.

Những chuyện nhặt ở An Mã...

Thứ Sáu, 14/06/2013, 16:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ một cú điện thoại của anh bạn ở Văn Thuỷ, một chút tò mò, một chút máu nghề, tôi đã ngược lên Lệ Thuỷ đến với hồ chứa An Mã. Là hồ chứa có dung tích lớn nhất ở Lệ Thuỷ với 64 triệu m3 nước, nguồn nước ngọt lành này tiếp sức cho những cánh đồng ở Lệ Thuỷ, làm dịu mát một vùng đồi núi bao la lâu nay khô khát... Và chuyến đi để lại cho chúng tôi không ít cảm xúc nơi mảnh đất phía tây nam huyện này...

Từ quê tôi nhìn vào phía nam trong ánh chiều, mấy ngọn đồi lô nhô màu nâu sẫm khác lạ với những vùng núi rừng xanh ngát xung quanh, đó là núi An Mã. An Mã nằm trên địa phận xã Văn Thuỷ. Hồ chứa An Mã có lẽ xây dựng gần đây nên nó được mang luôn cái tên... này.

Từ nhỏ tôi đã thắc mắc, tại sao núi An Mã lại có màu khác lạ? Có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng xem ra chưa thật sự thuyết phục. Lớn lên khi đặt chân đến đây, tôi tự tìm lấy câu trả lời từ những bụi sim, mua và đá... Đấy là chuyện ngày xưa, lâu lắm rồi. Bây giờ mấy ngọn An Mã ngút xanh rừng trồng đã lý giải chính xác điều thắc mắc của tôi một thuở xa lắc. Cũng còn có chuyện đồn đại rằng xưa kia mộ của gia đình Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ Việt Nam cộng hoà ở miền Nam những năm sáu mươi của thế kỷ trước, táng trên mỏm núi cao này... 

Bây giờ đứng trên đỉnh An Mã, trong tầm mắt là màu xanh của non nước, của nước hồ An Mã bao la... Có lẽ nhiều người thắc mắc về cái "công năng" của hồ chứa này? Thật đơn giản với những người dân vùng giữa huyện Lệ Thuỷ, nhưng với những người khác là hơi lạ. Bởi hồ An Mã hầu như không có hệ thống kênh dẫn nước (chính xác là có kênh dẫn nhưng chỉ tưới cho một diện tích rất nhỏ...) như một hồ chứa thuỷ lợi truyền thống, mà nước lại chảy trở lại sông Rào Con như chuyện dã tràng?

Rào Con là một nhánh của sông Kiến Giang. Kiến Giang có hai nhánh chính là Rào Con và Rào Mệ (có nơi gọi là Rào Nậy). Rào Con ở về phía nam, còn Rào Mệ ở phía tây. Hiển nhiên theo cách gọi cũng đã thể hiện rõ nhánh sông nào lớn hơn. Rào Mệ với lưu vực rộng lớn kéo sang tận biên giới Việt - Lào, sở hữu vùng rừng núi hùng vĩ. Còn Rào Con đi qua vùng rừng nghèo, trung du... nhỏ hẹp hơn.

Hồ nước mênh mang và những
Hồ nước mênh mang và những "cù lao" quyến rũ.

Đến khu vực An Sinh, cuối xã Trường Thuỷ, hai nhánh sông hợp làm một ở Trục Vực xuôi về vùng Giữa. Có lẽ cũng cần nói đôi chút về Trục Vực. Là nơi hai nhánh sông Kiến Giang gặp nhau, nhưng cũng là chỗ cua ngoặt của dòng sông này, mặt đối diện là núi cao, vách đá nên đã tạo nên sự hỗn lưu, dòng chảy xoáy, chảy xiết nhất là về mùa lũ đã tạo nên một vực sâu thẳm... Chuyện đồn rằng, lúc đi qua đây vua Hàm Nghi đã thả xuống vực này nhiều báu vật cho đỡ nặng gánh trong chuyến trường chinh ra phía bắc kháng Pháp...

