Cần quan tâm phát triển kinh tế trang trại trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật lúc 10:33, Thứ Ba, 01/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, đến hết năm 2010 tỉnh ta có 1.643 trang trại (671 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại) với tổng diện tích 9.932 ha (5.668 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm 869 ha, đất trồng cây lâu năm 2.906 ha, đất lâm nghiệp 5.182 ha, ao hồ, mặt nước nuôi trồng thủy sản 740 ha và diện tích đất khác 235 ha. Phân theo loại hình sản xuất, trang trại tỉnh ta khá đa dạng, với 835 trang trại trồng trọt, 257 trang trại lâm nghiệp, 178 trang trại chăn nuôi, 206 trang trại nuôi thủy sản, 167 trang trại sản xuất tổng hợp; tạo việc cho 9.146 người lao động ở nông thôn (bình quân 5,6 người/trang trại).

Năm 2010 giá trị tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ của trang trại đạt 235.292,7 triệu đồng (chiếm 16,13% giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh), tổng thu nhập đạt 106.179,2 triệu đồng (bình quân 65 triệu đồng/trang trại). Một số trang trại đã phát huy tốt nội lực về vốn, lao động, đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, sinh sản nhân tạo thành công nhiều đối tượng nuôi thủy sản mới. Một số trang trại có đàn bò lai Sind hàng chục con, chăn nuôi lợn ngoại hàng nghìn con/trại. Nhiều trang trại thu nhập cao và ổn định từ trồng cây cao su...

Một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Thuận Đức (T.P Đồng Hới). Ảnh: Đ.V.H
Một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Thuận Đức (T.P Đồng Hới). Ảnh: Đ.V.H

Từ đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đi sâu phân tích từng mặt kinh tế trang trại vẫn còn những hạn chế về quy mô diện tích, sản lượng hàng hóa, vốn đầu tư, trình độ thâm canh, khả năng thu hút lao động... dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Kinh tế trang trại được hình thành trên cơ sở đặc điểm địa hình địa mạo, điều kiện kinh tế, xã hội cũng như tiềm năng, lợi thế của từng vùng; sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là hàng hóa nông sản và nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất, dịch vụ của địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh ta có 147 xã thuộc diện XDNTM, nếu tính mức bình quân của năm 2010 thì giá trị sản xuất của các trang trại mỗi xã tương đương 1.575 triệu đồng/năm, giá trị thu nhập 715 triệu đồng/năm. Con số này tác rất lớn tiếp đến mức thu nhập bình quân đầu người/năm của người dân địa phương (một trong 19 tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM).

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các trang trại phụ thuộc nhiều đến điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương, tác động lớn đến điều kiện môi trường sinh thái, tình hình dịch bệnh cây trồng, vật nuôi cũng như việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn... Trang trại phát triển đúng hướng và hiệu quả sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, ngược lại nông thôn đạt chuẩn quốc gia là điều kiện để các trang trại trên địa bàn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, gắn phát triển kinh tế trang trại với xây dựng nông thôn mới là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Với tầm quan trọng như đã nêu, phát triển kinh tế trang trại hiện nay phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của các xã, trong đó phải chú ý sự tác động của sản xuất đến điều kiện môi trường sinh thái và vệ sinh môi trường sống.

Cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận sử quyền dụng đất, giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các trang trại còn lại; đồng thời có chính sách ưu tiên vay vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến cụm xã, xúc tiến các hoạt động chuyển giao KHKT về khuyến nông, lâm, ngư để phát triển sản xuất theo hướng thâm canh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm cho trang trại; đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng tiếp cận thông tin cho các chủ trang trại; tạo cơ chế để khuyến khích những hộ có điều kiện về vốn, lao động nhận đất phát triển trang trại...

 

                                                                            Đặng Văn Huế

,
.
.
.