Tập trung cải cách hệ thống thuế đến năm 2020

Cập nhật lúc 09:38, Thứ Sáu, 04/11/2011 (GMT+7)


(QBĐT) - Nhìn lại 5 năm thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh những kết quả nổi bật cả về chính sách thuế và công tác quản lý thuế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa bao quát được đầy đủ đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, thủ tục hành chính còn phức tạp... Vì vậy, Chiến lược cải cách hệ thống thuế (CCHTT) đến năm 2020 sẽ là một bước chuyển biến quan trọng từ hệ thống chính sách thuế đến công tác quản lý thuế...

Về chính sách thuế, thực hiện sửa đổi, bổ sung kịp thời hệ thống chính sách thuế để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư... Chính sách thuế đã thể hiện tốt vai trò là công cụ quan trọng và điều tiết vĩ mô có hiệu quả của Nhà nước đối với nền kinh tế. Từ đó đã đưa lại những kết quả cụ thể, như bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng khá, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; hệ thống thuế đã bao quát được cơ bản những nguồn thu cần điều tiết phát sinh trong nền kinh tế, là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước.

Về quản lý thuế, thực hiện Chiến lược CCHTT đến năm 2010, công tác quản lý thuế bước đầu đã được hiện đại hoá cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy cơ quan thuế, ứng dụng công nghệ thông tin... Từ đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, bao quát các nguồn thu, giảm thất thu...; đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chiến lược CCHTT đến năm 2010 vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại. Đó là chính sách thuế chưa bao quát đầy đủ đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế đối với hoạt động kinh tế mới phát sinh, trong một số lĩnh vực mới phát triển. Chẳng hạn, thuế GTGT chưa được nghiên cứu xây dựng, áp dụng kịp thời đối với một số loại hàng hoá, dịch vụ trong lĩnh vực đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, dịch vụ tài chính, tín dụng...

Về quản lý thuế, vẫn còn tồn tại sự chưa đồng bộ trong hệ thống chính sách pháp luật; thủ tục hành chính còn phức tạp, trùng lắp và thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan các cấp...Bên cạch đó chưa có sự kết hợp quản lý thu thuế với quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Những vấn đề trên cùng với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, ngày 17-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược CCHTT giai đoạn 2011-2020.

Mục tiêu tổng quát CCHTT đến năm 2020 là nhằm xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế tăng tích tụ, tăng khả năng cạnh tranh, thực sự là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước.

Quá trình CCHTT phải đạt được một số yêu cầu cơ bản sau đây

Xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế và phí, lệ phí hợp lý để thức đẩy phát triển nhanh sức sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và khả năng tích tụ của doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nhất là đầu tư áp dụng công nghệ cao, đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.

Hệ thống chính sách thuế và phí, lệ phí sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; bảo đảm mở rộng cơ sở thuế, phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế và cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ lệ động viên từ thu nội địa đến năm 2015 chiếm trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước, đến năm 2020 chiếm trên 80%; đồng thời hệ thống chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thông lệ quốc tế, chủ động hội nhập, khuyến khích thu hút đầu tư từ  mọi thành phần kinh tế, từ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Cùng với đó là từng bước đơn giản hoá chính sách thuế, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện và có cơ cấu hợp lý, với những định hướng chủ yếu sau: Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước 23-24% GDP, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế và phí, lệ phí khoảng 22-23% GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế và phí, lệ phí bình quân hàng năm đạt khoảng 16-18%/ năm. Hệ thống thuế bao gồm một số sắc thuế và phí, lệ phí chủ yếu: thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường và các khoản phí, lệ phí.
Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ huy động thu ngân sách  nhà nước và tỷ lệ động viên từ thuế và phí, lệ phí trên GDP ở mức hợp lý theo định hướng mức thuế được nghiên cứu điều chỉnh giảm mức động viên trên một đơn vị hàng hoá, doanh thu dịch vụ để khuyến khích cạnh tranh, khuyến khích tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.

Hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn này sẽ bao gồm các sắc thuế và phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, trong đó nội dung từng sắc thuế được sửa đổi, bổ sung phù hợp theo cam kết WTO, các cam kết mậu dịch tự do khu vực và song phương, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy đầu tư, bảo đảm lợi ích quốc gia về quyền thu thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh...

Cải cách quản lý thuế đến năm 2020, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế tạo thuận lợi cho người nộp thuế; sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Phân loại người nộp thuế để áp dụng các hình thức tuyên truyền hỗ trợ thực thi pháp luật thuế phù hợp, hiệu quả; xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế. Xây dựng, ban hành chế độ quy định về quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế trên cơ sở quản lý rủi ro; xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế, trên cơ sở đó thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, phân loại người nộp thuế tại tất cả các khâu đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế.

Tăng cường đổi mới áp dụng các biện pháp, kỹ năng để giám sát quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chí rủi ro để phục vụ công tác quản lý nợ thuế và đánh giá kết quả hoạt động quản lý nợ thuế; giải quyết chính xác, kịp thời các trường hợp khiếu nại tố cáo về thuế của người nộp thuế.

Xây dựng và tổ chức bộ máy quản lý thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức ngành Thuế; kiện toàn hệ thống pháp chế chuyên trách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế của ngành Thuế và đại diện cho cơ quan thuế khi giải quyết khiếu nại, khởi kiện liên quan đến việc thực thi công vụ của công chức thuế; nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức đại lý thuế, hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn.

Xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước. Hiện đại hoá, tự động hoá và tích hợp trong quản lý đăng ký kinh doanh và quản lý cấp mã số thuế, mã số hải quan thống nhất. Nghiên cứu triển khai mô hình quản lý thu thuế thu nhập cá nhân kết hợp với quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

                                                                                                          Văn Hoàng

,
.
.
.