.

Đất lành

Thứ Sáu, 06/02/2015, 17:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày lao động bình thường tại vùng lèn Cây Gạo, xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa), trong một thoáng nghỉ tay, ông Nguyễn Thanh Tú (ở thôn 2, Thiết Sơn, Thạch Hóa) thấy trong tầm mắt những chấm đen di động tiến lại gần. Khi ở khoảng cách 5 đến 10 mét, ông mới ngỡ ngàng nhận ra đó là loài linh trưởng quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam, gần như tuyệt chủng, chỉ còn phân bố tại vùng Phong Nha-Kẻ Bàng. Và từ đó ông đảm trách luôn công việc "không công" hết sức nặng nề: bảo vệ đàn Voọc quý khỏi sự săm xoi, xâm hại của những kẻ xấu.

Đàn Voọc trên đỉnh lèn Cây Gạo.
Đàn Voọc trên đỉnh lèn Cây Gạo.

Những vị khách đến từ núi rừng

“Đó là một buổi sáng nắng đẹp, tôi còn nhớ như in ngày 15-1-2015. Thường thường làm việc một mình tôi hay bật nhạc từ máy điện thoại di động nghe cho đỡ buồn và vơi bớt mệt mỏi. Khi nhìn vào vùng lèn, tôi thấy các chấm đen di động tiến lại gần mình rồi... rất gần.

Ở khoảng cách 5 đến 10 mét, chúng dừng lại, và trước mắt tôi là một đàn Voọc gần chục con mình đen tuyền, đuôi dài, hai má trắng, đỉnh đầu có chòm lông đen hất lên. Đàn Voọc ngồi yên lặng, tôi cố sức lên tiếng đuổi nhưng chúng không chịu đi. Sau đó, đàn Voọc di chuyển lên những lèn đá vôi cao” - ông Tú vào chuyện.

Ông Tú kể, ông vốn là sỹ quan biên phòng, trên 16 năm công tác ở tuyến biên giới rừng Quảng Bình, từng được dự khóa tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm, nên khi nhìn thấy đàn Voọc, ông dám chắc mười mươi đây là loài linh trưởng quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam.

Sau đó, ông Tú về kể lại với bố, cụ Nguyễn Văn Đồng, năm nay 77 tuổi. Cụ Đồng xác thực rằng: “Những năm 1960, ở vùng lèn này đã từng tồn tại một đàn Voọc. Sau hòa bình, đàn Voọc vắng dần... Cuộc sống đói nghèo, lo làm ăn đầu tắt mặt tối nên chẳng ai nhớ đến đàn Voọc quý. Sau 55 năm, đàn Vọc xuất hiện trở lại... Đất Thạch Hóa này lành rồi!"

Thăm những vị khách quý

Vùng lèn Cây Gạo cách khu dân cư chưa đầy cây số. Ở đây có cây Gạo trường tồn hàng trăm năm tuổi, đường kính rộng đến 2,5 mét. Dưới chân những hòn lèn đá vôi, người dân vẫn ngày ngày vào trồng ngô, chăm sóc keo, tràm. Từ sau ngày 15-1-2015, rất nhiều lần bà con ở đây thấy đàn Voọc xuất hiện cùng lúc tại nhiều khu vực, địa điểm khác nhau và tần suất xuất hiện của đàn Voọc quý ngày càng dày hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tú như thói quen thường ngày bật nhạc từ máy điện thoại di động, và di chuyển sâu vào vùng lèn, tiếng nhạc cứ hút theo những lèn đá cao hiểm trở. Ông Tú chọn một nơi cao ráo để cho tiếng nhạc vang xa hơn... Tiết trời đang độ xuân ấm, chút nắng vàng trải khắp vùng lèn cao. Chúng tôi chờ đợi giây phút đàn Voọc xuất hiện trong thấp thỏm... Cuối cùng thì những vị khách của núi rừng cũng xuất hiện. Không phải chỉ một đàn mà đến hai đàn lần lượt “đậu” trên hai mỏm lèn cách chúng tôi chừng 100 mét.

Đàn Voọc xuất hiện rõ mồn một, chúng ngồi sưởi nắng, đùa giỡn nhau quanh mỏm lèn, những con Voọc lớn trong đàn bắt chấy rận cho Voọc con. Mỗi đàn chúng tôi đếm được trên dưới chục cá thể.

