.

Ký sự Trường Sa - Kỳ 4: Người Quảng Bình ở Trường Sa

Thứ Tư, 15/05/2013, 06:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Một điều khiến các thành viên tham gia đoàn công tác của tỉnh ta hết sức tự hào là tại hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có con em Quảng Bình đang làm nhiệm vụ. Ngoài chương trình làm việc, thăm và tặng quà cho các đảo, đoàn cán bộ tỉnh ta còn dành thời gian để thăm hỏi, động viên con em quê hương đang công tác tại đây. Đối với các cán bộ, chiến sỹ, được gặp gỡ, nghe và nói chuyện với đồng hương nơi đảo xa là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp họ thêm vững tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

>> Kỳ 3: Lính đảo và những câu chuyện kể

>> Kỳ 2: Những công dân Trường Sa

>> Kỳ 1: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương"

Tại các đảo nơi đoàn đến thăm, cánh báo chí chúng tôi được ưu tiên vào trước. Việc làm đầu tiên của chúng tôi là tìm gặp những cán bộ, chiến sỹ quê Quảng Bình đang làm nhiệm vụ tại đây. Hôm ở đảo Sơn Ca, chúng tôi đã bất ngờ gặp được một xạ thủ pháo "trăm phát trăm trúng điểm 10", đó là trung úy Phạm Văn Đệ. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết quê anh ở thôn 4, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa). Từng có 15 năm trong quân ngũ và tham gia công tác tại nhiều đảo chìm, đảo nổi trong quần đảo Trường Sa.

Ở cương vị công tác nào, Đệ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành gương sáng cho cán bộ, chiến sỹ học tập. Ở quê nhà, vợ anh, chị Lê Thị Quy một mình tần tảo nuôi hai con nhỏ để anh yên tâm công tác. Đến đây, chúng tôi sực nhớ ra là đã có dịp theo đoàn của lãnh đạo tỉnh đến thăm, động viên và tặng quà cho gia đình anh nhân dịp Tết cổ truyền 2013 vừa qua. Đã nhiều năm không về ăn Tết với gia đình, nghe chúng tôi nhắc đến hình ảnh ngôi nhà vừa được nâng cấp khang trang hơn, con đường đã được lát xi măng sạch sẽ, hai cháu nhỏ tự hào khoe tấm ảnh bố trong bộ quân phục hải quân... anh xúc động đến rơi nước mắt.

Qua chúng tôi, anh gửi lời hỏi thăm gia đình và nhắn vợ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe để nuôi dạy con nên người. Anh ở Trường Sa vẫn khỏe, công tác tốt. “Dù đã 3 cái Tết anh không về được với em, với con nhưng nơi đây, anh luôn nhớ em, nhớ con vô cùng. Vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hãy là điểm tựa tinh thần vững chắc để anh yên tâm công tác, nghe em”... Vâng, vì nhiệm vụ, những người con Quảng Bình đang công tác nơi hải đảo xa xôi vẫn ngày đêm vững chắc tay súng, phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi" giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các thành viên đoàn công tác của tỉnh trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ con em Quảng Bình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các thành viên đoàn công tác của tỉnh trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ con em Quảng Bình.

Cũng tại đảo Sơn Ca, chúng tôi còn có dịp gặp gỡ với một chiến sỹ trẻ khác quê Quảng Bình, đó là Trần Đình Trình ở thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy). Trình kể: Vừa tốt nghiệp THPT, em vào quân ngũ. Sau nhiều tháng huấn luyện tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), em tình nguyện xin ra công tác tại đảo Sơn Ca. Dẫu vậy, những ngày đầu ra đảo em nhớ nhà da diết nhưng rồi dần dần, nhờ có sự động viên của chỉ huy đảo và đồng đội, nỗi nhớ nhà vơi đi. Thay vào đó là những mùa huấn luyện nối tiếp nhau giúp em vững vàng hơn. Giờ đây em đã quen với cuộc sống trên đảo, bên đồng đội thân yêu, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.

Ngồi cạnh Trình dưới bóng râm cây Phong Ba, nghe em kể chuyện, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng, dù cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng những người con quê Quảng Bình vẫn hết sức lạc quan. Hãy nghe chiến sỹ Trình ngâm bài thơ "Mưa Trường Sa": Dù gió giật mưa xối từng cơn/Người lính đảo vẫn kiên cường bám trụ/Giọt mưa về cho mầm non đang nhú/Sẽ phủ đầy đảo một màu xanh.

