.

Ngày mới ở Trường Sa - Kỳ 2: Lung linh ánh điện Trường Sa

Thứ Hai, 24/06/2013, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong suốt quãng thời gian thăm và làm việc tại các đảo, điểm đảo và hệ thống nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi hết sức bất ngờ và không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh ánh điện đêm lung linh của các đảo rực sáng trong đêm giữa điệp trùng sóng nước biển Đông. Hệ thống những cột tuốc-bin thu năng lượng gió chạy dài bao quanh các đảo, những cột ăng - ten tiếp sóng điện thoại di động, tiếp sóng truyền hình cùng vô vàn những tấm bảng lớn gắn pin năng lượng mặt trời được bố trí hợp lý trên các mái nhà thực sự trở thành “điểm nhấn”, khác hẳn với hình dung của chúng tôi về một Trường Sa khó khăn xa ngái...

>> Kỳ 1: Nhiệt huyết của cán bộ trẻ

Những “điểm nhấn” tạo nên sắc diện mới của Trường Sa hôm nay bắt đầu hình thành từ năm 2008, đấy là thời điểm Dự án xây dựng hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK được thực hiện. Đây là dự án năng lượng sạch do Bộ Tư lệnh Hải quân làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa là đơn vị trực tiếp thi công. Theo đó, khi dự án hoàn thành, có 33 đảo (gồm cả đảo chìm và đảo nổi) cùng 15 nhà giàn sẽ được cung cấp nguồn năng lượng điện năng lượng mặt trời, điện gió trong thời gian 24/24 giờ trong ngày.

Trước đó, Trường Sa không có điện. Việc thắp sáng phục vụ sinh hoạt và các hoạt động công tác của quân và dân trên đảo chủ yếu sử dụng dầu hỏa. Khi có các sự kiện lớn diễn ra hoặc nhiệm vụ hết sức cần thiết cần phải sử dụng điện, có sự đồng ý của lãnh đạo đảo mới sử dụng đến máy phát điện. Bởi vậy, suốt quãng thời gian ở lại thăm và làm việc trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên khi thấy tại hầu hết các phòng làm việc, nơi ăn ở của cán bộ chiến sỹ, quân và dân huyện đảo Trường Sa đều được trang bị các thiết bị tiêu thụ điện khá đầy đủ như hệ thống loa máy công suất lớn, tivi, tủ lạnh, máy quạt...

Ngọn hải đăng và hệ thống cột tháp tuốc-bin năng lượng gió tại đảo Sinh Tồn
Ngọn hải đăng và hệ thống cột tháp tuốc-bin năng lượng gió tại đảo Sinh Tồn

Còn nhớ hôm chúng tôi và đoàn công tác đến thăm, làm việc tại xã đảo Song Tử Tây, trung tá Đoàn Văn Hành, một người con quê hương Quảng Bình đã tình nguyện dẫn tôi tham quan một vòng quanh đảo. Chỉ tay về phía những hàng cột tuốc-bin thu năng lượng gió, cột tiếp sóng điện thoại di động được xây dựng, lắp đặt hết sức kiên cố, anh nói vui: Chính nhờ những thứ vật liệu vô tri vô giác này mà tất cả các cơ sở làm việc, trụ sở các cơ quan khí tượng, thuỷ văn, trạm hải đăng, trạm y tế, trường học, văn phòng UBND xã đảo, nơi ở của cán bộ, chiến sỹ và nhà dân đều được sử dụng điện thắp sáng, xem truyền hình, chạy các thiết bị văn phòng đó nhà báo ạ!

Đến đây chúng tôi chợt nhớ ra hình ảnh mỗi khi tàu gần đến các đảo là các thành viên đoàn công tác tranh thủ lên boong tàu để gọi điện thoại về cho người thân ở đất liền. Với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi đây, việc có sóng điện thoại, có điện thắp sáng trở nên vô cùng ý nghĩa bởi giúp họ vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân, xóa đi cảm giác tách biệt giữa đất liền với một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa muôn trùng sóng nước; giúp họ thêm vững tay súng giữ yên biển trời của đất nước Việt Nam thân yêu.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại nhà giàn DK Tư Chính
Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại nhà giàn DK Tư Chính

Qua lời giới thiệu của trung tá Đoàn Văn Hành, chúng tôi được tiếp chuyện với thượng úy Thái Đàm Hồng, người phụ trách công tác duy trì điện năng lượng mặt trời và điện gió trên đảo. Hồng quê xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Anh nhập ngũ năm 1992, từng tham gia đóng quân trên các đảo Trường Sa, Phan Vinh, Nam Yết và hiện nay ở đảo Song Tử Tây nên biết rất rõ về hệ thống năng lượng sạch trên các đảo. Với nước da đen sạm vì nắng gió Trường Sa nhưng trong quân phục sỹ quan Hải quân, Hồng vẫn toát lên vẻ điển trai, rắn rỏi với mái tóc xoăn nhẹ bồng bềnh, và cái miệng kể chuyện rủ rỉ rất có duyên. Anh cho biết nguyên lý cung cấp điện của hệ thống năng lượng sạch đi cùng với nguồn máy phát dự phòng sẽ duy trì sự ổn định cao cho nguồn điện trên đảo.

