.

Đón xuân nơi biên cương

Thứ Tư, 11/02/2015, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cái rét ngọt đầu năm 2015, từ TP. Đồng Hới, chúng tôi ngược đường 20 Quyết Thắng lên xã vùng biên Thượng Trạch, huyện Bố Trạch để cùng đón xuân với bà con Ma Coong nơi đây. Khác hẳn với nhiều chuyến đi trước, con đường dẫn đến khu vực trung tâm xã Thượng Trạch, vào sâu tận khu vực cửa khẩu Cà Roòng... bây giờ đã được trải thảm nhựa, bê tông rất kiên cố. Đường sá đi lại thuận lợi, khoảng cách địa lý giữa miền sơn cước này với vùng đồng bằng đang ngày một xích lại gần nhau hơn. Lại thêm một mùa xuân mới nữa đang về trên vùng biên Thượng Trạch...   

Những ngôi nhà sàn khang trang của người Ma Coong tại bản Troi, xã Thượng Trạch.
Những ngôi nhà sàn khang trang của người Ma Coong tại bản Troi, xã Thượng Trạch.

Những câu chuyện thắm đượm nghĩa tình nơi vùng biên Aki

Người được chính quyền xã Thượng Trạch và lực lượng biên phòng tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi chính là ông Nguyễn Diệu, Phó Chủ tịch HĐND xã Thượng Trạch. Nhắc đến ông Diệu, chắc nhiều người sẽ nhớ ra đây là nhân vật từng được các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi nhiều về hành động tiên phong xoá bỏ thành công một hủ tục lạc hậu tồn tại nhiều đời của người Ma Coong: Khi người mẹ chết thì phải chôn con nhỏ theo cùng. Ông Diệu cũng là một người con rể của người Ma Coong, rất được nhiều người tín nhiệm.

Từ Đồn Biên phòng Cà Roòng, ngược theo con suối Aki tiến lên phía thượng nguồn và băng qua khu rừng già trùng điệp của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, chúng tôi được ông Nguyễn Diệu dẫn đến bản Aki (bản có tên gọi trùng với con suối và có đường biên giới nằm tiếp giáp với nước bạn Lào).

Dọc đường đi, ông Diệu tâm sự: "Tôi có gốc gác ở Huế, từng có 33 năm sinh sống, gắn bó với vùng đất này. Suối Aki này là một nhánh của một con suối lớn xuất phát từ khu vực bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh). Con suối đó cũng có thêm một nhánh chảy sang nước bạn Lào.

Vì thế, suối Aki và con suối chảy sang nước bạn Lào được bà con nơi đây ví như hai anh em ruột thịt, như tình cảm anh em của hai nước Việt Nam-Lào vậy. Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch này và nhiều người Ma Coong bên nước bạn Lào có quan hệ rất gần gũi, thắm thiết. Không ít người trong số này hiện đang có quan hệ huyết thống như: Cha-con, chồng-vợ, anh em ruột thịt, con cô, con cậu... nên việc qua lại thăm nom nhau diễn ra thường xuyên. Tình cảm của người Ma Coong dọc theo biên giới Việt Nam-Lào cũng vì lẽ đó mà rất thắm đượm nghĩa tình, gắn bó keo sơn...".

Gần một buổi cuốc bộ, khi đoàn chúng tôi vừa đặt chân đến đầu bản Aki thì gặp ngay một nhóm người từ trong bản đi ngược ra, tay xách mấy con gà và gùi sau lưng mấy vật dụng. Sau một hồi trò chuyện với nhóm người nói trên bằng tiếng bản địa, ông Nguyễn Diệu quay sang giới thiệu với chúng tôi: "Đây là bà Y Lỳ, vợ Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Hợp. Còn đây là Đinh Muôn, con trai của bà Y Lỳ. Đinh Muôn sắp cưới vợ nên mẹ con bà Lỳ đến các bản trong xã xin lễ vật (chủ yếu là gà và gạo nếp).

Người Ma Coong ở Thượng Trạch xưa nay thường có tục lệ hễ ai tổ chức đám cưới thì đi đến các bản xin gà, đủ 12 con thì không xin nữa. Nhân việc xin gà, gia đình bên tổ chức đám cưới cũng "tiện thể" mời khách dự cưới luôn. Chính nhờ việc xin lễ vật, nhiều thanh niên nghèo trong xã mới có cơ hội cưới được vợ đó. Tục lệ này rất hay và mang đậm tính nhân văn sâu sắc của con người...".

Lễ hội đập trống người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Lễ hội đập trống người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Ông Diệu dẫn chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn của một người thanh niên có dáng hình đen sạm, chiều cao tuy hơi thấp nhưng rất vạm vỡ, săn chắc. Hỏi ra mới biết đây là Đinh Tiến, sinh năm 1982, hiện là Trưởng bản Aki. Vốn từng là lính nghĩa vụ nên tác phong quân đội sau khi rời quân ngũ luôn được anh áp dụng vào công việc trưởng bản rất khéo léo. Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng mỗi lời nói của Đinh Tiến đều rất có trọng lượng và được nhiều người dân ở bản Aki tín nhiệm cao.

Ngồi hàn huyên được chốc lát, chúng tôi bất chợt thấy một người đàn bà đứng tuổi bước lên cầu thang, đầu đội một mâm xôi to, kèm theo bát muối ớt. Bà đặt mâm xôi vào vị trí giữa mọi người rồi tự giới thiệu và cất lời mời niềm nở: "Tôi là Y Thực, vợ của Đinh Niên, Bí thư Chi bộ bản Aki. Các cô, chú đi đường xa đến bản chắc đói lắm rồi, có chi dùng nấy, đừng khách sáo nghe".

