Làm giàu từ cây nấm

Cập nhật lúc 11:16, Thứ Tư, 02/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Từng nổi danh với nghề làm chiếu cói, song giờ đây, làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) đang dần hình thành một nghề mới: nghề làm nấm. Người tiên phong làm nấm là ông Bùi Hữu Quế.

Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang mới xây dựng cách đây 2 năm, hai ông bà già tuổi đã 70, vẫn luôn tay luôn chân làm cái “công việc” ung dung, nhàn hạ này. Ông bảo, “già rồi, chỉ phụ giúp con cái thôi”...

Từng đầu tư nuôi heo với quy mô lớn, nhưng thất thu do đàn heo đang đến kỳ xuất chuồng không dưng ngã bệnh rồi chết. Đến lượt, cả đàn ba ba, chỉ trong một đêm, gần 50kg ba ba thịt sắp xuất chuồng bỗng dưng không cánh mà bay. Sau những lần “mưu sự” làm ăn lớn không thành, năm 1990, trong một chuyến về thăm quê, người cháu của ông, vốn làm chủ một xưởng sản xuất nấm lớn ở Sài Gòn đã “mách nước” với ông rằng, “ở đây, có sẵn rơm rạ sao cậu không làm nấm”. Một câu hỏi nhỏ nhưng đã mở ra cho ông cả một con đường làm ăn vốn bị bế tắc bấy lâu nay. Sẵn kinh nghiệm và kỹ thuật, người cháu vội truyền lại tất cả “ngón nghề” của mình cho ông.

Cuối cùng, ông rút ra được một công thức cho riêng mình: “Rơm sau khi được phơi khô, qua quá trình làm ướt tạo độ ẩm, rồi ủ tiếp 8 ngày nữa, đem vằm nhỏ, đóng vào bao, lại hấp thêm 8 giờ nữa, lấy ra để nguội rồi sau đó mới cấy giống vào”. Theo ông, mục đích của công đoạn này là tiệt trùng cho rơm trước khi cấy giống. Vì với khí hậu khắc nghiệt của miền Trung và cách làm thủ công như ở đây rơm sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến hiệu quả không cao. Nếu theo cách làm của ông, thì tỷ lệ nấm bị hỏng chỉ trên dưới 10%. 

Mỗi năm, gia đình ông Bùi Hữu Quế thu nhập trên 50 triệu đồng từ cây nấm. Ảnh: D.C.H
Mỗi năm, gia đình ông Bùi Hữu Quế thu nhập trên 50 triệu đồng từ cây nấm. Ảnh: D.C.H

Giờ đây, sau 20 năm gắn bó với cây nấm, với thu nhập 50 triệu/năm ông được đền đáp xứng đáng bằng ngôi nhà 2 tầng khang trang với tiện nghi hiện đại mà nhiều người phải mơ ước. Ông bảo, “nhờ nấm đó chú”. Không phải ngẫu nhiên, mà ngay cả Hội Nông dân huyện Lệ Thủy cũng mời đích danh ông đi “mở lớp” dạy phương pháp trồng nấm khắp nơi trong huyện. “Nông dân như tui thì biết gì mà dạy, cứ lấy kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề ra mà “giảng” thôi”. Ông cho rằng, việc nhân rộng mô hình làm nấm trên địa bàn Lệ Thủy là hợp lý, vì nguồn nguyên liệu có sẵn, lao động dồi dào..

                                                                             Dương Công Hợp

,
.
.
.