Gió Đại Phong vẫn miên man thổi

Cập nhật lúc 09:34, Thứ Hai, 06/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây hơn 50 năm, trên Báo Nhân Dân số 2489 ra ngày 11-1-1961 và số 2582 ra ngày 15-4-1961 với bút danh Trần Lực, Bác Hồ đã viết 2 bài báo "Một hợp tác xã gương mẫu" và bài "Phong trào Đại Phong". Cả 2 bài viết của Người đều nêu gương khen ngợi Hợp tác xã Đại Phong (Phong Thuỷ, Lệ Thủy).

Từ một làng quê nghèo, người dân Đại Phong đã chung lưng đấu cật xây dựng Hợp tác xã Đại Phong (HTX) trở thành "Lá cờ đầu nông nghiệp miền Bắc xã hội chủ nghĩa" lúc bấy giờ. Ngày đầu xuân, chúng tôi xông đất Đại Phong với lòng xốn xang niềm vui khôn tả, bởi đã hơn 50 năm trôi qua nhưng "Gió Đại Phong" vẫn thổi với những cách làm hay rất đáng để nhiều địa phương áp dụng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Gốc lúa, bờ tre đi vào lịch sử

Năm 1959, Đại Phong cũng như nhiều làng quê khác của đất nước, cái đói, cái nghèo còn bủa vây đường làng, ngõ xóm. Nhiều lúc, nhiều nơi hình ảnh thê lương của nạn đói năm 1945 lại thấp thoáng ùa về. Một đêm mùa đông cuối năm 1959, người làng Đại Phong quyết định thành lập HTX Đại Phong với mục đích "đẩy lùi cái đói, cái nghèo" và chủ trương một người làm việc bằng hai, mở rộng bờ vùng, bờ thửa, thâm canh sản xuất.

Liên tục trong 2 năm, làng Đại Phong lúc nào cũng như trẩy hội bởi không kể ngày đêm trên ruộng đồng trống giong cờ mở, người Đại Phong đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng. Ruộng đồng không phụ nông phu, đất canh tác của Đại Phong từ chỗ chỉ 2 sào một nhân khẩu đã tăng lên 7 sào; sản lượng lương thực tăng từ 650 kg/người lên 880 kg/người.

Phòng lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở HTX Đại Phong. Ảnh: S.L
Phòng lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở HTX Đại Phong. Ảnh: S.L

Không những đẩy lùi được cái đói của làng mình, lúa gạo Đại Phong sản xuất ra còn được chở ra nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân. Mùa đông năm 1960, HTX Đại Phong vinh dự được đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban nông nghiệp của Trung ương về kiểm tra và nghiên cứu tình hình sản xuất của HTX.

Người làng Đại Phong vẫn còn nhớ như in hình ảnh Đại tướng với chiếc áo tơi, nón lá đi vào tận từng nhà dân xem từng cót lúa, lội xuống ruộng bùn để xem cày sâu, cày ải thế nào. Tại sân kho HTX, Đại tướng đã khen ngợi bà con Đại Phong biết cách tổ chức, quản lý làm ăn có hiệu quả. Đêm về khuya, nhưng những ý kiến của bà con, Đại tướng vẫn chăm chú lắng nghe và cho người ghi chép cẩn thận để phổ biến ra toàn miền Bắc...

Cùng với "Trống Bắc Lý", "Sóng Duyên Hải", "Cờ Ba Nhất", "Gió Đại Phong" đã được đúc kết thành phong trào, mang lại những thành tựu lớn về xây dựng HTX và phát triển sản xuất nông nghiệp trên toàn hậu phương miền Bắc. Với bút danh Trần Lực, Bác Hồ đã viết bài ca ngợi HTX Đại Phong đăng trên báo Nhân Dân: "Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn HTX nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong.

Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta...". Để động viên khích lệ bà con nông dân ở Đại Phong, ngày 20-3-1961, Bác Hồ đã gửi tặng HTX Đại Phong chiếc máy kéo DT54, do Đoàn thành niên Cộng sản Công-xô-môn Lê- nin gửi tặng Bác.

Học tập HTX Đại Phong, đã có 3.191 HTX trên toàn miền Bắc thi đua với Đại Phong, trong đó có 24 HTX được chọn là những Đại Phong của tỉnh, huyện mình. Năm 1962, HTX Đại Phong vinh dự đón 32 đoàn khách quốc tế, 480 chủ nhiệm HTX trong cả nước về học tập kinh nghiệm.

Gió vẫn thổi miên man

Dưới mưa xuân lất phất bay, bước trên đường làng Đại Phong thấy lòng mình ấm lại. Chiếc máy kéo Bác gửi tặng vẫn còn đây; hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chân đất lội bùn với bà con nông dân ngày nào vẫn còn hằn in trong tâm trí dân làng.

Chủ nhiệm HTX Đại Phong Nguyễn Văn Hoàng cho biết; "Người dân Đại Phong luôn xem bác Thanh là ân nhân của làng mình. Những lời chỉ bảo ân tình của bác vẫn được người làng kể cho nhau nghe. Năm 1967, khi bác Thanh mất, Đại Phong làm lễ truy điệu, cả làng ai cũng khóc như mất đi chính người thân của mình".

Đường về làng Đại Phong. Ảnh: S.L
Đường về làng Đại Phong. Ảnh: S.L

Nối tiếp truyền thống, cách đây 20 năm, HTX Đại Phong đã hoàn chỉnh hệ thống bê tông hồ đập, khoanh vùng, khoanh thửa. Hơn 50 trôi qua, nhiều HTX đã tan rã, hoặc hoạt động không hiệu quả thì ở Đại Phong, HTX vẫn đóng vai trò chủ lực tổ chức lao động, sản xuất giúp nhân dân vươn lên làm giàu. Hiện HTX Đại Phong làm hầu hết các khâu dịch vụ cho xã viên như làm đất, cung ứng giống lúa, phân bón, bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm...

Liên tục trong nhiều năm qua, HTX Đại Phong không chỉ dẫn đầu Quảng Bình về năng suất lúa, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội mà còn trở thành ngọn cờ đầu ở nhiều tỉnh, thành miền Trung. Phương tiện lao động, sản xuất ở Đại Phong đã được hiện đại hoá.

Toàn HTX có 10 máy cày, hàng chục phương tiện khác như máy tuốt lúa, máy xay xát, ô tô vận tải, ca nô vận chuyển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dịch vụ. Hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đã được chính quyền và người dân Đại Phong thực hiện tốt.

                                                                                   Dương Sông Lam

,
.
.
.