Khởi sắc Cao Quảng

Cập nhật lúc 09:14, Thứ Năm, 03/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau hơn một năm triển khai thực hiên Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, bộ mặt nông thôn của xã vùng cao Cao Quảng (Tuyên Hóa) đã có nhiều khởi sắc...

Chúng tôi lên Cao Quảng vào những ngày cuối tháng 10-2011, khi trận lũ vừa mới đi qua. Tuyến đường từ Quảng Sơn đi Cao Quảng bị sụt lở nhiều đoạn, nhưng nhìn chung đường đi khá thuận lợi. Cảm nhận của chúng tôi về khu vực trung tâm xã miền núi này là có địa hình tự nhiên bằng phẳng, đường sá, nhà cửa  được quy hoạch khá tốt.

Qua báo cáo của Bí thư Đảng ủy xã Đinh Xuân Lâng được biết, trong năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng ở đảng bộ có sự chuyển biến tích cực. Đảng bộ xã đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo, lề lối làm việc trong cán bộ, đảng viên, bước đầu đạt kết quả khá tốt. Đảng bộ xã có 172 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ cơ sở.

Khu vực trung tâm xã Cao Quảng (Tuyên Hóa). Ảnh: H.Q
Khu vực trung tâm xã Cao Quảng (Tuyên Hóa). Ảnh: H.Q

Qua bình xét phân loại có 95% đạt tiêu chuẩn đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đại hội, công tác xây dựng Đảng đã được tăng cường, nội bộ đoàn kết tốt. Các cấp ủy đảng đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm nâng cao trình độ nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Triển khai học tập nghị quyết đại hội Đảng các cấp, số lượng đảng viên tham gia đạt trên 90%, 10 tháng qua đã kết nạp 9 đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được nâng cao.

Các cấp ủy đã tích cực lãnh đạo cùng phối hợp với UBMTTQVN xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy mà tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn ổn định, đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm đáng kể so với trước, không có vụ việc nóng xảy ra.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên sau đại hội Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lấy tăng trưởng kinh tế làm thước đo cho bình xét danh hiệu thi đua, đánh giá chất lượng công tác. Là xã miền núi nên Cao Quảng có rất ít diện tích lúa nước, chỉ có 50 ha trong tổng diện tích gieo trồng  398 ha.

Để tận dụng triệt để số diện tích đất lúa ít ỏi đó, Đảng ủy, UBND xã đã vận động người dân đầu tư thâm canh, đưa giống lúa chất lượng cao vào canh tác nhằm tăng năng suất cây lúa; đồng thời tích cực chuyển đổi đất màu sang trồng cây lạc. Hiện tại toàn xã đã có trên 100 ha cây lạc, vụ mùa vừa rồi thu hoạch được 200 tấn, đạt giá trị 5,5 tỷ đồng,  giá trị gấp 2 lần trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Được mùa lạc và được giá nên bà con trong xã rất phấn khởi, sắp tới sẽ chuyển thêm 20 ha đất màu sang trồng cây lạc. Nhờ vậy mà tổng sản lượng lương thực quy thóc của xã trong năm nay đạt 709 tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Một thế mạnh trong sản xuất của Cao Quảng là chăn nuôi. Do địa hình cách trở nằm cách biệt với bên ngoài nên đàn gia súc gia cầm ở Cao Quảng ít bị lây nhiễm dịch bệnh từ ngoài vào và có nhiều đồng cỏ tự nhiên nên thuận lợi cho chăn nuôi trâu, bò đàn.  Tổng đàn gia súc đến cuối tháng 10-2011 có 2083 con, trong đó đàn trâu 723 con, đàn bò 676 con, đàn lợn 684 con; gia cầm 5.930 con. So với cùng kỳ năm ngoái thì tổng đàn gia súc gia cầm bị giảm sút, do vừa qua giá con giống và thức ăn cao nên một số hộ dân bỏ nuôi mà chuyển sang đầu tư trồng lạc, đậu xanh, ngô để bù đắp lại.

