.

Đâu rồi Hạc Hải vi nghiên

Thứ Sáu, 09/01/2015, 14:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình từ ngày có danh xưng chung thủy với Đại Việt đến ngày nay cũng ngót nghét 410 năm. Bao hiền sĩ dọc dài thiên lý qua mảnh đất này đã từng nghe lưu truyền hai câu thành ngữ trong vùng: “Đầu Mâu vi bút/ Hạc Hải vi nghiên”. Ở dãy núi Trường Sơn qua huyện Quảng Ninh có ngọn núi Đầu Mâu được giới học ví như ngòi bút, phá Hạc Hải ở vùng trũng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy là nghiên mực thênh thang cho chí khí Đầu Mâu viết lên trời. Ngày nay, vi bút Đầu Mâu vẫn còn, nhưng nghiên mực Hạc Hải đã lẫn khuất giữa ruộng đồng bờ bãi thẳng cánh cò bay.

1. Tình cờ đi về xóm Bến ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, qua chuyện trò mới biết xóm Bến ấy có danh tính mấy trăm năm khi phá Hạc Hải có nguồn nước lên đến vùng đất xứ Vạn. Ngày nhỏ, tôi vẫn cứ tự hào một cách ngây thơ chỉ riêng Quảng Xá làng ngoại của mình mới có phá Hạc Hải, lớn lên chút đỉnh, được đọc sách mới biết phá Hạc Hải rộng lớn, người xưa gọi là biển cạn.

Rộng cả ngàn héc ta, hơn 12 cây số vuông, nơi sâu nhất nhỉnh hơn 3m, giữa lòng của phá là nguồn nước lợ, với bao nhiêu tôm cá tốt tươi cùng sinh thủy. Bao nhiêu loài chim như vịt trời, bồng, le, cò, vạc, sếu, diệc, rồi chim di cư theo mùa nhiều vô kể. Năm 1555 trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An đã chép: “Bể Cạn, tên gọi Bình Hồ (...) gọi là Hạc Hải.

Phía đông bắc thì bể xanh bát ngát cồn cát chập chùng. Phía tây nam thì nghìn núi thẳng như bình phong, trăm non dựng như ngọn giáo, mênh mông bể hạc-leo lẻo dòng trong, cá tôm sinh sản-le vịt lội bơi. Chài ngư thuyền củi đi về, dật khách du nhân lui tới. Hồ sơn một cảnh trăng gió lưng bầu, coi hệt thế giới ngũ hồ vậy...”.

Núi Thần Đinh lừng lững nhìn từ phía ruộng đồng mà ngày xưa là con nước của phá Hạc Hải.
Núi Thần Đinh lừng lững nhìn từ phía ruộng đồng mà ngày xưa là con nước của phá Hạc Hải.

Ngót hai trăm năm nữa, trong Phủ Biên Tạp Lục, nhà bác học Lê Quý Đôn hạ bút: “Thiển Hải (...), trăm dòng tụ lại gọi là Hạc Hải. Phía đông bắc là động cát trùng điệp, phía tây Nam bức núi chắn ngang. Biển lớn muôn khoảnh mông mênh, chỗ sâu chỗ nông, giữa có một đường rất sâu cho thuyền ghe đi lại”. Thật ra phá Hạc Hải trải rộng qua hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Chạm đất cuối cùng của vùng phá ấy là đất làng Quảng Xá (Quảng Ninh), thượng nguồn của nó là các xã phía trên ở huyện Lệ Thủy.

2. Xứ Vạn Ninh từng nổi tiếng bao anh tài xuất thế, lão nông hay chữ Nguyễn Biền ở xóm Bến nói thế. Lão còn kể thêm: “Cái phá Hạc Hải là nghiên mực tắm mát cho bao tâm hồn trẻ thơ ở các xã quanh quanh này, quê tui cũng thế, nên người quanh phá cũng từng xuất thế bao nhân tài.