Lại thêm một người, hai người...rồi năm người, sáu người... bưng xôi đến. Tiếp đó là mẹ vợ và chính vợ của Đinh Tiến cũng bưng mỗi người một mâm xôi từ trong bếp ra mời khách. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên đến "ngẩn tò te" của chúng tôi, ông Nguyễn Diệu nhanh miệng lý giải: "Khi có khách (bất kể quen thân hay sơ) đến chơi một nhà nào đó trong bản thì mọi người Ma Coong ở bản đều mang đồ ăn đến chiêu đãi khách.

Khi đồ ăn được mang đến, cho dù bụng có no kềnh thì khách cũng nên nếm thử một miếng để thể hiện sự tôn trọng người mời. Khi không muốn dùng đồ ăn nữa thì chắp tay nói "xà khi" (có nghĩa cảm ơn, dùng xong rồi...), người chủ món ăn đó mới được phép mang trở về nhà mình. Tục này hiện không chỉ có ở bản Aki mà còn được duy trì ở nhiều bản khác của người Ma Coong xã Thượng Trạch...".

Màn đêm buông xuống, hai thầy giáo cắm bản ở điểm trường Aki (trực thuộc Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch) tên Nguyễn Văn Thảo (quê ở xã Xuân Trạch) và Đỗ Hồng Thái (quê ở xã Hưng Trạch) xởi lởi mời chúng tôi về ngủ chung cho bằng được. Thầy Thảo nói: Đêm ở đây lạnh lắm. Điểm trường này rộng rãi, lại có hai chiếc giường ngủ. Các anh ngày mai còn tiếp tục đi đường xa, nên về đây ngủ với chúng tôi cho bảo đảm cho sức khoẻ. Tính bà con ở đây rất mến khách, nhưng hay thức khuya, sợ các anh khó ngủ...”.

Chia tay bản Aki, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với các bản Tuộc, Troi, Cờ Đỏ... Tại mỗi bản làng của người Ma Coong mà chúng tôi đặt chân đến, lại hiểu thêm được rất nhiều câu chuyện hay, cảm động về tình người thắm đượm nơi biên giới. Chúng tôi chợt nhớ tới câu nói nửa đùa nửa thật của thầy Thảo: Lâu nay cắm bản ở vùng biên Aki, chúng tôi thường thấy có "4 nhà" hay lui tới, đó là Nhà nước (chính quyền các cấp), nhà binh, nhà giáo và nhà hàng xóm (dân ở các bản lân cận, thậm chí có cả bà con ở đất Lào). Nay có thêm nhà báo đến thăm, rất mong các anh sẽ có thêm tiếng nói hữu ích để giúp bản làng mau chóng khởi sắc hơn...       

Một năm vui hưởng 3 cái Tết

Thiếu tá Nguyễn Văn Thống, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết, sau dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, vào ngày 16 tháng giêng hàng năm, tại xã Thượng Trạch lại có thêm một cái Tết rất độc đáo, đó là Lễ hội đập trống người Ma Coong. Tiếp đến, vào tháng 4 hàng năm, ở phía bên kia biên giới, người dân nước bạn Lào lại có Tết Bunpimay (Tết té nước).

Lớp học ở bản Aki.
Lớp học ở bản Aki.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến mỗi dịp Tết kể trên là bà con, các đơn vị đứng chân dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Lào đều tiến hành qua lại chung vui, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng là dịp để phía ta và chính quyền, người dân nước bạn Lào tăng cường thắt chặt mối quan hệ keo sơn tồn tại từ bấy lâu...

Thượng tá Phạm Chính Điền, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng cho biết, trước mắt, để chuẩn bị cho mọi người cùng chung hưởng Tết cổ truyền Ất Mùi - 2015 thật ấm cúng, an toàn, hạnh phúc..., trong thời điểm này đơn vị chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Thượng Trạch tiến hành rà soát lại tất cả những trường hợp khó khăn, thiếu đói..., từ đó tham mưu tích cực cho các cấp chính quyền có kế hoạch hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, vào dịp Tết cổ truyền, đơn vị chúng tôi cũng bố trí cán bộ, chiến sỹ về "cắm chốt" 24/24 giờ tại tất cả những bản làng do đơn vị mình quản lý để canh gác, nắm bắt tình hình, hoàn thành tốt công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó. Đồng thời, thông qua công tác vận động quần chúng, đơn vị cũng đang nỗ lực tạo dựng mối quan hệ tình cảm, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tạo nên một "thế trận lòng dân biên giới" thật vững chắc. Dịp Tết cổ truyền năm 2015, đơn vị chúng tôi dự kiến sẽ mua sắm nhiều hoa quả, bánh kẹo, rượu, thịt và gói bánh chưng... để mời dân bản đến chung vui. 

Được biết, từ năm 2011 đến nay, Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã bố trí một đồng chí thiếu tá sang nắm giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Trạch - đó là Võ Doãn Lân. Cũng chính từ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, quân đội và người dân trong mọi công việc, từ một đảng bộ có nhiều yếu kém, những năm gần đây, Đảng bộ xã Thượng Trạch đã vươn lên đạt trong sạch vững mạnh...

Đinh Đừ, Bí thư Chi bộ, Công an viên bản Troi cho hay, toàn bộ các bản làng của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (trừ bản Cham Pu có mô hình lúa nước hai vụ/năm) đều sống dựa vào trồng lúa rẫy, sắn, ngô...

Lúa rẫy hầu như chỉ đáp ứng đủ ăn chừng 6 tháng/năm, còn lại phải nhờ vào sắn, ngô và cả sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau nên hầu như không có chuyện thiếu đói đơn lẻ ở một hộ gia đình.

Văn Minh