.

Cùng ngư dân mở cửa biển đầu năm

Thứ Sáu, 06/03/2015, 14:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Dọc theo bãi biển tỉnh ta, từ làng biển Cảnh Dương đến Đức Trạch, vào Bảo Ninh, Ngư Thủy… ngư dân đã mở cửa biển đầu năm, dong thuyền ra biển lớn. Biển cả quê hương giàu có và hào phóng, nhờ vậy nhiều ngư dân đã trúng đậm lộc biển đầu năm mới.

 

Ông Phạm Minh Hồng-người được ngư dân gọi là “vua” đóng tàu kể chuyện đi biển với tác giả bài viết.
Ông Phạm Minh Hồng-người được ngư dân gọi là “vua” đóng tàu kể chuyện đi biển với tác giả bài viết.

Rộn ràng làng biển

Chúng tôi về xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cùng chung vui với ngư dân những mẻ lưới đầu năm. Làng biển Đức Trạch từ lâu đã nổi tiếng cả nước với truyền thống gần 500 năm đóng tàu đi biển Hoàng Sa. Làng biển Đức Trạch nép mình bên bờ biển hiền hòa, từ lâu hàng ngàn ngư dân nơi đây xem vùng biển Hoàng Sa như quê hương mình.

Tay thoăn thoắt với tiếng đục, tiếng búa để hoàn thiện công đoạn cuối cùng cho chiếc tàu lớn của người làng, ông Phạm Minh Hồng ở Đức Trạch kể đầy tự hào về truyền thống đi biển làng mình.“Gần 500 năm qua làng tui sống với biển, vui buồn với biển. Trước đây, ông bà tui chỉ đóng ghe bầu, loại thuyền nhỏ để đánh cá gần bờ, rồi chở hàng vào vùng biển Phan Thiết bán cho các lái buôn đưa hàng qua Pháp.

Qua mỗi đời, gia đình tui chỉ truyền nghề lại cho một người. Và cứ thế mỗi đời con, cháu lại phát huy nghề đóng tàu thuyền của mình. Từ chiếc ghe bầu của tổ tiên giờ chúng tôi đóng những con tàu công suất gần cả ngàn CV để dong ra biển lớn”. 

Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch hồ hởi cho biết, với 1723 hộ và 7.547 khẩu nhưng Đức Trạch đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và hơn 500 ngư dân đánh bắt gần bờ. Đức Trạch cũng là một trong những địa phương có tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn. Từ một xã nghèo giờ đây nhờ lộc biển, người dân xã Đức Trạch trở thành một trong những xã có ngư dân giàu nhất tỉnh ta. Hơn 50% hộ dân đã làm được nhà cao tầng kiên cố.

Rời Đức Trạch chúng tôi về Bảo Ninh, Đồng Hới. Cách đây độ mươi năm, bán đảo Bảo Ninh là một xã nghèo nằm sát bờ sông Nhật Lệ. Mấy năm qua nhờ lộc biển, Bảo Ninh đã trở thành một trong những xã dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân tỉnh ta chuẩn bị mở của biển ra khơi đón lộc biển đầu năm.
Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân tỉnh ta chuẩn bị mở của biển ra khơi đón lộc biển đầu năm.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cầm tay tôi thật chặt vui mừng cho biết: “Xã Bảo Ninh có 9.669 nhân khẩu và hiện có hơn 2.000 ngư dân với 396 tàu thuyền đi biển. Năm 2014, toàn xã đánh bắt được 7.500 tấn thủy hải sản, nhờ lộc biển giờ toàn xã chỉ còn 0,75% hộ nghèo. Nhiều gia đình đóng tàu mới gần chục tỷ đồng như gia đình ngư dân Nguyễn Công Hoan, gia đình ông Phạm Tuyển...”.

Mở cửa biển đón lộc đầu năm

Từ sáng sớm, nhiều ngư dân ở xã Bảo Ninh đã đặt bàn, bày lễ hương hoa bên bờ biển, thắp nén nhang cầu cho trời yên biển lặng để ngư dân ra biển đầu năm. Không riêng gì Bảo Ninh, dọc theo bờ biển tỉnh ta, các âu thuyền đều rợp trời sắc màu cờ đỏ trên những âu thuyền, cửa sông neo đậu tàu thuyền. Trên dòng sông Loan, ở xã Cảnh Dương, Quảng Trạch là hàng trăm chiếc tàu, thuyền của ngư dân đang chuẩn bị ra khơi bám biển.

Niềm vui của ngư dân bên những rổ thủy hải sản đầy ắp đầu năm mới.
Niềm vui của ngư dân bên những rổ thủy hải sản đầy ắp đầu năm mới.

Bên chiếc thuyền có số hiệu QB33705TS, vợ chồng anh Phạm Thế Hồng và chị Thiệu Thị Thủy, ở xã Cảnh Dương cùng nhiều bạn nghề đang vận chuyển lương thực, thực phẩm lên thuyền chuẩn bị cho chuyến khơi xa nói: “Năm qua, ngư dân Cảnh Dương kiên trì bám biển với lại thời tiết thuận nên được mùa cá. Nhờ đó, cái Tết này, gia đình nào cũng đầm ấm, sung túc hơn Tết năm ngoái”. Nhiều ngư dân sau ba ngày ra biển đầu năm cũng đã trúng đậm mẻ cá đầu tiên.

Ông Nguyễn Thành Nam, xã Bảo Ninh, 65 tuổi đời, 50 năm làm ngư dân trên biển, với ông Nam, biển cả không chỉ là nơi ông cất mẻ lưới tìm con mực, con cá, mà biển còn là quê hương, là mạch máu ngầm gắn với cuộc đời ông vậy. "Mai đi biển đầu năm là tối nằm thức đến sáng, háo hức như trẻ chuẩn bị vào khai giảng năm học mới", lão ngư Nguyễn Thành Nam bảo vậy.

Mùa lộc biển đã bắt đầu, cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng để tiếng cười của ngư dân mãi chan hòa trên mặt sóng.

Dương Sông Lam