.

Ký sự Trường Sa - Kỳ 1: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương"

Thứ Sáu, 10/05/2013, 15:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Trung tuần tháng tư vừa qua, chúng tôi vinh dự được tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa. Trong số gần 200 thành viên của đoàn công tác có những người lần đầu tiên được đến Trường Sa, cũng có những người đã hai, ba lần đến. Bởi vậy, mỗi thành viên đều mang một tâm trạng, cảm xúc riêng... Tuy nhiên, tất cả đều chung niềm tự hào được đến với một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa muôn trùng sóng nước. Đúng 8 giờ sáng ngày 17-4-2013, con tàu HQ 571 của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân kéo 3 hồi còi dài chào tạm biệt đất liền đưa chúng tôi rời cảng Cát Lái tại thành phố mang tên Bác để đến với Trường Sa thân yêu.

Trước ngày khởi hành, tại nhà khách Hải quân ở số 1A Tôn Đức Thắng, Quận I, thành phố Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi đã được tham gia một buổi họp để nghe phổ biến lịch trình và những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến chuyến công tác ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa cũng như cuộc sống của quân và dân nơi đây.

Trong số 185 thành viên của đoàn công tác có người năm nay tuổi đã ngoài 60, có người vừa qua tuổi 20 nhưng trên nét mặt ai ai cũng ngời lên niềm tự hào về tinh thần công hiến, sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sỹ, quân và dân huyện đảo Trường Sa vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đêm Sài Gòn như dài hơn bởi hầu hết các thành viên tham gia đoàn công tác đều mong trời mau sáng để đến giờ khởi hành đến với Trường Sa một cách sớm nhất...

HQ 571 là một trong những chiếc tàu vận tải quân sự vừa được đóng mới và hạ thủy năm 2012. Sau khi chia tay sông Sài Gòn tại Bãi Giữa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, con tàu vạch một đường thẳng theo hướng Đông đến đảo Song Tử Tây, một trong những đảo nổi có diện tích lớn nằm ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) 445 hải lý, tương đương hơn 800 km. Đứng trên boong tàu nhìn ra xa, biển Đông quá đỗi mênh mông. Con tàu HQ 571 vốn to lớn là thế cũng trở nên nhỏ bé trước đại dương bao la.

Một góc đảo Trường Sa.
Một góc đảo Trường Sa.

Sau gần 50 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, đến sáng ngày 19-4 tàu thả neo để thăm đảo Song Tử Tây. Nhìn từ xa, đảo hiện ra như một vệt xanh kéo dài đến hàng trăm mét, thấp thoảng những ngôi nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi nổi bật trên nền trời xanh - khác hẳn với hình dung của chúng tôi về một nơi chỉ có gió, cát, san hô và nắng. Bởi thế khi đặt chân lên đảo, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với cảm giác rất đỗi thân quen, cảm giác như đang ở trên đất liền bởi màu xanh cây lá và những công trình xây dựng khang trang hiện hữu giữa biển khơi.

Cách đây vừa tròn 38 năm, tháng 4 năm 1975, cũng vào mùa hoa Phong Ba nở thơm khắp đảo, trong hào khí cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng miền Nam, chấp hành mật lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã quyết định dùng các tàu của Đoàn 125 chở bộ đội đặc công Đoàn 126 và một số đơn vị đặc công của Quân khu V ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Song Tử Tây là đảo nổi đầu tiên được bộ đội ta giải phóng. Tiếp đó, ngày 25-4 giải phóng các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết và ngày 29-4-1975, đảo Trường Sa - “thủ phủ của quần đảo Trường Sa” cũng được giải phóng.

Ngay sau khi giải phóng các đảo, bộ đội ta khẩn trương bắt tay vào thu dọn chiến trường, sắp xếp nơi ăn chốn ở, nghiên cứu địa hình địa vật để thực hiện các phương án tác chiến phòng thủ, xây dựng công sự và trận địa mới, tuần tra ngày đêm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành động xâm nhập của bọn phản động và biệt kích. 38 năm sau ngày được giải phóng, với phương châm “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Hải quân công tác tại quần đảo Trường sa đã không ngừng nỗ lực cố gắng khắc phục mọi khó khăn xây dựng các đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan”.

Trồng rau xanh trên Nhà giàn DK Tư Chính.
Trồng rau xanh trên Nhà giàn DK Tư Chính.

Do điều kiện đặc thù, hầu hết các đảo nổi trong quần đảo Trường Sa đều có địa hình trải dài theo trục Đông-Tây. Song Tử Tây cũng không ngoại lệ. Khi các xuồng công tác trên tàu HQ 571 được thả xuống, cánh báo chí chúng tôi được ưu tiên vào đảo trước. Hình ảnh những đàn gà tránh nắng dưới gốc cây Phong Ba, đàn bò thảnh thơi gặm cỏ, tiếng trẻ con nô đùa quanh những bộ bàn ghế đá và cả tiếng chuông chùa phía xa xa... tất cả tạo cho chúng tôi một cảm giác bình yên chẳng khác khi đang ở quê nhà.

