.

Đào tạo lái xe Quảng Bình: Từ Nhâm Ngọ đến Giáp Ngọ

Thứ Sáu, 13/02/2015, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - “Hãy xông lên con chiến mã oai hùng-Hãy cùng ta băng qua tuyến lửa!”. Có thể đó là một trong những dấu ấn thăng hoa lãng mạn bậc nhất một thời bom đạn, chết chóc. Đây là dòng chữ viết trên thành chiếc ô tô Zin ba cầu của một người đàn ông, một lái xe có chân dung rất điển hình tên là Nguy, một cái tên cũng rất ngộ cả trong thời bình.

Để tăng lượng hào sảng cho phim tài liệu chào đón lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Công ty ô tô Quảng Bình thời chống Mỹ, tôi đã không ngần ngại “xài’ ngay chi tiết độc đáo này. Nhưng, còn có một tiểu tiết thú vị gấp mười lần: Mùa hè năm 1966, Nguy lái xe ra Hà Nội nhận hàng nhu yếu phẩm. Hà Nội thời chiến cũng vắng người nhưng luật giao thông thì vẫn được duy trì. Loạng quạng thế nào anh xế nhà ta đi vào đường cấm.

Công an thổi còi. Nguy xổ giọng Đồng Hới đặc sệt mong pháp luật châm chước nhưng không kết quả. Cầm cái bút máy Trường Sơn chuẩn bị viết biên lai thu tiền phạt thì “người thực thi luật giao thông” nhác thấy dòng chữ lạ màu đỏ trên thành xe. Lời kêu gọi hồi ấy thì nhiều, nhưng cái ‘khẩu hiệu” này thì chưa đọc thấy bao giờ và thú vị quá khiến “pháp luật” cũng phải mềm lòng

Zin ba cầu, Zin khơ (một cầu) là hàng viện trợ không hoàn lại của Liên Xô. Ký ức về những chiếc Zin khơ và năm 1966 đưa tôi trở lại tuổi thơ trong khói lửa chiến tranh. Năm ấy, năm Bính Ngọ, trong “đội ngũ” chừng năm vạn thiếu niên (và nhi đồng) Quảng Bình, Vĩnh Linh được đưa ra bắc học hành nuôi dưỡng, tôi lần đầu tiên được ngồi trên chiếc ô tô bốn bánh hiệu Zin khơ.

Xúc cảm lắm! từ một làng quê heo hút giữa đồng chiêm Lệ Thủy bỗng một bước lên xe, chạy. Đương nhiên là không phải chạy giữa thanh thiên bạch nhật, mà là trong đêm tối, bật đèn gầm, và, dưới tầm khống chế của không lực Mỹ. Chỉ vinh dự được mỗi lần ấy. 5 năm sau, nhập ngũ, đi Bê “bước chân trên dải Trường Sơn” bằng xe “kang hải” (hai cẳng), đi bộ sáu tháng từ Vĩnh Yên vào Tây Ninh.

Quân đội Mỹ hồi ấy đã sử dụng chiến thuật “chiến xa vận” (di chuyển bằng xe cơ giới, “trực thăng vận” (di chuyển bằng trực thăng). Lịch sử quân sự thế giới sẽ không bao giờ lí giải được vì sao một nền Văn minh mười ngón lại có thể chiến thắng nền Văn minh bốn bánh, văn minh cánh quạt. Riêng thiển ý dân gian nghĩ, đơn giản: Mười ngón chân Giao chỉ có sức mạnh vì nó bám chắc vào đất Việt!.

Nói vậy thôi, nếu chỉ chọi với đối phương bằng vũ khí và phương tiện quá thô sơ thì có thể không thua nhưng cũng khó có được thắng lợi cuối cùng. Bằng nhiều nguồn viện trợ, chúng ta cũng có được đội ngũ vận tải cơ giới đi dọc Trường Sơn: “Xe ta băng qua muôn dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối rừng...”. “xe ta băng qua trăm núi ngàn sông, khắp nơi nhân dân đêm ngày ngóng trông...”. “Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua đi nỗi nhớ...”. Toàn cảnh và cận cảnh, lãng mạn và thực tế, đủ cả, những dòng nhạc quanh chiếc ô tô bốn bánh.

Sau chiến tranh, đất nước vào thời hậu chiến, khó khăn muôn trùng. Không những ô tô bốn bánh lần lượt giảm tác dụng vì cũ nát, vì thiếu nhiên liệu,... mà ngay cả ‘nền văn minh hon đa” ở miền Nam cũng hòa nhập và lùi lại nền văn minh xe đạp của miền Bắc. Bước vào thời kì đổi mới, kinh tế dần dà phát triển bền vững. Nền văn minh hai bánh thô sơ lại tiến lên hai bánh có động cơ. Và bây giờ, trong trạng thái hội nhập, kinh tế vững vàng bắt kịp các nước, một cuộc chuyển động tự nhiên về phương tiện giao thông từ nhà nước, tập thể sang gia đình, cá nhân, từ “hai bánh” lên ‘bốn bánh”...

