Hương của đất

Cập nhật lúc 10:36, Thứ Sáu, 03/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức, ngoại ô thành phố Đồng Hới  từ lâu vốn đã có truyền thống tinh chế các loại dầu, như dầu tràm, dầu sả. Song giờ đây, nghề này càng ngày càng bị mai một dần…

Ký ức một thời gian khó

Thôn Thuận Phước vốn là vùng gò đồi. Người dân ở đây hầu hết là  dân di cư đến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ thuở còn gian khó, nhiều người dân ở đây đã lấy nghề tinh chế dầu tràm, để mưu sinh. Nhiều cán bộ công nhân viên thời kỳ đó cũng thường tranh thủ lúc nhàn rỗi để cải thiện cuộc sống gia đình từ chính nghề này.

Ông Trần Đình Vinh bên vườn sả của gia đình. Ảnh: D.C.H
Ông Trần Đình Vinh bên vườn sả của gia đình. Ảnh: D.C.H

Ông Trần Đình Vinh (58 tuổi), một thợ sửa máy của Xí nghiệp Lâm công nghiệp Long Đại, vốn là lưu dân gốc gác từ miền biển theo gia đình sơ tán lên đây từ nhỏ kể. "Lúc đó, cán bộ công nhân viên nhà nước lương thấp, phải kiếm công việc làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Hơn nữa, công việc chưng cất tinh dầu này không có gì khó khăn, lại nhẹ nhàng có thể tranh thủ nấu vào ban đêm được. Tuy nhiên, hồi đó chúng tôi chủ yếu chưng cất tinh dầu tràm, sau này mới chưng cất thêm được dầu sả nữa. Nhưng chủ yếu vẫn là dầu tràm".

Ông cho biết: "Cách tinh chế dầu rất đơn giản, tương tự như chưng cất rượu vậy. Chỉ có điều tinh chế dầu phải qua thêm một bước ngưng tụ dầu nữa, rồi mới cho vào một cái chai lọc nước để lấy dầu. Lá tràm sau khi bứt về đem nấu với nước theo một tỷ lệ phù hợp rồi đun liên tục từ 3 - 4 tiếng. Lúc dầu bắt đầu chảy mới phải canh cẩn thận thôi".  

Mai một dần    

Những thứ tinh dầu dân dã này từ lâu đã được lưu truyền và sử dụng trong dân gian với không ít công dụng, có thể dùng để chữa được các loại bệnh như ho, kích thích tiêu hóa, long đờm, dùng làm thuốc cao để xoa bóp, chữa đau nhức, cảm mạo, tiêu đờm, chứng tê thấp và sát trùng rất tốt. Nó cũng phục vụ cho nhiều đối tượng, từ người già đến trẻ sơ sinh, đặc biệt công hiệu với những sản phụ.

Tuy nhiên, giờ đây khi cuộc sống khấm khá lên, đất đai được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hầu hết diện tích cây tràm đã bị chuyển sang trồng cây thông nhựa hoặc cao su. Giờ đây, ông Vinh phải ngược xuôi thuê người đi lên các vùng gò đồi xa hơn để bứt tràm về. Ông kể: "Trước đây làng này có nhiều người nấu lắm, nay họ không còn nấu nữa mà đi cạo mủ thông, mủ cao su thuê. Mà không hiểu tại sao, thương lái đến cứ tấm tắc khen dầu ở đây có chất lượng cao hơn mấy vùng khác ở Quảng Trị. Họ bảo, dầu ở đây để càng lâu càng tốt, còn như ở các vùng khác thì chỉ để được một thời gian là bay mất mùi.

Do vậy, nhiều người ở Huế còn ra đây để mua. Hồi trước, vào mùa nắng, mỗi ngày tôi nấu khoảng 4 nồi. Trung bình 2 nồi mới chưng cất được 1 lít dầu. Nhưng nay thì 3,4 ngày mới nấu một lần vì thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, giá các loại dầu cứ tăng vùn vụt. Từ chỗ, dầu tràm chỉ có 150 đến 200.000 đồng/lít lên đến 700.000 đồng/lít, còn dầu sả thì lên 1,3 triệu đồng/lít. Thương lái đến mua tấp nập mà không có mà bán".

"Công dụng của dầu sả tốt hơn dầu tràm nhiều và giá cũng đắt gấp đôi, nhưng lại khó nấu. Vì cây sả nguyên liệu phải trồng chứ không lấy từ tự nhiên như tràm. Nhà tôi chỉ có 2 sào, chỉ đủ để 3,4 tháng mới nấu được một lần. Nhiều khi phải thu mua của nhà khác về nấu, nhưng cũng hiếm hoi lắm vì ít người trồng loại này. Trước đây nấu được nhiều, tôi thường hợp đồng với Công ty Dược Quảng Bình để bán, nay ít quá nên thương lái đến tận nhà lấy hết. Cũng có người thu mua đem xuất khẩu, có người mua làm quà biếu. Nhưng tiêu thụ nhiều nhất hiện nay vẫn là các cơ sở mát xa, các khách sạn nghỉ dưỡng". Ông Vinh tâm sự.

                                                                                              Dương Công Hợp


,
.
.
.