.

"Kình ngư" đạp bằng sóng dữ!

Thứ Bảy, 15/06/2013, 12:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Tranh thủ tuần trăng, hò hẹn mãi tôi mới gặp được những người "đi trên biển thì nhớ đất liền, mà lên bờ thì lòng chênh chao nhớ sóng" như lời "tự thú" rất lãng mạn của họ, những người được mệnh danh là "kình ngư" trên biển. Tham gia đánh bắt ở ngư trường xa, họ ngày đêm đối mặt với bao hiểm nguy, nhưng sau mỗi chuyến ra khơi, họ lại trở về cùng những con tàu đầy ắp cá. Và song hành cùng họ là niềm tự hào, là sự vững tin vào chủ quyền biển đảo quê hương trong mỗi chuyến ra khơi...

"Sợ chi sóng gió, tàu bay..."

Nếu Đức Trạch (Bố Trạch) là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số tàu cá tham gia đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1975) là gương mặt tiêu biểu của đội tàu này. Năm 2012, anh lập kỷ lục với 10 chuyến đánh bắt tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cũng từ những chuyến đánh bắt ấy, anh đã mang về thu nhập hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8 thuyền viên với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng...

Trong cuộc chuyện trò cùng anh và những "kình ngư" làng biển Đức Trạch, họ đã kể cho tôi nghe những hiểm nguy mà ngư dân phải đối mặt khi tham gia đánh bắt ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. "Mỗi chuyến đi biển xa kéo dài khoảng 21 - 23 ngày. Bọn tui neo tàu ở Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng ra đến vùng biển đánh bắt khoảng 260 hải lý. Sóng yên biển lặng thì tầm 40 tiếng sẽ đến ngư trường...", anh Trung kể.

Tiếp lời anh Trung, anh Nguyễn Xuân Đức, chủ tàu cá mang số hiệu QB 92418, nói: "Chuyến vừa rồi có lẽ là chuyến căng thẳng nhất. Biển xa, nước sâu sóng dữ, để neo tàu cũng đã khó, chưa kể việc tàu hải giám và máy bay Trung Quốc liên tục quần đảo rồi tàu cá của ngư dân nước họ được trang bị rất hiện đại cũng thường xuyên gây khó dễ cho tàu của ta. Nhưng "sợ chi sóng gió, tàu bay", tui và các anh em thuyền viên vẫn kiên cường bám ngư trường...".

Những
Những "kình ngư" chinh phục biển xa.

Câu chuyện mỗi lúc một sôi nổi hơn bởi sự góp mặt của những "kình ngư" làng biển Đức Trạch như Nguyễn Dôn, chủ tàu QB 92143; Phạm Xuân Thành, chủ tàu QB 92048; Nguyễn Văn Thắng, thuyền viên tàu QB 92738... Tham gia khai thác ở ngư trường này, họ không chỉ phải vững vàng tay lái của mình trước sóng gió thiên nhiên, mà còn phải thể hiện bản lĩnh của mình trước sự gây hấn, quấy rối của "tàu lạ" để có thể bảo toàn tính mạng, tài sản, đồng thời góp phần khẳng định được chủ quyền của biển đảo quê hương.

Rời Đức Trạch, chúng tôi về Cảnh Dương (Quảng Trạch). Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây, ông chủ tàu QB 93425 Đậu Văn Thanh (sinh năm 1978) tâm sự: "Biển xa lắm tôm, nhiều cá nhưng hiểm nguy cũng nhiều. Dù vậy, anh em chúng tôi vẫn kiên quyết bám ngư trường. Năm ngoái, tàu của tôi chỉ mới tham gia hai chuyến. Dự kiến năm nay tối thiểu sẽ có từ 4 - 5 chuyến đi biển xa!". Sự gan dạ, dũng cảm đã giúp ông chủ trẻ Đậu Văn Thanh cùng các thuyền viên có nhiều mẻ lưới thắng lợi.

Như minh họa cho lời "ông chủ" của mình, anh Bùi Văn Hoài, thuyền viên, rủ rỉ kể: "Tui quê bên kia Đèo Ngang, là xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đó. Nhà có mấy sào ruộng, làm quanh năm cũng không đủ ăn. May nhờ vượt Đèo Ngang vô đầu quân cho tàu anh Thanh nên cuộc sống gia đình tui cũng đã ổn định với thu nhập đi biển của tui khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng!".

Còn anh Trịnh Xuân Nhỏ (sinh năm 1971), người có thâm niên gần 30 năm đi biển, trong đó khoảng 20 năm tham gia đánh bắt tại các ngư trường xa như vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa, thì sôi nổi: "Đi đánh cá mà máy bay Trung Quốc không ngừng quần đảo trên đầu, rồi tàu hải giám chạy vòng quanh khiến biển sâu cũng đầy sóng bạc đầu, tự nhiên tui thấy mình... oai hẳn. Chưa kể việc phải thường xuyên đối phó với tàu cá được trang bị máy móc, ngư lưới cụ hiện đại của Trung Quốc nữa. Nếu nói mỗi chuyến đi biển là một cuộc chiến cũng không sai!".

Còn người dân xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) vẫn chưa quên chuyện tàu cá mang số hiệu QB 93768 TS của anh Lê Văn Chiến gặp sự cố ở tọa độ 16,57 độ vĩ bắc, 109,46 độ kinh đông, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 120 hải lý vào ngày 28-5-2013. Bị tàu Trung Quốc áp sát quấy nhiễu, dùng vòi rồng phun nước, anh Chiến vẫn bình tĩnh chỉ huy con tàu tránh được sự gây hấn của tàu Trung Quốc. Sau sự cố, tàu anh Chiến vẫn tiếp tục hành trình. Gọi điện về cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Bình, anh khảng khái "Mạ yên tâm đi. Biển mình, mình đánh bắt, sợ chi!".

