.

Ký sự Trường Sa - Kỳ 3: Lính đảo và những câu chuyện kể

Thứ Ba, 14/05/2013, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một hình ảnh rất đỗi thân quen nhưng vô cùng thiêng liêng mà chúng tôi không thể không nhắc đến trong loạt bài viết ký sự Trường Sa này. Đó là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hình ảnh người chiến sỹ hải quân đứng gác dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, nổi bật trên nền trời xanh, biển xanh bao la luôn tạo cho chúng tôi một cảm xúc tự hào khó tả. Các thành viên trong đoàn công tác ai cũng muốn nán lại bên cột mốc chủ quyền, dưới lá cờ Tổ quốc, cạnh người chiến sỹ hải quân đang đứng gác để chụp một tấm hình kỷ niệm. Dù không nói ra, nhưng ai cũng thấu hiểu sâu sắc rằng để có được những phút giây yên bình ấy, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ công tác tại quần đảo Trường Sa đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt...

>> Kỳ 2: Những công dân Trường Sa

>> Kỳ 1: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Ngày thăm đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã được các cán bộ thuộc Quân chủng Hải quân kể cho nghe câu chuyện về người cắm cờ Tổ quốc trên đảo cách đây 38 năm về trước. Trong trận quân ta đánh tập kích đảo này, chiến sỹ Lê Xuân Phát được giao nhiệm vụ cắm cờ trên đảo. Nhận nhiệm vụ rồi nhưng anh Phát vẫn rất lo lắng bởi chưa một lần anh đặt chân lên đảo, giữa đêm tối nên không biết đâu là sở chỉ huy của địch, đâu là điểm cao nhất để cắm cờ.

Dẫu vậy, khi các mũi tiến công của bộ đội ta chặt đứt hàng rào và lần lượt đánh chiếm từng lô cốt của địch, anh Phát vẫn bình tĩnh dùng loa gọi địch ra hàng và khéo léo di chuyển tìm nơi cao nhất để cắm cờ Tổ quốc. Nhờ vậy, khi trời vừa sáng, bọn địch lần lượt kéo nhau ra hàng thì lá cờ Tổ quốc đã tung bay trước gió.

Trong quá trình vượt biển đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, trên tàu HQ 571, chúng tôi cũng đã được nghe kể về tấm gương quả cảm của một người con Quảng Bình và đồng đội hy sinh tại đảo Gạc Ma trong trận hải chiến không cân sức xảy ra vào ngày 14-3-1988. Thời điểm đó, nước ngoài ngang nhiên đưa lực lượng quân sự đến đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và rồi cuộc chiến không cân sức giữa một bên là lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải của ta với một bên là tàu quân sự được trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài đã xảy ra. Trong cuộc chiến đấu đó đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của bộ đội ta.

Các đại biểu thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Các đại biểu thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Trước sự tấn công của kẻ thù, anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương quê ở thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) lúc ấy là thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã quấn lá cờ Tổ quốc vào thân mình và động viên đồng đội: "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm thêm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng"...

Tròn 25 năm sau ngày anh và đồng đội hy sinh, đúng 16 giờ ngày 21-4, đoàn công tác của chúng tôi đã dừng lại tại vùng biển đảo chìm Len Đao, gần nơi các anh hy sinh để thả vòng hoa tưởng niệm. Những cành hoa cúc vàng tươi, nén hương thơm ngát được các thành viên thả xuống biển với lời khấn nguyện cho linh hồn các anh mãi mãi yên nghỉ giữa lòng đại dương bao la.

"Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa /Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà... /Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em... /Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu...". Những lời ca trong ca khúc "Nơi đảo xa" của nhạc sỹ Thế Song đã phần nào nói hộ tâm tình người lính Trường Sa. Quả thực, hành trang của họ hôm nay ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc còn có những tình cảm thân thương từ đất liền.

Buổi chiều hôm thăm đảo Sơn Ca, trung tá Nguyễn Viết Xuân, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự đảo đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những cánh thư anh gửi về gia đình ở thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) 7 năm về trước. Ngày đó anh là trợ lý pháo binh ở đảo Sinh Tồn, do chưa có sóng điện thoại nên cầu nối giữa anh với gia đình chủ yếu là những cánh thư. Dẫu vậy không phải thư viết xong là gửi được ngay bởi còn phụ thuộc vào lịch trình tàu từ đất liền ra đảo. Có lần anh gửi thư từ tháng 2 nhưng đến tháng 7 bà xã mới nhận được.