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ý tưởng chinh phục sông Kiến Giang để hạn chế lũ lụt cho hạ du đã được đề cập đến. Lệ Thuỷ và cả một phần của Quảng Ninh như cái lòng chảo khổng lồ. Mùa mưa nước "tự có" do mưa lớn cùng với nước từ nguồn sông Kiến Giang đổ về, tụ lại thành lũ, lụt... Chế ngự lũ là ước mơ có phần xa xỉ của người dân nơi đây, nhưng có cơ sở hiện thực và khoa học. Nhưng ngặt một nỗi vì chiến tranh và cả vì nghèo khó nên mọi chuyện đành gác lại. Khi ấy, ý tưởng ngăn dòng Kiến Giang ở Bang, tạo hồ chứa có dung tích gần 400 triệu m3 nước...Với lượng nước mà nó tích được sẽ làm hạ thấp khoảng gần một mét nước mùa lũ ở vùng Giữa Lệ Thuỷ...

Mãi đến cuối thế kỷ 20, một ý tưởng khác thuần tuý cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lại được khởi động nơi đây. Vào năm 1999, hồ chứa An Mã mới được khởi công ngăn dòng Rào Con và tích nước vào mùa mưa năm 2001. Năm ấy lũ lớn, người dân Lệ Thuỷ hoảng hốt bởi những tin đồn, rằng có vết nứt rất lớn ở đập, nếu vỡ đập nhiều vùng dân cư gần đập sẽ trôi theo dòng nước và cả Lệ Thuỷ sẽ ngập sâu trong biển nước... Nhưng rồi vết nứt chẳng hề có và đập An Mã sừng sững chắn dòng Rào Con tạo nên một hồ trên núi hơn một thập kỷ qua.

Quả là sự lao động sáng tạo của con người làm nên những điều kỳ diệu, hồ nước An Mã mênh mông, trải dài tít tắp...Trong những ngày nắng lửa, nước hồ như trong xanh hơn, mặt hồ phẳng lặng êm ái và thực sự mát lành. Trên hồ có hàng chục cù lao như những hòn đảo nhỏ điểm tô cho hồ thêm phần lãng mạn... Tại chân đập phía đông có một quán giải khát nhỏ. Chủ quán là một phụ nữ đứng tuổi, vừa thấy chúng tôi liền đon đả: Mấy chú đi mô? Mấy người, có cần "em út" đi kèm không? Có thông tin trước về hoạt động "vui vẻ" ở đây nhưng tôi cũng khá bất ngờ với kiểu "tiếp văn" bộc trực này. Giả vờ như không hiểu, tôi liền được chủ quán tiếp thị cặn kẽ, kể cả giá của "em út"...

Những chiếc thuyền máy như thế này sẽ đưa du khách đi khắp trên hồ.
Những chiếc thuyền máy như thế này sẽ đưa du khách đi khắp trên hồ.

Chúng tôi chỉ một chiếc đò gắn máy trong số dăm chiếc trên bến và yêu cầu sang một đảo bất kỳ và phân bua rằng chúng tôi đi chuyến này là đi "đạp cội", chuyến sau mới chính thức, nên không cần có "em út" đi kèm. Ông Trần Văn Chương chủ đò cho biết cụ thể về giá cả. Nếu đi qua rồi về liền giá 50 ngàn đồng, nếu phải đợi trên 2 tiếng đồng hồ giá là 100 ngàn. Những đảo xa hơn giá nhích lên theo cự ly... Ông Chương cho biết, vào dịp cuối tuần khách đến đây đông hơn, trên hồ có khoảng 15 chiếc thuyền máy phục vụ khách. Chiếc thuyền máy sau hai cái giật khởi động của chủ, rồ lên rẽ nước băng ra giữa hồ. Vâng, sông nước không xa lạ với chúng tôi, nhưng được lướt sóng giữa trời cao lồng lộng, nước xanh trong mát rượi, trong tầm mắt là rừng xanh thẳm... mới thú vị làm sao.