Trường trung cấp Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, một trong những nơi đào tạo  lái xe cơ giới đường bộ ở tỉnh ta. Ảnh: P.V
Trường trung cấp Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, một trong những nơi đào tạo lái xe cơ giới đường bộ ở tỉnh ta. Ảnh: P.V

Ba mươi sáu năm sau cái đêm mùa hè năm Bính Ngọ (1966) lần đầu tiên được ngồi lên chiếc xe bốn bánh có động cơ, cũng một năm Ngọ (Nhâm ngọ 2002), tôi bước chân vào lớp học đào tạo lái xe của Trường trung cấp Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình. Đây là một điểm mốc ghi dấu ấn trong ý thức tự thân về một khao khát cải thiện phương tiện giao thông kịp với tiết tấu cuộc sống hiện đại, cũng như thước đo mặt bằng cuộc sống xã hội đang dần được nâng cao. Lớp chừng ba lăm ba sáu học viên, chủ yếu là cán bộ công chức ăn lương, học chủ yếu vào thứ bảy chủ nhật.

Qua đó cũng lại để thấy, nền kinh tế thị trường của đất nước giai đoạn đó đã được khởi động nhưng chưa khởi sắc, chưa có sự hiện diện nhiều những chân dung doanh nghiệp nhỏ. Bãi lái là một khoảng đất đồi bằng phẳng. Trên đó, những nhân viên của trường tạo ra những hình mẫu học cụ thô sơ và tượng trưng.

Đường zích zắc cắm bằng những que gỗ nhỏ. Hạn chế thẳng và gara được vạch bằng vôi. Ở một ngã tư có cắm  một thanh gỗ lớn giả làm cột đèn tín hiệu giao thông. Chỉ có một dấu hiệu đáng mừng của công tác giáo dục là lòng nhiệt tình của giáo viên và trợ giáo. Có lẽ những cái tên, những chân dung đáng nhớ nhất lại chính là trợ giáo vì suốt ngày quăng quật với học viên ngoài bãi lái. Trợ giáo cũng được các học viên, kể cả nhiều học viên lớn tuổi và có vị trí cao trong xã hội xưng hô bằng thầy-Tiếng THẦY mang ít nhiều sắc thái thân mật hơn là phép tắc: Thầy Thành, thầy Bình...

Lại nói, lớp học có nhiều học viên có chức vụ trong ngành Công an nên kỷ luật được giữ gìn khá nghiêm. Hơn một nửa học viên đã có điện thoại di động, nhưng bằng sự nhắc nhở nhiều lần của viên thiếu tá công an lớp trưởng, cuối cùng, vào lớp, tất cả đều được tắt hoặc để chế độ rung. Trên thực địa, các học viên chia sẻ với nhau giờ lái trên một hai chiếc xe Oát có lẽ lưu cữu từ hồi chiến tranh chống Mỹ.

Trợ giáo an ủi: - Học xe xấu thì vất vả nhưng khi cầm lái xe tốt sẽ rất mát tay. Có lẽ vậy mà cũng chưa hẳn vậy. Cái khó bó cái khôn đấy thôi. Học viên đứng suốt buổi dưới trời nắng bóng, nhường nhau vài mảng bóng râm hiếm hoi dưới gốc cây. Chờ, khá lâu mới đến lượt lên ghế. Người đã có xe riêng thì sau giờ học đưa xe lên bãi luyện thêm. Người chưa có xe thì tự an ủi rằng, chỉ nay mai thôi nước mình gia nhập Apta, bỏ thuế, xe xuống giá, mua rồi chạy cũng không muộn.

Vậy mà, mười hai năm trôi qua, đến hôm nay, tôi quay lại mái trường xưa để... thi đổi bằng. Mười hai năm! Khoảng thời gian đủ cho một đứa bé bước chân vào lớp một đến ngày vào đại học. Mười hai năm! Vẫn lối vào cổng mà không phải cổng ấy. Vẫn không gian xưa nhưng hiện đại nhiều quá. Im lặng. Một khung cảnh vừa lạ vừa quen hiện ra, kỳ vĩ, thiêng liêng như một võ đường đang làm lễ. Mà đúng là làm lễ thật. Chừng năm chục học viên đứng thành hình khối vuông vắn như quân ngũ. Các vị trong ban sát hạch trang phục đại lễ nghiêm trang tiến hành các bước thủ tục truyền thống trước giờ xuất xe. Mùi hương trầm ngào ngạt, không gian yên tĩnh đến nghe cả tiếng thở nhẹ của ai đó...