Khi hệ thống cung cấp điện bằng nguồn năng lượng sạch gặp sự cố thì nguồn điện trên đảo được duy trì bằng máy phát 3 pha dự phòng. Đảo Song Tử Tây hiện có 175 cột đèn năng lượng mặt trời xen kẽ thắp sáng toàn đảo và 21 tháp tuốc-bin điện gió, công suất 848Kw cùng 640 ắc quy tích điện. Mỗi cột chiếu sáng gồm một tấm pin năng lượng mặt trời, một bộ điều khiển tự động, một ắc quy, một đèn chiếu sáng. Với lượng gió cấp 6 cấp 7 có khả năng nạp ắc quy tích trữ sử dụng điện 2-3 ngày, phòng những lúc gió yếu tuốc-bin không đủ sức phát điện. Trong phân bố điện năng ở quần đảo Trường Sa thì năng lượng gió chiếm 70%, năng lượng mặt trời 30%. Sử dụng cả hai, hỗ trợ nhau khi ánh nắng kém, gió mạnh hoặc khi nắng to gió yếu. Nếu điện sụt dưới 46 vôn, hệ thống sẽ tự động phát điện hạn chế cấp cho những nơi sử dụng ưu tiên. Ngoài ra, các đảo đều có máy phát điện dự phòng. Quân và dân trên đảo có thể sử dụng khá thoải mái các thiết bị điện như ti vi, quạt máy, nồi cơm, ấm nước, tủ lạnh... bằng điện xoay chiều 220v.  Trong khuôn khổ dự án xây dựng hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng, các đảo trong quần đảo Trường Sa còn được trang bị hàng trăm đèn năng lượng mặt trời xách tay.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió được trang bị hết sức hợp lý tại các đảo chìm trong quần đảo Trường Sa
Hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió được trang bị hết sức hợp lý tại các đảo chìm trong quần đảo Trường Sa

Một trong những giải pháp đơn giản được cán bộ, chiến sỹ công tác tại quần đảo Trường Sa áp dụng để làm chậm tốc độ tàn phá của hơi muối, gió biển là dùng những tấm ni-lông bọc kín các thiết bị, máy móc. Ở Trường Sa ngoài việc lựa chọn các thiết bị phù hợp với điều kiện khí hậu vùng biển với độ tin cậy cao, việc bảo dưỡng chống ăn mòn ở đây được thực hiện nghiêm ngặt. Ví như chiếc xe cải tiến dùng ngoài đảo cũng có giá thành đến hàng chục triệu đồng vì phải làm bằng inox mới chống được gió mặn, còn xe cải tiến bằng tôn chỉ một thời gian ngắn là han gỉ hết vì hơi muối.

Đối với tuốc-bin gió phải làm bằng thép nhúng kẽm và bảo trì định kỳ bằng cách sơn chống gỉ. Các cột tháp, cột đèn đều được nhúng kẽm chống mặn. Các bu-lông, ốc vít sử dụng loại inox chống gỉ sét tốt và mỡ bảo quản. Loại tháp này có khả năng chịu được sức gió cấp 12 và phù hợp với điều kiện khí hậu biển, chống ăn mòn của muối. Một điều nữa dễ thấy trên các đảo ở Trường Sa là không có hệ thống dây dẫn điện, cáp điện thoại, cáp ADSL hay cáp truyền hình giăng mắc loằng ngoằng trên các cột điện như ở các thành phố trên đất liền. Tất cả hầu như đã được "ngầm hoá" vừa thẩm mỹ lại đạt độ an toàn cao cả về dân sinh cũng như quốc phòng, an ninh và chống được sự khắc nghiệt của thời tiết.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để phát điện tại các đảo trong quần đảo Trường Sa được đánh giá là rất hiệu quả vì vừa tận dụng được nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời, năng lượng gió dồi dào lại vừa bảo vệ được môi trường, không gây ô nhiễm như với các nguồn năng lượng hoá thạch, hay phá vỡ cân bằng sinh thái của các đập thuỷ điện trên đất liền. Thực tế, hệ thống điện mặt trời và điện gió được xây dựng đã cung cấp gần 100% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động an ninh quốc phòng và sinh hoạt của các đảo. Để đạt được điều đó, ngoài sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước còn có sự đóng góp rất lớn của những người lính đảo đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa cái nắng trưa gay gắt của Trường Sa, trong cái ầm ào, mặn mòi của gió biển, tôi ngắm nhìn những giọt nắng xuyên qua kẽ lá cây Phong Ba nhảy nhót trên gương mặt sạm nắng của người lính hải quân phụ trách công tác duy trì điện năng lượng mặt trời và điện gió đang đứng đối diện. Hình dung sự cố gắng, hy sinh và nỗi vất vả, nhọc nhằn mà mỗi ngày anh cùng đồng đội phải vượt qua nơi hải đảo xa xôi, tôi không ngăn được giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi cố hít thật sâu để nén lại cảm xúc... và nhận được trở lại cả vị cay cay, mằn mặn của biển. Trong những sẻ chia với tôi, người lính ấy ước mơ có một ngôi nhà nhỏ nơi thành phố biển Nha Trang, bên người vợ hiền và sau mỗi ngày làm việc được cùng học bài với cô con gái nhỏ... Tôi bảo cái ước mơ giản dị của Hồng là đơn giản, bình thường với nhiều người nhưng nó đáng trân trọng và vô cùng chính đáng mà mỗi người trong chúng ta cùng có trách nhiệm vun đắp. Hồng dừng lời tâm sự với nụ cười thật tươi, vài giọt nắng ánh lên nơi khoé mắt -lung linh ánh sáng nơi đảo xa...

                                                                Nguyễn Hoàng