Nghề nuôi cá lồng trên sông Gianh

Cập nhật lúc 09:20, Thứ Năm, 03/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Nghề nuôi cá lồng trên sông đã mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều người dân ở xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Nhưng trong những năm gần đây tình trạng nước sông bị ô nhiễm cùng với nạn khai thác cát sạn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các lồng cá nơi đây.

Từ những năm 1990 người dân sống đôi bờ sông Gianh đã nuôi cá lồng nhưng còn manh mún và nhỏ lẻ. Đến khoảng năm 1997 thấy nghề này có thu nhập nên được người dân phát triển. Nằm bên bờ sông Gianh, Châu Hóa là xã có số lượng lồng cá đứng đầu huyện Tuyên Hóa với 71/350 lồng.

Ông Trương Thanh Lam, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết: Tuy gặp nhiều khó khăn vì môi trường không mấy thuận lợi, hạn chế vốn đầu tư nhưng nghề nuôi cá lồng vẫn được người dân chú trọng phát triển. Nhờ mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi cá lồng, nhiều gia đình đã có của ăn của để, đỡ thiếu thốn hơn”.

Nuôi cá lồng ở thôn Thanh Châu (Châu Hóa, Tuyên Hóa). Ảnh: Thanh Hoa
Nuôi cá lồng ở thôn Thanh Châu (Châu Hóa, Tuyên Hóa). Ảnh:T.H

Bà Trần Thị Lý, thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa, một người thâm niên nuôi cá lồng cho biết: “Ở đây chúng tôi chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, nếu môi trường không bị ô nhiễm, nuôi cá lồng có thu nhập hơn chăn nuôi bò, lợn, bởi chi phí thức ăn thấp và rất dễ kiếm. Nhưng hiện nay môi trường nước bị ô nhiễm nên cá cũng chậm lớn, hai năm mới có xuất ra loại cá trắm 3kg cho thị trường”.

So với mức thu nhập ở đây thì nghề nuôi cá lồng vẫn cho thu nhập đáng kể hằng năm. Số vốn đầu tư cho việc làm lồng và thả khoảng 300 con cá giống hết khoảng 5 triệu đồng, sau khi thu hoạch trừ chi phí, lãi mỗi lồng khoảng 15 triệu đồng mỗi năm. Năm nay, bà Lý cho xuất bán hơn 100 con cá trắm, mỗi con chừng 3,5- 4kg.

Mặc dù nghề nuôi cá lồng vốn là nghề truyền thống của hàng trăm hộ dân chài xã Châu Hóa và mang lại thu nhập cho họ, nhưng do môi trường nước bị ô nhiễm nên người dân nơi đây đang khó giữ được nghề. Trong thời gian qua nạn khai thác cát, sạn diễn ra hàng ngày trên thượng nguồn sông Gianh đã ảnh hưởng đến nguồn thức ăn cho cá. Mật độ thả nuôi trên khúc sông khá dày đặc cũng dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nên nghề nuôi cá lồng duy trì và phát triển rất khó.

Hiện bà con nơi đây vẫn mong muốn các cấp, các ngành nghiên cứu, kiểm tra xử lý môi trường nuôi, tìm hiểu loài cá cho năng suất thu hoạch cao hơn cá trắm cỏ để họ phát triển nghề nuôi này.    

                                                                                                    Thanh Hoa

,
.
.
.