Trung thu nào cho em?

Cập nhật lúc 14:30, Chủ Nhật, 30/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tết Trung thu đang đến, nhà nhà phố phố tràn ngập màu đỏ của những chiếc lồng đèn rực rỡ, những hộp bánh nướng bánh dẻo thơm ngon, những đôi má con trẻ hây hây trong nắng thu, háo hức chờ đón đêm cỗ trông trăng. Vậy mà có một nơi, sắc đỏ của Tết Trung thu đã được thay thế bởi màu áo blouse trắng, màu áo xanh bệnh nhân nhợt nhạt, màu ánh kim sắc lạnh của những hộp thuốc, mũi tiêm... và cũng không có cả lồng đèn ông sao, đèn kéo quân, không bánh nướng bánh dẻo. Đó là ở khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, nơi ánh trăng chị Hằng khó mà len lỏi vào.

Em Lê Minh Đức năm nay bước vào tuổi 12 và cũng từng đó thời gian em cùng mẹ xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. Mẹ em, chị Ngô Thị Thủy (xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) cho biết, Đức bị xuất huyết não từ khi còn rất nhỏ, sau đó chuyển sang teo não và bị bại liệt nửa người. Bố em mất từ khi em mới 8 tuổi.

Một mình mẹ Thủy phải quần quật vừa làm việc đồng áng, chăn nuôi lợn gà, vừa làm thuê, làm mướn để có tiền cho Đức chữa bệnh và nuôi 2 anh chị Đức vẫn còn đang tuổi ăn tuổi lớn. Không phụ công sức của mẹ và đội ngũ y bác sĩ, giờ đây Đức đã có thể đi lại khập khiễng, nhưng nhận thức của em vẫn còn non nớt, ngây ngô. Em không thể đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa, không biết mặt chữ và suốt ngày chỉ cười, nói vô hồn. Khác những đứa trẻ khác, Tết Trung thu em còn không biết để "đòi" mẹ mua đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo. Mà nếu có, chị Thủy cũng không thể mua được cho con, bởi còn tằn tiện, dành dụm tiền thuốc thang chữa bệnh.

Các bệnh nhi ở khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, mong lắm một đêm cỗ trông trăng.
Các bệnh nhi ở khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, mong lắm một đêm cỗ trông trăng.

Nằm ngay cạnh giường của em Lê Minh Đức là em Đinh Quốc Cường (5 tuổi), quê ở huyện Minh Hóa. Mới 5 tháng tuổi, Cường đã bị chẩn đoán mắc căn bệnh hiểm nghèo: thiếu máu huyết tán. Kể từ đó đến nay, tháng nào em cũng phải lặn lội lên bệnh viện tỉnh để truyền máu. Mẹ em, chị Trương Thị Thu Hoài, ngậm ngùi cho biết các bác sĩ khẳng định Cường sẽ phải sống với căn bệnh này suốt đời, bởi ngoài truyền máu ra, không có cách nào chữa dứt điểm bệnh cho em.

Gia đình ở quê rất nghèo khó. Chị Hoài quanh năm suốt tháng đưa con lên viện. Mọi gánh nặng đổ lên vai chồng chị, anh phải làm nhiều việc để kiếm tiền chữa bệnh cho con, từ làm nương làm rẫy cho đến đi rừng, đi củi... Nhưng thu nhập hàng tháng cũng rất bấp bênh. Chị gạt nước mắt lo lắng khi mùa mưa lũ sắp đến, cả nhà lại sống lay lắt mất thôi. Những nỗi lo đó khiến việc nỗ lực mua cho con một món quà đón Trung thu cũng trở nên xa vời đối với chị Hoài.

Dường như, đối với trẻ em nghèo nơi đây, niềm vui Trung thu là một điều còn "xa xỉ" lắm. Em Nguyễn Đại Sang mới 3 tuổi nhưng đã "làm quen" với bệnh viện từ khi mới 15 ngày tuổi. Các bác sĩ chuẩn đoán em mắc bệnh nan y suy giảm tiểu cầu và sẽ phải chung sống suốt đời với căn bệnh quái ác này. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Liếu (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh), rất vất vả khi phải trông em hàng ngày, bởi em rất hiếu động, trong khi chỉ cần một vết xước nhỏ trên cơ thể cũng sẽ dễ dàng gây chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng.

Gia đình chị Liếu nghèo, lại đông con (4 anh chị em) khiến anh chị đã vất vả lại càng vất vả hơn bội phần. Chị Liếu suốt ngày theo Sang vào viện, mới đây em điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế hơn 20 ngày, về nhà được 3 ngày, em lại bị chảy máu và phải nhập viện lần hai. Bố em tất tả với mọi công việc từ đồng áng, chăn nuôi, làm thuê mướn... để nuôi cả gia đình và lo em nằm viện. Nhưng sức bố cũng không đủ, lại phải vay mượn, khiến nợ nần chồng chất. Chị Nguyễn Thị Liếu chỉ có một mong ước thấy con sau này được khỏe mạnh, được đi học bằng bạn bằng bè. Còn em Nguyễn Đại Sang thì chỉ có một điều ước nhỏ nhoi thôi: được một lần phá cỗ trông trăng cùng các bạn trong phòng bệnh của mình.

Bác sĩ Hà Công Thanh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, cho biết ở khoa vẫn còn nhiều lắm những trường hợp như em Lê Minh Đức, Đinh Quốc Cường, Nguyễn Đại Sang. Hiện nay, khoa Nhi có 111 bệnh nhi đang điều trị, trong đó, tỷ lệ bệnh nhi nghèo đã chiếm từ 10 - 20%. Phần lớn các cháu hoàn cảnh gia đình khó khăn thường mắc những căn bệnh nan y như tim bẩm sinh, ung thư máu, bại liệt, bại não... Số lượng bệnh nhi lại đông, trong khi chỉ có 54 giường bệnh. Vì vậy, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra, khiến việc điều trị và sinh hoạt của các cháu gặp nhiều khó khăn.

Trong các dịp lễ, tết thiếu nhi, nhất là vào Trung thu, đội ngũ y bác sĩ trong khoa rất muốn tổ chức những hoạt động vui chơi có ý nghĩa hoặc tặng quà động viên chia sẻ thiệt thòi cho các cháu. Thế nhưng, do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên các y bác sĩ chỉ có thể động viên, khích lệ bệnh nhi về mặt tinh thần mà thôi. Trong thời gian tới, khoa rất mong muốn hàng năm vào những dịp lễ, tết dành cho thiếu nhi, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ để có thể mang lại niềm vui nho nhỏ cho các cháu. Có lẽ, vẫn còn lâu lắm Tết Trung thu mới đến được với các em nhỏ nơi đây.

                                                                                   P. V

Đón Tết Trung thu ý nghĩa cùng Nhà thiếu nhi tỉnh

Tết Trung thu năm nay, Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích và ý nghĩa.

Bên cạnh Đêm hội trăng rằm với các tiết mục giao lưu văn nghệ, kể chuyện, tiểu phẩm vui..., Nhà thiếu nhi tiếp tục mở nhiều trò chơi hấp dẫn như tàu lượn, đu quay ngựa, đĩa bay, đu quay đứng, nhà phao, nhà bóng...

Trong dịp này, 10 suất học bổng được trao cho các em vượt khó học giỏi và 100 suất quà tặng cho thiếu nhi đến tham gia Đêm hội trăng rằm.

                                                                    Mai Nhân

 













 

,
.
.
.