Trăn trở làng nghề nước mắm Quy Đức

Cập nhật lúc 10:30, Thứ Ba, 01/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Làng nghề Quy Đức, xã Đức Trạch, Bố Trạch có khoảng hơn 40% hộ dân làm nghề chế biến nước mắm. Trung bình mỗi năm, làng nghề cung cấp 500.000 lít nước mắm, chiếm 1/3 thị trường nước mắm của tỉnh. Sản xuất nước mắm cũng là một nghề chính đem lại nguồn thu nhập, cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây. 

Hiện nay, làng nghề Quy Đức đang thực hiện quy trình chế biến nước mắm theo phương pháp thủ công và gia truyền với 3 loại nước mắm: loại  bình dân, loại đóng chai và nước mắm cốt (loại ngon đặc biệt). Loại nước mắm chai và nước mắm cốt chủ yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ở thành thị, giá bán ra khá cao. Các doanh nghiệp đến thu mua tại gốc cũng có giá từ 30- 40.000 đồng/lít. Loại nước mắm thường, phục vụ thị trường ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, với mức giá chỉ từ 10 - 15.000 đồng/lít.

Nước mắm Quy Đức có từ lâu đời và rất được ưa chuộng, bởi hương vị đặc trưng được chế biến từ cá cơm. Mặt khác, theo những người trong nghề cho biết, sản lượng cá cơm đáp ứng cho các cơ sở muối mắm thường do chính tàu thuyền địa phương đánh bắt. Dựa vào kênh phân phối là những khách hàng quen biết lâu năm và truyền miệng, trong những năm qua, thị trường tiêu thụ nước mắm của làng nghề ngày càng rộng lớn, ngoài việc bán sỉ một số lượng lớn theo đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp thì số lượng bán lẻ trong huyện và các vùng phụ cận ngày càng tăng. Chế biến nước mắm trở thành ưu thế  để các hộ kinh doanh ở đây phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn vì nguyên liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường thay đổi thất thường, giá cá, muối ngày càng tăng nên giá nước mắm cũng tăng theo, dẫn đến khó bán được sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Mẹo đang chế biến nước mắm tại gia đình. Ảnh: Thu Thơm

Chị Nguyễn Thị Mẹo đang chế biến nước mắm tại gia đình. Ảnh:T.T

Loại cá chủ yếu đượcngười dân dùng để muối mắm là cá cơm. Theo kinh nghiệm, cá cơm sẽ cho hương mắm thơm hơn và có độ đạm cao. Năm nay, làng biển Đức Trạch gặp khó khăn do mất mùa, biển động,  nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt cùng với việc các thương lái cạnh tranh nguồn cá cơm để hấp, sấy bán sang Trung Quốc đã làm cho việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm trở nên khan hiếm.
Theo các cơ sở ở làng nghề Quy Đức thì, mọi năm nguồn cung cá cơm từ các tàu thuyền rất dồi dào, nên thông thường sau tết Nguyên đán, họ tiến hành thu mua đủ nguồn cá từ 10 - 20 tấn/năm để chế biến nước mắm. Song năm nay trong mùa vụ cá, các cơ sở này không mua đủ lượng cá cần thiết để chế biến nước mắm cung cấp cho thị trường.

Chị Nguyễn Thị Mẹo, chủ cơ sở chế biến nước mắm vào loại lớn nhất ở làng nghề Quy Đức cho biết: "Trước đây giá 1 kg cá cơm tươi chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng, nhưng nay giá đã lên gần 30.000 đồng/kg mà vẫn không có để mua chế biến. Mỗi năm cơ sở của tôi cần 20 - 40 tấn cá nguyên liệu để chế biến. Năm nay, vào đầu  mùa cá, tôi phải ra mua tận các cảng cá và thu gom ở nhiều nơi khác với giá từ 350.000 đến 380.000 đồng/giỏ cá cơm (1 giỏ 18 kg) để đưa về, tuy nhiên vẫn không đủ số lượng nên phải chế biến ít hơn mọi năm". Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2011, sản lượng nước mắm chế biến trong toàn làng nghề chỉ đạt gần 200 nghìn lít, giảm hơn 1/2 sản lượng so các năm trước.

Bên cạnh đó, người dân ở đây vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ và tự phát trong khi đó, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều địa chỉ sản xuất nước mắm quy mô lớn nên làng nghề Quy Đức phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng, các hộ sản xuất lại chưa có sự liên kết để tạo thương hiệu chung cho cả làng nghề mà chỉ tạo thương hiệu riêng cho cơ sở sản xuất của mình, vì vậy khó cạnh tranh với thị trường hiện nay. 

Mặt khác, nghề làm nước mắm trung chuyển vòng vốn chậm, để có hàng bán liên tục trong năm, đòi hỏi phải có vốn để đầu tư lớn, thường xuyên, đây là vấn đề đặc biệt khó khăn mà số đông hộ dân làm nước mắm ở làng nghề gặp phải. 

Nghề sản xuất nước mắm ở Quy Đức ngày càng phát triển với sản lượng lớn nên các hộ kinh doanh rất muốn mở rộng sản xuất và phát triển thị trường, nhưng hiện đang thiếu mặt bằng sản xuất. Hầu hết diện tích dùng để sản xuất nước mắm do các cơ sở tận dụng đất ở của gia đình. Điều bà con mong muốn là chính quyền xã có chính sách cho thuê mặt bằng để họ có cơ hội quảng bá sản phẩm, phát triển nghề truyền thống của mình.

Hy vọng những khó khăn trên của làng nghề Quy Đức sẽ sớm được chính quyền địa phương cùng các cơ quan hữu quan quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.

                                                                            Thu Thơm

,
.
.
.