Tôi bỗng thấy chạnh lòng: Mười hai năm trước, học viên chúng tôi không được hưởng không khí lễ nghi trang trọng như vậy trước khi “vượt vũ môn”. Phải chăng vì vậy mà suốt thời gian dài không thấy dội lên khao khát trở lại trường!? Bây giờ đây, phòng học hiện đại, thiết bị nghe nhìn, hệ thống loa máy, máy chiếu Prôjector, phòng máy tính thực hành môn pháp luật giao thông nối mạng cục bộ, cài đặt phần mềm luyện, thi pháp luật giao thông đường bộ do Cục đường bộ chuyển giao. Phòng học kỹ thuật lái xe được trang bị hiện đại, bãi lái cân chuẩn...

Ngày ấy, chúng tôi đội nắng đứng chờ hai chiếc Oát chạy cà rịch cà tang để tới lượt, thì bây giờ, riêng cho hạng B đã có tới 42 xe, trong đó có 29 xe du lịch, đáp ứng đủ số giờ tập lái theo quy định và nhu cầu của học viên. Theo cán bộ nghiệp vụ cho biết thì nhà trường đã có đầy đủ các điều kiện sân, bãi tập lái, trung tâm sát hạch tiêu chuẩn quốc gia, được trang bị hệ thống chấm điểm tự động của Hàn Quốc, nhiều chủng xe tập lái và đội ngũ giáo viên đủ năng lực, hàng năm đào tạo trên 2.500 học viên lái xe các hạng. Những năm qua, đào tạo lái xe Quảng Bình được Bộ Giao thông vận tải xếp hạng nhất nhì trong hơn 320 cơ sở trên toàn quốc.

Căn cứ vào năng lực của nhà trường và nhu cầu học nghề lái xe ô tô của địa phương đang tăng lên từng ngày, Trường trung cấp Kỹ thuật Công- Nông nghiệp Quảng Bình đang trình Sở Giao thông vận tải điều chỉnh  tăng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô từ 510 lên 650 học viên. Tôi thích cái khung cảnh thiêng liêng trước giờ bước vào sát hạch, chứng nhận ra ràng cho những ‘kỵ sĩ” cầm vô lăng bước vào đời.

Tôi thích câu “thần chú’ nằm lòng của thầy trò dạy và học lái xe : “Bằng tiến sĩ có thể dổm nhưng bằng lái xe thì không”. Tôi ấn tượng tỷ lệ 13% trong số 3.258 học viên không trúng tuyển các kỳ sát hạch trong năm 2013 và sáu tháng đầu năm nay. Con số thể hiện sự trung thực, sự nghiệt ngã trong sát hạch, cũng có nghĩa rằng, muốn đủ năng lực để tôn trọng an toàn sức khỏe và tính mạng người khác, thì, xin vui lòng luyện thêm.

Mười hai năm! Những học trò cũ chúng đến thi lại bằng quá hạn cũng không hề được ưu ái gượng nhẹ. Phòng thi với những bộ đề thi ngẫu nhiên trong số 450 câu hỏi về luật giao thông và lái sa hình báo kết quả bằng máy tự động, không ai “cựa quậy” gì được. 32 học viên cũ đến sát hạch thì...15 người rớt.

Vậy là, phải làm lại. Vâng! Học lại luật, học lại kỹ năng lái xe kỹ thuật cao chắc chắn không thừa, không khó bằng sửa chữa cuộc đời bị làm chậm do sơ suất trên những vòng lăn bánh. Cần nhớ và luôn nhớ, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp trị. Câu tuyên ngôn của lái xe Nguy ngày ấy có hào sảng đến bao nhiêu chắc ngày nay cũng không thể làm mềm lòng những người thực thi luật đường bộ. Thầy hiệu trưởng Trần Đình Văn tâm sự: “Thực ra cái bằng lái xe chỉ được cấp sau mỗi hành trình an toàn, người lái xe trở về với mái ấm với bữa cơm gia đình. Người cầm vô lăng ngoài kỹ năng cần và đủ, trên hết phải là một người thiện, chữ THIỆN viết hoa”!

Từ tuổi thơ, tập đi trên đôi chân mười ngón có mẹ dang tay đón đằng trước, cha đỡ phía sau, đến chiếc xe đạp lăn bánh đường làng, xe mô tô chạy trên đường lớn, cảm giác như 12 năm qua từ Nhâm Ngọ qua Giáp Ngọ, một cuộc chuyển đổi từ văn minh hai bánh lên văn minh bốn bánh đang diễn ra trên đất Quảng Bình một thời mang tiếng đói nghèo ‘khoai khoai toàn khoai”. Và cùng với chuyển động đó của quê hương, công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ của Trường trung cấp Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình cũng đã tiến một bước dài, rất dài...

Đồng Hới 12-2014
Bút ký của Nguyễn Thế Tường