Một ghi nhận nữa ở Cao Quảng là công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được triển khai khá tốt.  Từ sau đại hội, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực lãnh đạo, đôn đốc các thôn xóm chăm sóc, bảo vệ rừng trồng và triển khai trồng rừng kinh tế theo đúng kế hoạch đề ra. Diện tích rừng đã trồng trong 10 tháng đầu năm 2011 khoảng 200ha, dự kiến 2 tháng còn lại trồng 50 ha nữa, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Trong năm nay các hộ gia đình đã thu hoạch 250 ha rừng keo, bạch đàn, thu về 8 tỷ đồng.  Cùng với việc đẩy mạnh trồng rừng công tác quản lý bảo vệ rừng đã được tăng cường. Trong 10 tháng đầu năm trên địa bàn không để xảy ra vụ cháy rừng nào và lực lượng bảo vệ rừng đã xử lý 20 vụ vi phạm lâm luật, xử phạt 10 triệu đồng, thu giữ 30m3 gỗ các loại và 4 xe bò bánh lốp vận chuyển gỗ trái phép. 

  Ngoài ra, xã đã tích cực quy hoạch để bố trí chuyển đổi đất sang trồng cao su. Trong năm 2011 toàn xã đã trồng được 15 ha, dự kiến các năm sau sẽ đầu tư trồng mới thêm 50-70ha nữa tạo thành vùng nguyên liệu tập trung cây cao su. Xã đã triển khai chương trình trồng sắn nguyên liệu xen giữa đất trồng rừng, dự kiến trồng từ 60-80 ha mỗi năm.

Khai thác rừng trồng ở Cao Quảng. Ảnh: H.Q
Khai thác rừng trồng ở Cao Quảng. Ảnh: H.Q

Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, trong năm 2011, xã đã triển khai 12 công trình khắc phục lụt bão và thực hiện vốn XDCB ước tính đạt 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Cao Quảng là 1 trong 4 xã ở tỉnh ta được đầu tư dự án nước sinh hoạt nông thôn. Mặc dầu là xã miền núi nhưng việc huy động ngân sách của xã đáng ghi nhận. Trong 10 tháng đầu năm 2011, tổng thu ngân sách ước đạt 3 tỷ đồng bằng 162% kế hoạch. Trong đó, thu trên địa bàn 250/108 triệu đồng đạt 225% kế hoạch.

Hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có sự chuyển biến tích cực. Năm học 2010-2011 các trường học đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì sỉ số 100% không có học sinh bỏ học. Trong kỳ thi đại học vừa qua trên địa bàn có 17 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Hoạt động y tế có nhiều tiến bộ,  duy trì tốt chế độ trực tại trạm, đã cố gắng về khám và điều trị bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở. Trong 10 tháng đã khám và điều trị cho 1.371 lượt người, trong đó bệnh nhân hưởng BHYT là 1.213 người.

Tuy vậy, Cao Quảng vẫn đang còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 52% (theo chuẩn mới). Trong đó, khó khăn nổi lên trong sản xuất ở Cao Quảng là liên tục bị thiệt hại về lũ lụt. Trong trận lũ tháng 10-2010, đất cát đã vùi lấp mất 15 ha đất lúa 2 vụ ở vùng Đồng Đượng, với độ sâu xấp xỉ 1m nên không thể khôi phục được và tình trạng đất đai bị mất do lũ hàng năm còn tăng lên chưa có biện pháp ngăn chặn. 

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy có tiến bộ, nhưng nhìn chung còn lúng túng, nhất là trên lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dầu có lợi thế để phát triển đàn gia súc, gia cầm nhưng số lượng hộ chăn nuôi có từ 10 con trâu bò và 20 con lợn trở lên còn ít. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước, chưa vươn lên để thoát nghèo.

                                                                                                                     H.Q

,
.
.
.