Đá Đông là đảo chìm nằm trên một vành đai san hô khép kín. Trên đảo có nhà lâu bền vừa là nơi học tập, sinh hoạt, ăn nghỉ, vừa là công trình chiến đấu phòng thủ đảo. Trong số những chiến sỹ đang công tác tại đảo có Trung úy Nguyễn Mạnh Vũ quê ở thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh (Quảng Ninh). Anh đã xúc động đến rơi nước mắt khi nghe tôi thông báo có đoàn Quảng Bình ra thăm đảo. Bất ngờ hơn, anh còn được gặp gỡ người chị hết mực thương yêu mà đã hơn 10 năm xa cách.

Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Chị em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Họ ngồi bên nhau, những lời động viên, chia sẻ và cả những vui buồn trong cuộc sống, công tác của hai chị em cứ hiển hiện dần qua từng dòng tâm sự. Vũ chia sẻ: Bố chị Hương và mẹ anh là anh em ruột. Hơn 10 năm qua, do điều kiện công tác xa nhà nên chị em không gặp mặt nhau. Có lần, qua điện thoại, hai chị em hẹn gặp nhau nhưng rồi khi tưởng chừng sắp được nhìn thấy nhau thì do yêu cầu công tác, Vũ lại phải xa chị. Đó là chuyện khi còn ở đất liền. Nay giữa hải đảo xa xôi, một người chị vượt cả ngàn cây số trên biển gặp được người em trai rất mực thương yêu đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, niềm vui như vỡ òa...

Phóng viên Báo Quảng Bình tặng báo cho cán bộ, chiến sỹ con em quê hương công tác tại đảo Song Tử Tây.
Phóng viên Báo Quảng Bình tặng báo cho cán bộ, chiến sỹ con em quê hương công tác tại đảo Song Tử Tây.

Với chúng tôi, chị Hương luôn nhắc nhở nên hỏi chuyện, chia sẻ với các cán bộ, chiến sỹ trẻ đang công tác nơi đảo xa để góp lời động viên họ thêm vững tay súng bảo vệ Tổ quốc. "Vũ là em của chị. Nhưng trong suy nghĩ của Chị, Vũ đã là một quân nhân trưởng thành, cứng cáp." - chị nói.

Khi nói về những người lính Trường Sa quê Quảng Bình, đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân chia sẻ: Những người lính thuộc Lữ đoàn 146 Vùng IV Hải quân quê Quảng Bình đã phát huy tốt truyền thống của quê hương "Hai giỏi", lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và góp phần xây dựng lực lượng bộ đội hải quân tinh nhuệ, không ngừng lớn mạnh.

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn công tác đã tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các đoàn thành viên trên tàu. Boong tàu trở thành sân khấu. Người hát, người nghe lắc lư theo nhịp từng con sóng biển. Cùng với 4 thành viên người Quảng Bình trên tàu HQ 571, đoàn cán bộ tỉnh ta đã hát vang bài "Quảng Bình quê ta ơi". Và thật ngạc nhiên, rất nhiều thành viên đoàn công tác đến từ nhiều miền quê trong cả nước cùng cất giọng hát theo. Một ấn tượng thật khó quên đối với từng thành viên đoàn công tác tỉnh Quảng Bình nơi quần đảo Trường Sa yêu dấu.

Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt những người chiến sỹ kiên trung đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi trở về đất liền. Những cái bắt tay thật chặt, những dòng số điện thoại vội trao và cả những cái hôn của người lính đảo với các ca sỹ trẻ đọng mãi trong tâm trí của những thành viên tham gia đoàn công tác. Trên cầu cảng đảo Trường sa, dưới ánh trăng tròn lấp lánh, tất cả thành viên đoàn công tác ra đứng bên mạn tàu. Bên kia, trên đảo Trường Sa yêu dấu, cán bộ, chiến sỹ đứng thành hàng ngũ ngay ngắn. Tất cả cùng cất cao câu hát "Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em".

Trong khoảnh khắc lưu luyến ấy, tôi tin rằng dù trong mỗi người lính đều có góc riêng để nhớ nhung, yêu thương nhưng họ đã biết hòa quyện tình riêng trong nghĩa chung đầy lãng mạn - biển một bên và em một bên.

                                                        Trường Sa, tháng 4-2013
                                                                   Nguyễn Hoàng