.

Ngày mới ở Trường Sa - Kỳ 1: Nhiệt huyết của cán bộ trẻ

Thứ Sáu, 21/06/2013, 13:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Với chúng tôi, những phóng viên trẻ vinh dự được đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa luôn mang một cảm xúc tự hào khó tả. Trường Sa giờ đã khác trước nhiều. Trên hầu hết các đảo, nhà giàn đều đã có điện năng lượng mặt trời, điện gió; có đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, đủ sức đảm nhận những cương vị công tác khó để chung tay xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh. Trường Sa đang bừng lên sắc diện mới...

 

Cùng với lớp cán bộ trẻ, những chiến sỹ Hải quân đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với lớp cán bộ trẻ, những chiến sỹ Hải quân đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Khác xa với những năm về trước, giờ đây, tại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa đã có một lớp cán bộ trẻ thế hệ 8X năng động, đầy nhiệt huyết. Nếu như đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân tại các đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn nhiệt tình giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ, trở thành “điểm tựa” vững chắc cho họ trong những chuyến khơi xa thì lớp cán bộ trẻ tại các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa luôn thể hiện bản lĩnh, sự năng động, nhiệt huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao phó; họ gắn bó mật thiết với nhân dân, đem lại niềm tin cho bà con huyện đảo.

Trong ngôi nhà mới được xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi thiết yếu, Nguyễn Quốc Thiện, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm ngày đầu mới ra đảo. Cũng như các đảo chìm, đảo nổi khác trong quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa không có điện. Bởi vậy, các mặt sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sỹ, quân và dân trên đảo gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó là hệ thống thông tin liên lạc hạn chế nên khoảng cách địa lý giữa các đảo với đất liền như càng thêm xa.

Dẫu vậy, với tinh thần xung kích vượt khó, Thiện đã cùng với quân và dân huyện đảo nỗ lực cố gắng khắc phục mọi khó khăn với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, xây dựng Trường Sa không ngừng lớn mạnh. Sinh năm 1980, Nguyễn Quốc Thiện là thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm cán bộ trẻ ra công tác tại huyện đảo Trường Sa. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, trở về quê nhà, Thiện được nhận vào làm việc tại Công ty Chế biến hải sản ở Nha Trang, phụ trách khâu chê biến hải sản; tham gia phong trào Thanh niên tình nguyện giúp bà con dân tộc 14 xã miền núi tỉnh Khánh Hòa trước khi đến với Trường Sa.

Sau nhiều năm công tác ở các cương vị cán bộ văn hóa - xã hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thị trấn, giờ đây, được sự tín nhiệm của cán bộ, chiến sỹ, quân và dân thị trấn, Thiện đã được bố trí giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn.

Hầu hết cán bộ trẻ và rất năng động của thị trấn Trường Sa đều có tuổi đời rất trẻ. Người lớn tuổi nhất cũng chỉ ngoài ba mươi. Nguyễn Văn Quảng, thành viên thứ hai giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa tâm sự: “Sau hơn 3 năm kể từ ngày ra với Trường Sa, mình mới xin nghỉ phép hai tháng về quê ở xã Vĩnh Trung, ngoại thành Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, làm nhà cấp bốn để vợ con ra riêng. Chỗ ở sắp hoàn chỉnh thì không may bà xã bị tai nạn giao thông gãy ba xương sườn, chữa trị xong, lại tiếp tục ở tạm nhà ông bà ngoại tại xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh để tiện nhờ giúp đỡ. Hai đứa con còn nhỏ của mình cũng đang ở đây, bé gái đầu Nguyễn Thị Hồng Vân đang học lớp 3, bé trai mới hơn 3 tuổi”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà cho quân và dân xã đảo Song Tử Tây.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng quà cho quân và dân xã đảo Song Tử Tây.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Quảng cho hay về cơ duyên đến với Trường Sa... Năm 2003, anh tốt nghiệp cử nhân khoa Kế toán Trường đại học Thủy sản Nha Trang, rồi tình nguyện tham gia phong trào Thanh niên tình nguyện do Tỉnh đoàn Khánh Hòa phát động. Không lâu sau, Quảng được tín nhiệm giữ chức Đội trưởng Thanh niên tình nguyện huyện miền núi Khánh Vĩnh. 5 năm ở cương vị công tác này, Quảng đã cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên tích cực hỗ trợ bà con dân tộc Rắc- lây thay đổi phương thức sản xuất như trồng lúa nước, trồng keo, tràm ở đồi rẫy hoang hóa; ổn định cuộc sống định canh định cư. Hết lên rừng lại xuống biển, Quảng là một trong số 5 đảng viên trẻ tình nguyện ra Trường Sa công tác vào năm 2008.