Trung tá Đoàn Văn Hành, một người con quê Quảng Bình tình nguyện dẫn chúng tôi dạo một vòng thăm đảo. Anh cho biết: Trên đảo là cát san hô nên hầu hết các loại cây ở đất liền không thể sống được. Màu xanh cây lá trên đảo chủ yếu là các loại cây Phong Ba, Bão Táp, Bàng vuông và cây Muống biển. Bởi vậy, việc trồng rau xanh trên đảo từ lâu đã trở thành một “kỳ tích”. Để trồng được rau xanh, ngay cả đất cũng phải được chở từ đất liền ra, kèm theo là hạt giống các loại như cải, mướp, mồng tơi, bầu, bí...

Nhìn những luống rau xanh mơn mởn có lá rất to, những giàn mướp trổ hoa vàng rực dưới cái nắng như đổ lửa và gió biển mặn chát, chúng tôi khâm phục sự khéo léo và ý chí khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Hàng năm vào quãng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thời tiết Trường Sa ít có mưa nên việc chủ động nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Song lính đảo đã biết vượt lên tất cả để vừa tăng gia sản xuất bảo đảm đời sống, vừa làm tốt công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi đã được nghe lính đảo “mách nước” cho cách tiết kiệm nước có một không hai. Nghĩa là anh em tắm nước biển xong mới dội lại bằng nước ngọt, phía dưới có dụng cụ hứng lại số nước ấy để sử dụng vào việc giặt quần áo, giặt xong lại dùng tiếp lượng nước ấy để tưới rau. Câu chuyện có lẽ chỉ lính Trường Sa mới có.

Chuyện thiếu nước ngọt và kỳ tích trồng rau không chỉ riêng có ở đảo Song Tử Tây. Trong suốt quãng thời gian cùng đoàn công tác thăm các đảo chìm, đảo nổi và nhà gian DK1, chúng tôi đã được chứng kiến những cách làm hết sức sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ, quân và dân huyện đảo Trường Sa. Tại các đảo chìm như Đá Đông, Đá Thị, Đá Lát, Len Đao, Đá Tây... việc tích trữ nước ngọt, trồng rau xanh còn khó khăn hơn nhiều bởi diện tích nhỏ hơn so với các đảo nổi.

Xuồng công tác đưa đại biểu vào thăm đảo Song Tử Tây.
Xuồng công tác đưa đại biểu vào thăm đảo Song Tử Tây.

Để khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sỹ sử dụng các chậu, hộp nhựa, khay nhựa đổ đất vào rồi trồng rau theo lối “đông che hè thoáng”. Nghĩa là những lúc sương muối hoặc không khí lạnh tràn về, những “hộp rau” ấy sẽ được các anh che chắn cẩn thận, thậm chí mang cả vào nhà để chăm chút, khi thời tiết tốt sẽ lại mang ra. Có lẽ bởi sự chăm sóc như chính một phần cuộc sống của mình ấy nên những chậu rau mà các anh trồng luôn bời bời xanh tốt và có lá rất to. Giống như tại các đảo nổi, để tích trữ nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, cán bộ chiến sỹ công tác tại các đảo chìm bố trí mặt bằng hứng nước mưa từ mái nhà thông qua hệ thống ống dẫn đổ vào bể chứa, đồng thời áp dụng phương pháp tiết kiệm nước tối đa nên về cơ bản không thiếu.

Trường Sa sau 38 năm kể từ ngày giải phóng đã có nhiều đổi thay đáng mừng với nhiều công trình xây dựng khang trang như trường học, bệnh xá, chùa chiền... Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân trong một lần trò chuyện với chúng tôi đã tâm sự: Chính tình yêu quê hương và ý chí kiên định vượt khó, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Trường Sa đến từ mọi miền đất nước bám sát phương châm “đảo là nhà, biển cả là quê hương” đã không ngừng nỗ lực cố gắng phát huy truyền thống chống, thắng giặc, xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh về mọi mặt, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Quần đảo Trường Sa từ lâu đã trở thành nơi neo đậu tàu thuyền trú bão, hỗ trợ lương thực, cấp cứu và bảo vệ  ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực.

Những năm trở lại đây, trên hầu khắp các đảo đã có điện pin năng lượng mặt trời, điện gió, sóng điện thoại di động. Còn nhớ hôm đến thăm đảo Song Tử Tây, buổi trưa trời nắng như đổ lửa, sau khi ăn vội bát cơm cùng đoàn công tác, chúng tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa đến thăm một số chiến sỹ con em Quảng Bình. Chiến sỹ Trương Minh Phúc quê xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng rộng và rất gọn gàng. Thấy tôi vã mồ hôi vì nóng, Phúc liền lấy chiếc quạt bật lên và buông một câu nói vui: “Bây giờ tiện nghi đầy đủ rồi, anh cứ hỏi chuyện thoải mái và tận hưởng như... ở nhà”. Nói rồi Phúc đưa ánh mắt tinh nghịch nhìn sang các đồng đội khiến cả phòng cười vang.

                                                                    Nguyễn Hoàng

                                                            Kỳ 2: Những công dân Trường Sa