.

Ký sự Trường Sa - Kỳ 2: Những công dân Trường Sa

Thứ Hai, 13/05/2013, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong suốt quãng thời gian thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây. Mặc dù đến từ nhiều miền quê khác nhau, song ở họ có một điểm chung là tình nguyện ra đảo với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để cùng cán bộ, chiến sỹ vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. 

>> Kỳ 1: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương"

Hôm ở đảo Song Tử Tây, ngay sau khi đoàn công tác đặt chân lên đảo, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những bé trai, bé gái trong trang phục bộ đội hải quân đang chơi trò ô quan dưới bóng râm cây Phong Ba. Trong từng ánh mắt nhìn, nụ cười hồn nhiên và cả những cử chỉ gần gũi như đang đón gặp người quen của các em khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở đất liền.

Sau chương trình làm việc chung với đoàn công tác, chúng tôi chủ động bắt chuyện với một người mẹ trẻ đang dắt tay một bé trai chừng hơn 1 tuổi chập chững tập đi ngay sát cột mốc chủ quyền của đảo. Biết chúng tôi là nhà báo, chị vui vẻ tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Thúy Vân, quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và cháu bé con trai chị là Huỳnh Huy An, năm nay vừa tròn 13 tháng tuổi.

Giống như nhiều hộ gia đình khác đang sinh sống tại xã đảo Song Tử Tây, quyết tâm ra lập nghiệp tại Trường Sa của anh chị thể hiện mong muốn được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để bảo vệ và xây dựng đảo ngày càng vững mạnh. Ngày đầu ra đảo sinh sống, anh chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, phần vì điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, tinh thần, phần vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Huỳnh Huy An-công dân nhỏ tuổi nhất của  xã đảo Song Tử Tây.
Huỳnh Huy An-công dân nhỏ tuổi nhất của xã đảo Song Tử Tây.

Chị cho biết: Ngày trước khi mới ra đảo, nỗi nhớ nhà cứ vò xé tâm can chị, phần vì thương con nhỏ phải sống trong điều kiện khó khăn, phần vì chưa quen với nền nếp sinh hoạt tại nơi ở mới. Nhưng rồi dần dần, nhờ có sự động viên của bà con hàng xóm, sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên đảo, cuộc sống gia đình chị ngày một ổn định hơn.

Hiện tại, con trai đầu của anh chị đã học lớp 3 tại một ngôi trường được xây dựng hết sức khang trang trên đảo. Những khi các cháu nhỏ ốm đau đều được cán bộ quân y chăm sóc tận tình. “Mặc dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các cháu nhỏ nơi đây rất ít khi đau ốm. Điều này khác hẳn với khi đang ở đất liền. Bây giờ, xã đảo đã có điện, có sóng điện thoại, nhà chị có dàn máy karaoke hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần cũng đã được cải thiện đáng kể nên rất yên tâm”.- Chị tâm sự.

Việc dạy học cho con em trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thể hiện sự cố gắng vượt bậc của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Do số lượng học sinh ít, lại học rải rác ở nhiều xã đảo nên việc bố trí lớp học được chính quyền nơi đây thực hiện rất linh động. Nghĩa là một phòng học có học sinh của nhiều lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Giáo viên sẽ cùng lúc đảm nhiệm việc truyền đạt kiến thức cho học sinh theo từng cách thức khác nhau tùy thuộc khả năng tiếp thu của học sinh từng lớp.

Dẫu vậy, chất lượng dạy và học nơi đây không hề thua kém so với ở đất liền. Trên đảo Trường Sa - trung tâm huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ cô giáo Bùi Thị Nhung, một giáo viên tiểu học quê ở tỉnh Khánh Hòa. Từng là giáo viên đã được biên chế dạy ở Trường tiểu học Suối Cát thuộc huyện Cam Lâm, nhưng chị vẫn viết đơn tình nguyện ra dạy học cho con em trên đảo với mong muốn mang kiến thức mình học được ra truyền đạt cho con em đang sinh sống nơi huyện đảo xa xôi. Chị tâm sự: Khi gia đình biết chị viết đơn tình nguyện ra đảo, ai nấy đều phản đối. Phần vì sợ điều kiện sống khó khăn, phần vì con nhỏ và xa đất liền.

Gia đình anh anh Hồ Văn Hiền và chị Ngô Thị Kim Úy bên ngôi nhà mới khang trang ở đảo Sinh Tồn.
Gia đình anh anh Hồ Văn Hiền và chị Ngô Thị Kim Úy bên ngôi nhà mới khang trang ở đảo Sinh Tồn.