Từng đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN  thị trấn Trường Sa, sau nhiều năm công tác, anh đã làm tốt vai trò “hạt nhân” đoàn kết, vận động các tổ chức, đoàn thể tham gia tích cực mọi hoạt động phong trào của quân và dân trên đảo; vận dụng sở trường phụ giúp “kiêm” kế toán UBND thị trấn lo chu toàn chế độ, đời sống cho bà con. Quảng vừa được lãnh đạo huyện Trường Sa phân công giữ cương vị mới: Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa.

Cùng đến Trường Sa với Thiện, Quảng còn có Lê Minh Cảnh (sinh năm 1986), quê ở huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Cảnh tốt nghiệp đại học, lăn lộn huyện miền núi Khánh Sơn 3 năm với trọng trách Đội phó thanh niên tình nguyện. Anh lập gia đình với cô giáo Trường mầm non Họa Mi ở đây được 6 tháng thì tình nguyện ra Trường Sa công tác. Hiện anh là Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thị trấn Trường Sa kiêm cán bộ địa chính. Đội ngũ cán bộ trẻ tăng cường công tác tại huyện đảo Trường Sa không nhiều. Đó là những cái tên như Phạm Gia Huy (sinh năm 1985) với vai trò Bí thư Đoàn TNCS HCM thị trấn, cán bộ Văn phòng UBND; Trương Xứ Long (sinh năm 1987), Chủ tịch MTTQVN xã Song Tử Tây...

Thế hệ tương lai của huyện đảo Trường Sa bên cột mốc chủ quyền xã đảo Sinh Tồn.
Thế hệ tương lai của huyện đảo Trường Sa bên cột mốc chủ quyền xã đảo Sinh Tồn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, các cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết của các xã, thị trấn trong quần đảo Trường Sa luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đều muốn góp sức trẻ của mình xây dựng quê hương mới và gắn bó lâu dài với đảo nhỏ thân yêu. Bởi vậy, ở thị trấn Trường Sa, cán bộ tăng cường chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ kiêm nhiệm nhiều việc để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; vừa giữ trung tâm đầu mối giao lưu tình quân dân trên đảo.

Thị trấn Trường Sa giờ đây đã hình thành các tổ chức chính trị - xã hội như: Chi bộ, UBND, Ủy ban MTTQVN, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Chi đoàn Thanh niên..., tất cả đều hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả cao cho người dân về hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Các chi hội tổ chức sinh hoạt đều đặn, cập nhật thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo cho bà con nắm bắt; đồng thời hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho hội viên gặp khó khăn, được bà con tin tưởng...

Bộ mặt các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa giờ đây đã đổi khác với đầy đủ các yêu cầu thiết yếu, cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu đời sống người dân trên đảo. Thời gian rảnh rỗi cuối tuần, các cán bộ trẻ còn giúp bà con trồng rau xanh, cùng một số ngư dân ra ven bờ đánh bắt hải sản để có thêm thực phẩm tươi cải thiện đời sống; nhiều lúc kiêm thêm việc dạy học cho học sinh tiểu học khi có nhu cầu. Với tinh thần xung kích tình nguyện, họ đã làm hết trách nhiệm của mình, gắn bó mật thiết người dân nơi đảo xa.

“Chúng em chỉ mong góp chút sức trẻ của mình phục vụ người dân nơi vùng biển đảo xa xôi, có nghĩa gì đâu so với công lao cha anh ngày trước không ngại hy sinh bảo vệ, giữ gìn mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió”. - Nguyễn Quốc Thiện bày tỏ chân tình.

Vượt lên tất cả những khó khăn, thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, những cán bộ trẻ thị trấn Trường Sa đang lặng thầm nguyện cống hiến tuổi xuân của mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

                                                                              Nguyễn Hoàng