Từng có 29 tuổi quân, tham gia công tác tại nhiều đảo trong quần đảo Trường Sa, do điều kiện công tác nên anh Xuân rất ít khi về thăm nhà. Ngay cả khi biết vợ sinh đứa con trai thứ hai, anh cũng không về được. Vợ anh, một người phụ nữ đảm đang, mẫu mực vẫn một lòng chung thủy với chồng và hết mực thương con. Nguyễn Tuấn Anh, con trai đầu của anh chị nay đã tốt nghiệp THPT và đang nối nghiệp bố, theo học tại Học viện Hải quân.

Đảo chìm Đá Đông A.
Đảo chìm Đá Đông A.

Hôm chúng tôi đến thăm đảo chìm Đá Đông A, có một thành viên không thuộc biên chế của đảo cũng có mặt. Đó là trung úy Trần Đình Hưng, quê ở thôn Minh Lệ, xã Quảng Minh (Quảng Trạch). Hưng thuộc biên chế đảo Đá Đông B, khi hết ca trực, nghe tin có đoàn cán bộ tỉnh Quảng Bình ra thăm đảo đã xin phép chỉ huy đến tìm đoàn.

Hưng kể: Tháng 12-2011, khi anh vừa hết hạn nghỉ phép thăm gia đình thì biết được tin vợ có thai. Dù rất mừng nhưng do yêu cầu công tác, anh đã phải có mặt tại đơn vị ngay sau đó. Làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, bầu bạn với sóng nước, nén nỗi nhớ nhà, nhớ con, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Cho đến ngày anh trở về thăm gia đình cách đây chưa lâu, phải mất khá nhiều thời gian anh mới "làm quen" được với đứa con trai giờ đã hơn một tuổi.

Có lẽ bởi điều kiện công tác xa nhà như nhau nên cán bộ, chiến sỹ công tác tại quần đảo Trường Sa thương nhau như anh em một nhà. Khi gia đình một cán bộ hay chiến sỹ nào đó gặp khó khăn, anh em trên đảo luôn hết mực giúp đỡ, động viên cả về tinh thần lẫn vật chất. Hôm bố vợ của trung úy Võ Xuân Nghĩa qua đời ở Nghệ An, biết hoàn cảnh gia đình đồng đội rất khó khăn, anh em trên đảo Sơn Ca đã thống nhất quyên góp hỗ trợ với tinh thần "của ít lòng nhiều", chia sẻ với những mất mát của gia đình đồng đội. Nhận được số tiền gần 10 triệu đồng được gửi về từ đơn vị của con rể ở tận Trường Sa, mẹ vợ anh Nghĩa hết sức bất ngờ và cảm động liền gọi điện ngay cho con rể mong nhắn một lời cảm ơn sâu sắc...

Trường Sa hôm nay dẫu đã có sóng điện thoại di động, việc liên lạc về với đất liền của cán bộ, chiến sỹ đã có phần thuận lợi hơn song khi đoàn công tác của chúng tôi cập bến thăm đảo, ai nấy đều rất đỗi vui mừng. Đối với các chiến sỹ trẻ, được đón đoàn và xem các ca sỹ của Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân, Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Quảng Bình biểu diễn là một niềm vui lớn. Bởi thế, khi các xuồng chở thành viên đoàn công tác vào đảo, người mà lính đảo ra đón và giơ tay chào trước là trưởng đoàn, phó đoàn nhưng người được lính cõng vào đảo trước lại là các cô ca sỹ trẻ, thậm chí họ còn tranh nhau cõng các cô. Tiếp đó là những câu hỏi thăm, trêu đùa với hàm ý gắn kết dài lâu mang đậm chất lính.

Quả thật, những ca sỹ, diễn viên nữ đã mang đến cho lính đảo rất nhiều niềm vui. Ở hầu hết các đảo mà đoàn đến thăm, các ca sỹ, diễn viên kết hợp biểu diễn phục vụ bộ đội. Tại các đảo chìm như Len Đao, Đá Thị, Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông và nhà giàn DK1, ngay khi cập đảo, các ca sỹ, diễn viên tranh thủ biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sỹ trong chừng hơn một giờ đồng hồ rồi xuống tàu cùng đoàn công tác.

Riêng ở đảo Trường Sa và đảo Sơn Ca, đoàn biểu diễn ban đêm với thời gian dài hơn, chuẩn bị chu đáo hơn. Ngồi bên nhau, họ vừa hát vừa tâm sự, trao đổi với nhau số điện thoại và hẹn ngày gặp mặt ở đất liền...

                                                                         Nguyễn Hoàng


                                                           Kỳ 4: Người Quảng Bình ở Trường Sa