Cụ Nguyễn Hữu Cảnh mở cõi phương Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tên tuổi lẫy lừng ở làng An Xá, Lộc Thủy... họ đều từ nguồn Hạc Hải mà ra đi giúp đời”. Ông cũng vỡ lòng cho tôi, hơn ba trăm năm trước, cụ Nguyễn Hữu Cảnh từng động viên dân trong vùng Hạc Hải để khai hoang đất phương Nam, trước cuộc hành trình dằng dặc, họ đều được huấn luyện ở phá để sau đó thích nghi đồng bằng đầm lầy Tháp Mười lút mắt. Những người lực điền chưa muốn đi, cụ Nguyễn Hữu Cảnh đã cho thơ rằng: “Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”, thế mà bao người theo lời ông đi mở cõi.

Người dân cũng kể, bao lần vua Chăm gây hấn, cụ Nguyễn Hữu Cảnh là tướng quân, nhưng chưa một lần tuốt kiếm vẫn thắng trận bởi sắc mặt quắc thước oai hùng. Thắng rồi lại động viên đối phương chăm lo mở đất, mở sổ hộ khẩu về với nước Việt cùng chung sống lương dân. Kể những chuyện đó, lão ông Nguyễn Biền nói: “Cụ ở phá Hạc Hải là nghiên mực, có bút xanh Đầu Mâu nên không đánh đã thắng, hưởng ân uy tiên tổ mà làm nhân đức với cả người phía bên kia”.

3. Mùa hè năm xưa vào thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước khi lũ trẻ chúng tôi đang nhỏ, và cũng có lẽ những đứa con nít ấy là thế hệ cuối cùng còn có cơ hội nhìn thấy sự hào phóng còn lại của phá Hạc Hải khi mùa mò hến, bắt cá, kéo tép, mò rạm bè dần dà khép lại. Chẳng phải vì tuổi lớn đi học, mà con nước của bờ phá dần biến mất, thay vào đó là ruộng lúa xanh lút mắt, bao bờ cỏ tranh, cỏ năn, cỏ lác bời bời trước gió là nhà của muôn loài chim, của vạn loài cá đã bị khai hoang.

Dự án Mỹ Trung lúc đó triển khai rộng rãi bởi cái ăn cơm gạo đói hoa mắt, Nhà nước phải quai đê đắp đập, dụng phá Hạc Hải thành nơi sản xuất của hơn 800ha lúa. Thời kỳ lúa gạo khan hiếm, phá Hạc Hải trở thành nơi cứu đói cho cả vùng bắc miền Trung. Lúa gạo ngày mỗi nhiều ra thì nghiên mực Hạc Hải ngày một hoang hoải, mà bao người hay chữ xứ này đã ví nghiên mực này đã cạn, bút Đầu Mâu vì thế mà khô, chẳng viết được lên trời xanh lồng lộng nghĩa đời.

Bao đàn sâm cầm, vịt trời, thân cò, cái vạc rồi rạm bè, vô số loài cá đã dần biến mất. Những thuốc trừ sâu của ruộng đồng rồi vô số mỏ hàn dí điện đã tận diệt các loài ở vùng đất đầm phá. Hạc Hải xưa nổi tiếng như phá Tam Giang, ngày nay, theo lời của Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, Nguyễn Viết Ánh dấu tích của nghiên mực trời xanh chỉ còn một con lạch nhỏ chừng hơn 50m giữa hai xã Gia Ninh và Hồng Thủy, nơi giáp ranh của hai huyện vựa lúa. 

4. Giữa vô biên gió heo may mùa đông, tìm về phía nghiên mực Hạc Hải, nông phu đang kéo từng đường cày trên mỗi bờ ruộng phía đầm phá. Ký ức xổ đồng, xổ chơm lại kéo về. Người phía quanh phá Hạc Hải ngày xưa có hai lễ, lễ xổ chơm được gọi là lễ hội nơm cá quanh các bàu nước ở phía Hạc Hải.

Hạc Hải nay đã lên đồng.
Hạc Hải nay đã lên đồng.

