân 2011-2012, đạt 100% kế hoạch. Hầu hết diện tích lúa nói trên hiện đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, bắt đầu bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Tuy nhiên, ở một số diện tích lúa đang xuất hiện dịch sâu bệnh và chuột phá hoại. Trước tình hình đó, Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy đang ráo riết chỉ đạo các địa phương, hộ nông dân đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa...

Vụ đông-xuân 2011-2012, nông dân huyện Lệ Thủy đã sử dụng các bộ giống lúa chủ lực để gieo cấy là: X21, Xi23, NX30, XT28 (chiếm hơn 81% tổng diện tích gieo cấy); nhóm chất lượng cao, gồm: P6, PC6, HT1, IJ352, IR353 - 66 (chiếm khoảng 5% ) và một số bộ giống lúa như XM, KD 18, QN1, VN20, lúa lai... Nhìn chung ở mùa vụ này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cơ bản hoàn tất việc gieo cấy đúng với lịch thời vụ. Riêng khoảng 600 ha ở xã Hoa Thủy, Hồng Thủy do nước thủy triều duy trì ở mức cao nên mãi đến sau Tết Nguyên đán, Nhâm Thìn 2012 nông dân mới hoàn tất việc gieo cấy.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: Ngay từ đầu mùa vụ, do thời tiết có nhiều đợt rét liên tiếp và kéo dài, thậm chí có đợt rét khá đậm đã khiến cho một số ít diện tích lúa có hiện tượng bạc lá, sinh trưởng chậm, chết rải rác. Trước tình hình đó, Phòng NN-PTNT huyện đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương tập trung cấy dặm lại những diện tích lúa bị chết, tỉa bớt những nơi có mật độ lúa quá dày để bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển một cách đồng đều, không có diện tích trống. Bên cạnh đó, phòng cũng chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để điều tiết nước hợp lý; tăng cường bón phân chuồng, tro bếp...; chú trọng theo dõi để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Từ đầu vụ đến nay, UBND huyện Lệ Thủy đã tiến hành hỗ trợ cho nông dân 2 đợt thuốc bả vi sinh học (khoảng 8 tấn) để diệt chuột. Nhờ đó mà tình trạng chuột phá hoại ruộng lúa giảm đáng kể. Thế nhưng trong vòng 1 tháng trở lại đây, với điều kiện thời tiết ấm lên, đã có một số diện tích lúa nằm rải rác ở các xã trong huyện xuất hiện rầy lưng trắng, rệp muỗi, bọ trĩ, đạo ôn hại lúa... Ngoài ra, nạn chuột phá hại lúa cũng bắt đầu xuất hiện trở lại.

Nông dân Lệ Thủy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông-xuân 2011-2012. Ảnh: V.M
Nông dân Lệ Thủy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông-xuân 2011-2012. Ảnh: V.M

Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm: Hiện nay, lúa đông-xuân 2011-2012 đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh, phát triển mạnh về thân lá. Đây là điều kiện thuận lợi cho chuột trú ngụ, tìm kiếm thức ăn, phá hại lúa. Theo thông tin của Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã có 110ha lúa đang xuất hiện nạn chuột phá hại với tỷ lệ 2-3%, có nơi lên tới 6%. Nguyên do là các đợt đánh bả trước chưa thực sự đồng đều. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết từ lạnh chuyển sang nắng nóng như hiện nay, cây lúa rất dễ nảy sinh một số mầm bệnh nguy hại. Nếu bà con nông dân thiếu sự chăm sóc, theo dõi thường xuyên thì sâu bệnh xâm hại lúa sẽ nhanh chóng lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến hiệu quả, năng suất, chất lượng của mùa vụ... Nhìn chung, ở vụ này các hồ đập thủy lợi đã trữ nước và đáp ứng đủ nguồn nước tưới  tiêu cho toàn bộ diện tích lúa đông-xuân 2011-2012. Tuy nhiên, để chủ động cung cấp đủ nguồn nước tưới tiêu cho vụ hè-thu sắp tới, chúng tôi cũng yêu cầu bà con sử dụng nguồn nước một cách có hiệu quả, tiết kiệm để đề phòng hạn hạn kéo dài có thể xảy ra...   

Được biết, Phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy vừa mới có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã... tăng cường công tác diệt chuột bảo vệ lúa đông- xuân 2011-2012 với nội dung đề nghị các địa phương cần chú trọng áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp để diệt chuột (trong đó chú trọng tới biện pháp "vi sinh học", tức sử dụng bả sinh học để diệt chuột); khi tiến hành diệt chuột thì phải tổ chức diệt tập trung, đồng loạt "nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột" và triệt để nhằm nâng cao hiệu quả; mỗi đợt tổ chức diệt chuột cần thông báo thời gian, địa điểm cho nhân dân biết để đề phòng và ngăn cấm việc thả rong trâu, bò, gà, vịt...; tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột chôn cẩn thận bảo đảm an toàn cho người, động vật nuôi, môi trường... Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cũng có công văn đốc thúc các địa phương trong huyện tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cho lúa; bố trí cán bộ nông nghiệp, khuyến nông... túc trực thường xuyên để chỉ đạo nông dân tích cực chăm bón cho lúa, phòng chống sâu bệnh hiệu quả...

                                                                            Văn Minh

 

,
.
.
.