Thêm vào đó, bạn bè, đồng nghiệp và ngay cả chồng chị cũng kịch liệt can ngăn. Song với quyết tâm cống hiến sức trẻ, hy sinh vì tương lai con em huyện đảo Trường Sa, chị đã thuyết phục được gia đình để rồi một ngày tháng 4 năm 2008, anh chị bồng bế cô con gái lúc ấy chỉ mới hơn 2 tuổi lên tàu vượt biển đến Trường Sa. Giây phút ngỡ ngàng khi lần đầu đặt chân đến Trường Sa khiến chị rất vững tâm.

Khác hẳn với hình dung ban đầu về một hòn đảo nhỏ chỉ có cát san hô, những ngôi nhà lợp tồn nóng bức, không có cây xanh, trước mắt chị là một màu xanh tươi mát của những loại cây đặc thù như Phong Ba, Bão Táp, Bàng vuông và cây Muống biển, những ngôi nhà xây kiên cố, những vườn rau xinh xắn được các chiến sỹ chăm bón cẩn thận... Tất cả tạo cho chị một cảm giác bình yên như đang ở quê nhà. Đã nhiều năm trôi qua, cô con gái của chị giờ đã lớn khôn, khỏe mạnh và học rất giỏi dưới sự dìu dắt của cô giáo và cũng là người sinh thành ra mình.

Trong ngôi nhà mái ngói được xây mới khang trang, cô giáo Nhung tiếp chuyện với chúng tôi bằng những câu chuyện kể về những đổi thay từng ngày trên xã đảo nơi cô đang sinh sống. Trên tay nâng niu những tờ giấy khen - thành tích học tập xuất sắc của cô con gái, chị tâm sự: “Đây chính là niềm động viên lớn lao nhất đối với một người mẹ trẻ như em. Hơn bao giờ hết, giờ đây con gái đã trở thành động lực giúp em không ngừng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để góp phần xây dựng đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung ngày càng vững mạnh”. Có một gia đình hạnh phúc bên người chồng hết mực thương yêu vợ con, một ngôi nhà xây kiên cố, khang trang đầy đủ tiện nghi, cuộc sống của cô giáo Nhung giờ đây chẳng khác nào đang ở đất liền.

Câu chuyện về những người dân tình nguyện ra sinh sống và làm việc tại các đảo trong quần đảo Trường Sa mà chúng tôi có dịp được nghe luôn đầy ắp tinh thần cống hiến, hy sinh vì một mục đích rất đỗi bình thường nhưng vô cùng vinh quang, đó là chung sức bảo vệ và xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh. Còn nhớ, hôm ở đảo Sinh Tồn, trong buổi trò chuyện với gia đình anh Trần Văn Dũng và chị Phan Thị Kim Anh, cả hai vợ chồng luôn “tranh” nhau nói về những thỏa nguyện của cuộc sống gia đình kể từ ngày ra đảo. Khi còn ở đất liền tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, anh chị phải làm thuê làm mướn kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Từ ngày đến xã đảo Sinh Tồn, cuộc sống anh chị khác hẳn. Con cái được đi học gần nhà, khi ốm đau được bác sỹ chăm sóc tận tình, được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi chẳng khác nào ở đất liền. Ngày ngày anh đi biển đánh cá, chị ở nhà chăm đàn gà, trồng mớ rau và bảo ban con học hành tử tế.

Cháu Trần Phan Trọng Nghĩa, con trai của anh chị năm nay học lớp 3, dù đang học bài ở phòng bên cạnh vẫn chạy vội ra khoe: “Cháu đã học lớp 3 rồi, đợt kiểm tra học kỳ vừa qua cháu được 3 điểm 10: Tập làm văn 10, Chính tả 10 và Toán 10. Lớp của cháu có 3 bạn, cả ba năm từ lớp 1 đến lớp 3 cháu đều làm lớp trưởng đấy nhé. Sau này lớn lên cháu muốn trở thành nhà báo như các chú vậy”... Chất giọng Nam Trung bộ được cất lên từ một học sinh lớp 3 đang trong tâm trạng phấn khởi khiến mọi người không nhịn được cười. Chị Kim Anh cho biết ngày trước khi còn ở đất liền cháu Nghĩa rất hay ốm vặt, có khi một tuần phải đưa đi bác sỹ khám hai, ba lần. Vậy mà từ ngày ra đảo cháu ít ốm hẳn, hoạt bát hơn và nói năng cũng “già dặn” hơn.

...Và còn rất nhiều nữa những hộ gia đình tình nguyện vượt khó, vượt biển để đến Trường Sa sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng tôi không thể kể hết ra đây. Họ đã góp phần không nhỏ làm ấm lòng cán bộ, chiến sỹ đang công tác nơi đảo xa bằng chính những hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân quen của cuộc sống thường nhật tưởng chừng chỉ có ở đất liền.

                                                                      Nguyễn Hoàng

                                              Kỳ 3: Lính đảo và những câu chuyện kể