Chừng mười lăm phút sau chúng tôi đã ghé vào một cù lao. Ông Chương cho biết có cả thảy 26 cù lao lớn nhỏ trên hồ. Nếu đi hết chiều dài của hồ bằng thuyền máy loại vừa như chúng tôi đang sử dụng đây phải mất hai tiếng đồng hồ... Trên cù lao, cây cối rậm rạp, chủ yếu là cây tràm và dấu tích của các cuộc vui chơi còn vương vãi. Trong cảnh trời mây, sông nước và núi non này chúng tôi lại nghĩ, thật là thú vị nếu được picníc giữa cù lao này trong những ngày hè nóng nực... Và, nếu ở các cù lao này đầu tư thêm một vài chi tiết như có cây cổ thụ, có bãi, lều... sẽ là điểm đến của nhiều người.

Trên mặt hồ thỉnh thoảng lại bắt gặp những lùm cỏ tươi xanh khác lạ, được ông Chương giải thích đó là mồi nhử cá. Và câu chuyện lại chuyển sang đánh bắt cá trên hồ. Ông Chương cho biết, cá ở đây nhiều và cá rất lớn, có lần người ta bắt được con cá nặng đến 30 kg, tuyền cá mè, trắm. Cách đánh bắt chủ yếu là câu. Vì sao? Ông Chương nói, cây cối dưới lòng hồ nhiều lắm không dùng được lưới! Việc câu cá cũng khá độc đáo, trước hết người ta tạo những đám cỏ như chúng tôi vừa thấy, bỏ mồi xung quanh đám cỏ tập cá làm quen với việc ăn sẵn. Thời gian tập cho cá như vậy độ 3 ngày sau đó thả mồi có sẵn lưỡi câu để bắt cá...

Lan man chuyện cá, câu, thuyền chúng tôi đã cập chân đập. Tại cống chính của hồ chứa nước tuôn xối xả. Anh Mai Thế Sâm, Cụm trưởng thuỷ nông An Mã cho hay, từ ngày 18-5 cống xả đã bắt đầu hoạt động với lưu tốc 5 m3/s để cấp nước cho sản xuất ở vùng Giữa. Lúc này lòng hồ dung tích nước đạt 58,6 triệu m3. Có lẽ cái cách mà An Mã làm cũng khá kỳ lạ, nước được "thả" xuống dòng Kiến Giang để các trạm bơm bơm lên đồng... Tại sao lại như vậy mà không thiết kế hệ thống kênh dẫn? Bởi đó là đáp án tối ưu của bài toán kinh tế trong việc cấp nước cho vùng lúa ở đây.

Sự hiện diện của hồ chứa An Mã đã chấm dứt nạn hạn khô dòng Kiến Giang như nhiều năm trong lịch sử và còn một điều nữa, nỗi lo không được bơi đua dịp 2-9 cũng vĩnh viễn lùi về quá khứ... Theo anh Sâm,  nước từ hồ vẫn thường xuyên xả ra sông Rào Con lúc lớn nhất lên đến 12 m3/s. Ngoài mục tiêu phục vụ sản xuất, An Mã còn có trọng trách phân lũ cho hạ du, vì vậy việc xả nước hạ thấp lòng hồ là việc làm định kỳ để mùa mưa nó lại tiếp nhận lượng nước khác từ đầu nguồn...

Rời An Mã trong miên man gió, nắng và cả những điều thoảng qua chưa lấy gì làm vui pha một chút nhức nhối mơ hồ...Nhưng tôi tin rằng, nơi đây có những tiềm năng cho những hướng đi tích cực, tốt đẹp cần được khai thác ngoài dòng nước mát lành làm mẩy hạt lúa của người nông dân Lệ Thuỷ...

                                                                                Văn Hoàng