Tình người trên biển

Không chỉ là một ngư dân lão luyện, Nguyễn Đức Trung, chủ tàu QB 92699 ở Đức Trạch còn giữ vai trò tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển gồm 11 tàu cá với trên 70 thành viên. Mô hình tổ đoàn kết trên biển của ngư dân Đức Trạch đã phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngư dân thực sự là một người lính trên mặt trận khai thác hải sản, đặc biệt là ở những ngư trường xa.

Lênh đênh trên biển, nhưng mỗi một ngư dân luôn biết rõ đồng đội của mình đang đánh bắt ở đâu để sẵn sàng xuất hiện và hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố. Sức mạnh của sự đoàn kết đã giúp họ vượt qua mưa bão, gió mùa, tố lốc, rồi "tàu lạ" quấy nhiễu, để cập bến an toàn sau mỗi chuyến ra khơi... Chuyện những con tàu "dìu" nhau vượt qua sóng gió hay ngư dân xả thân cứu tàu và thuyền viên bị nạn đã trở thành "chuyện thường ngày trên biển".

Không chỉ giúp nhau vượt qua những khó khăn, gian khổ trên biển, trong mỗi chuyến ra khơi với gần cả tháng trời lênh đênh trên biển ấy, họ, có khi chỉ trao nhau điếu thuốc lá hay đôi lời tâm sự chuyện nhà cửa, vợ con, dường như cũng đủ để sợi dây tình cảm ngày càng thêm gắn bó.

Đội tàu đánh bắt xa bờ của xã Đức Trạch.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của xã Đức Trạch.

Và nếu ngày xưa, khi hệ thống thông tin liên lạc chưa hiện đại như bây giờ, có không ít tâm hồn nhạy cảm chợt thấy cô đơn khi đất liền xa vời vợi. Nhưng bây giờ, với hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, mỗi một ngư dân có thể dễ dàng lắng nghe những âm thanh rộn rã của đất liền, nơi có mẹ cha, vợ con họ đang hàng ngày dõi theo. Và khi sự cố xảy ra, thì họ có thể gọi ngay cho đất liền để được tiếp thêm sức mạnh vượt qua bão tố...

Mong ước của "kình ngư"

Sở hữu những con tàu được trang bị máy móc, ngư lưới cụ hiện đại trị giá hàng tỷ đồng, mỗi năm mang về doanh thu tương đương, nhưng cũng không ít chủ tàu gặp khó khăn. "Để thực sự vươn khơi, làm chủ biển xa, chúng tôi cần phải nâng cấp tàu và máy móc với công suất lớn hơn. Ngư lưới cụ cũng phải đáp ứng được tiêu chuẩn tiên tiến và hiện đại thì việc khai thác mới mang lại hiệu quả cao!", đấy là lời tâm sự của hầu hết những "kình ngư" mà tôi đã gặp. Và để làm được điều đó, hầu hết trong số họ đều phải thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay vốn. Một con tàu có công suất khoảng 500 CV trở lên là niềm mơ ước, khát khao của không ít ngư dân. Và để làm được điều đó, họ cần được vay vốn với lãi suất ưu đãi, cần sự chung tay hỗ trợ của các ngành chức năng...

Anh Đậu Văn Thành, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết: "Để tham gia đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tôi đã phải gom góp hết vốn liếng rồi vay mượn thêm anh em, bạn bè để nâng cấp máy móc, trang thiết bị mới có thể tự tin vươn khơi!".

Còn anh Nguyễn Xuân Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) khi biết bạn của mình là Nguyễn Dôn ngại trả lời phỏng vấn, đã gọi điện cho bạn với nội dung: "Đến ngay nhà văn hóa thôn để đề xuất việc vay vốn ưu đãi, cán bộ ngân hàng đang ở đây, nhanh lên nhé!". Thế là chỉ chưa đầy năm phút sau, "kình ngư" Nguyễn Dôn đã có mặt. Khi nghe tôi giới thiệu và biết mình bị bạn "chơi khăm", anh cười ngượng nghịu: "Đấy, chị thấy chưa. Gọi đến để vay vốn ưu đãi, đố ai mà không đi!". Tất cả chúng tôi cùng cười. Và sau câu chuyện đùa vui ấy, tôi chợt cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ về niềm mong ước của những "kình ngư" đang mỗi ngày đạp bằng sóng dữ...

Khi bài viết này lên khuôn, thì những "kình ngư" của biển như Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Dôn, Phạm Xuân Thành, Nguyễn Văn Thắng, Đậu Văn Thành, Bùi Văn Hoài, Trịnh Xuân Nhỏ, Lê Văn Chiến... cùng hàng trăm, hàng nghìn ngư dân tham gia khai thác ở ngư trường xa của tỉnh ta, lại chuẩn bị cập bến sau hơn hai mươi ngày vươn khơi.

Tính ra mỗi năm họ chỉ ở trên đất liền khoảng ba tháng. 9 tháng còn lại, họ gắn bó với biển, đương đầu với sóng dữ để mang về những mùa cá bội thu. Và không chỉ mang lại nguồn lợi từ biển, họ đã và đang góp phần quan trọng trong việc khẳng định và giữ gìn chủ quyền biển đảo, như trăm năm, nghìn năm trước, bao thế hệ cha anh đã quyết tâm gìn giữ...

                                                                                 Ngọc Mai