Các làng tổ chức xổ chơm trước rằm tháng bảy khi mùa vụ đã cất khén lúa vào nhà. Trong ánh trăng vằng vặc, từng xóm, từng làng theo lệnh trưởng làng đưa nơm vào hội xổ chơm. Những con cá to bắt lên, người đi nơm hô “kềng” có nghĩa trúng cá lớn. Tiếng hô kéo dài như ngân nga giữa giai điệu ì oạp của nước. Tiếng nơm cá dậy cả vùng đầm phá ven bờ, vậy nên ở làng Kim Nại, An Ninh (Quảng Ninh) người dân mới truyền tụng thành ngữ: “Lao xao như bàu Kim Nại” để nói về hội hè nơm cá vui như tết.

Lễ xổ đồng cũng kéo qua cuối tháng bảy âm lịch, khi hai vụ trong năm ở quanh phá đã làm xong, trưởng các làng từ xa xưa cho lệnh cấm đồng. Không một ai được đi mót lúa, để ruộng rạ tái sinh. Khi lúa tái sinh ngậm đồng, trưởng làng mới cho Mõ làng đi loa từ xóm trên đến ngõ dưới hội xổ đồng-đi gặt lúa chét. Lúa gặt không tính ruộng của ai, cứ ai gặt được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, bởi đó là vụ xổ đồng vui vẻ bên bờ phá.

Hội nơm cá hay lễ xổ đồng cũng diễn ra ở làng quê của cụ Nguyễn Hữu Cảnh và làng An Xá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số làng sống sát với phá Hạc Hải có thêm lễ đuổi chim bảo vệ mùa màng. Xưa, phá Hạc Hải có vô số các loài chim, có đàn dày đặc cả mấy triệu con, cứ đến gần mùa gặt, làng Quảng Xá phía Tân Ninh, Quảng Ninh lại triệu tập cuộc họp hành ở Đền Vải phía đông của làng để bàn cách đuổi chim trong ba ngày.

Người làng dùng chiêng trống, kéo nhau cả đoàn dài, khua mỏ, đánh phèng la, tạo ra bất tận âm thanh hãi hùng để đàn chim đầm phá không kéo về đồng. Ba ngày lễ đuổi chim ấy, phụ nữ ra ruộng gặt lúa, khi thanh âm đuổi chim ngớt đi, cũng là lúc lúa đã về nhà, đàn chim mới có cơ hội trở lại ruộng lúa ven làng mót những chẽn lúa sót lại về nuôi con giữa rừng năn lác của nước nôi mênh mông. Nhưng bao lễ lạt ấy đã bặt tăm từ lâu khi “phá xưa rày đã lên đồng”.

Hạc Hải xưa mặt nước xanh ngắt da trời, nay là ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Hệ sinh thái trong “nghiên mực” đó hoàn toàn bặt tăm. Những mùa lúa gạo ngày càng đầy căng nhưng lòng người vẫn muốn tìm kiếm về kho tàng Hạc Hải, bởi đó là hệ sinh thái vàng của ngàn đời để lại. Những giằng co được, mất khi bỏ lúa để làm lại đầm phá cho nuôi trồng thủy sản nước lợ cứ giằng xé mấy năm nay. Phá Hạc Hải vẫn hy vọng sinh tồn nhưng trăn trở trong khó khăn vô biên.

Nay, cái ăn cơm gạo đã không thiếu thốn, người quanh Hạc Hải vi nghiên nhìn lại sản vật xưa chẳng còn chi, may ra sót lại chút đỉnh cua đồng, lâu lâu mới có bè rạm lạc giữa con nước cô đơn. Bao loài chim cũng thiên di mất bóng, người quanh phá chẳng nhớ nghiên mực xưa. Bao cuộc hội thảo đặt ra, có nên trả lại phá Hạc Hải như trước. Nay dự án thượng Mỹ Trung làm đê ngăn mặn để trong đê trồng lúa, ngoài đê tôm cá như cách cứu cánh cho đầm phá được trở về dáng xưa.

Bút ký của Minh Phong