Lâm Trạch: Gian nan bài toán giảm nghèo

Cập nhật lúc 09:06, Thứ Tư, 02/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Lâm Trạch (Bố Trạch) hiện có 715 hộ, 3.560 khẩu, nhưng có đến trên 550 hộ nghèo (tính theo chuẩn mới), chiếm 89,7% số hộ toàn xã. Do đó, câu chuyện giảm nghèo vẫn đang là bài toán khó đối với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Lâm Trạch có diện tích tự nhiên 2.792 ha, trong đó đất lâm nghiệp 2.467 ha, đất lúa nước 115 ha, đất hoa màu 210 ha. Người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế đồi rừng. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất, công trình giao thông nông thôn... nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, hành trình giảm nghèo đối với người dân Lâm Trạch vẫn còn lắm gian nan.

Dân nghèo, đất nghèo nên Lâm Trạch giảm nghèo chậm. Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 80,47%, năm 2009, số hộ nghèo giảm xuống 71,2%, nhưng đến năm 2010, số hộ nghèo nhảy vọt lên đến 87,7% (tính theo chuẩn nghèo mới). Với địa hình chủ yếu là đồi núi nên  toàn xã chỉ có 165 ha đất lúa nước, 210 ha đất hoa màu lại nằm manh mún đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của người dân... Do không chủ động được nguồn nước tưới nên những năm điều kiện thời tiết không thuận lợi, mất mùa, không đủ lương thực đáp ứng nhu cầu nên đời sống người dân Lâm Trạch đã khó lại càng khó hơn.

 

Nông dân Lâm Trach chăn sóc lạc. Ảnh: Bùi Ánh
Nông dân Lâm Trach chăn sóc lạc. Ảnh: Bùi Ánh

Ngoài những yếu tố khách quan còn phải nói đến sự chủ quan, thụ động trong cách nghĩ, cách làm của người dân ở đây. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong việc đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Người dân lại có truyền thống chăn nuôi trâu, bò thả rông, không có khái niệm tiêm phòng, nhốt vật nuôi khi trời rét buốt, dẫn đến đàn trâu bò giảm. Các giống cây trồng chính là lúa, lạc đều đã thoái hóa nên hiệu quả kinh tế cũng không cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khai, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch, thì đất ở vùng này chưa nắng đã khô, chưa mưa đã úng nên muốn phát triển kinh tế, trước mắt xã cần nhất là hệ thống thuỷ lợi để tưới tiêu. Thứ nữa, xã cần tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho con em vay vốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Hiện tại toàn xã có 20 người đi xuất khẩu lao động, sau một thời gian họ đã thoát đói nghèo, xây được nhà cửa khang trang, góp phần vào sự phát triển chung của xã. Ngoài ra, để giảm hộ nghèo nhanh, bền vững, xã cần nhiều vốn vay ưu đãi, dài ngày để sản xuất. Hiện vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo trên toàn xã được 4 tỷ đồng/500 hộ, vốn giải quyết việc làm trên 200 triệu đồng, vốn xuất khẩu lao động trên 840 triệu đồng, vốn sản xuất kinh doanh và dịch vụ gần 1 tỷ đồng... Với nguồn vốn vay vừa nhỏ lẻ, vừa ít ỏi này chưa thể trở thành đòn bẩy để người dân có sức bật thoát nghèo.

Tuy nhiên để giảm nghèo, cần cả sự nhận thức, nỗ lực lớn từ chính người dân chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước.

                                                                                       B.Ánh

 

 

,
.
.
.