Bảo tồn đàn Voọc quý, giữ lấy bình yên

Ông Nguyễn Thanh Tú kể, từ ngày phát hiện ra đàn Voọc quý,  ông trở thành người tiên phong bảo vệ không công cho loài linh trưởng này. Bởi ông tâm niệm giữ lấy đàn Voọc quý, tạo cho chúng môi trường sống, bảo vệ nghiêm ngặt tránh bị kẻ xấu săn bắn... là giữ lấy bình yên của núi rừng.

Ông Nguyễn Thanh Tú cùng với lực lượng kiểm lâm đang bàn kế hoạch bảo vệ đàn Voọc.
Ông Nguyễn Thanh Tú cùng với lực lượng kiểm lâm đang bàn kế hoạch bảo vệ đàn Voọc.

Sau khi được ông Tú thông báo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa, UBND huyện Tuyên Hóa và chính quyền xã Thạch Hóa đã nhanh chóng vào cuộc. Theo ông Trần Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, bước đầu UBND xã đã thành lập tổ bảo vệ rừng cộng đồng 10 người gồm cán bộ lãnh đạo xã, thôn, kiểm lâm địa bàn, trong đó có ông Tú để bảo vệ đàn Voọc quý. Hành trình “vác tù và hàng tổng” bảo vệ đàn Voọc của ông Tú kể từ sau ngày 15-1-2015 diễn ra liên tục, bất kể đêm ngày.

Trong khoảng hơn 20 ngày, ông “chấm” được các điểm đàn Voọc thường hay xuất hiện và vẽ thành bản đồ rất cụ thể cùng các địa danh: Giàn Vượn, Cửa Hung, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Sú, Miếu Tam Quan, Hang Ngá, lèn Cây Gạo...

Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Trọng Hưng cho biết: “Bước đầu chúng tôi xác lập xong tọa độ đàn Voọc xuất hiện trong khu vực vùng đá lèn thuộc 3 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa và Nam Hóa, khoảng 7 đến 9 đàn, số lượng trên 100 con. Trong đó tập trung chủ yếu ở xã Thạch Hóa với diện tích 174ha, bao gồm: lèn Cây Gạo, Thạch Hóa 51,6ha, Nam Tang Bồng, Thạch Hóa trên 104ha; Hung Me, Đồng Hóa 18,74 ha”.

“Công tác nghiên cứu, điều tra, bảo tồn đàn Voọc mình đen má trắng ở huyện Tuyên Hóa đang trở thành trách nhiệm lớn của các ngành chức năng, các nhà khoa học và của cả cộng đồng. Về phía ngành Kiểm lâm đang tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: sắp tới sẽ tổ chức khảo sát vùng sinh cảnh; điều tra về loài; điều tra về số lượng cá thể; tập quán sinh hoạt, thức ăn chính của loài; lên phương án tuyên truyền, bảo vệ... để có hướng bảo tồn lâu dài, cụ thể, thiết thực và hiệu quả” - ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định.

“Điều may mắn đối với công tác bảo tồn thiên nhiên của ngành Kiểm lâm là bên cạnh chúng tôi còn có những người tuyệt vời như ông Tú. Ông Tú là người đầy trách nhiệm và tâm huyết”. - Ông Thái nói thêm.

Một kế hoạch dài hơi bảo tồn đàn Voọc quý dần định hình. Còn hiện tại, ông Nguyễn Thanh Tú vẫn ngày đêm chăm lo cho sự bình yên của đàn Voọc do mình phát hiện ra, như lời tâm sự qua mấy câu thơ bình dị: “Ước gì được như ngày xưa/Gió lùa chim đến đung đưa trước nhà/Ước gì rừng núi quê ta/Sáng nghe vượn hót chim ca trên cành/Ước gì tôi hóa rừng xanh/ Để cho đàn Voọc chuyền cành đắm say”.

Ông Nguyễn Thanh Tú lo ngại nhất khi UBND xã Thạch Hoá đang có kế hoạch xây dựng bãi rác tập trung tại vùng lèn nơi sinh sống của đàn Voọc mình đen má trắng. Một điều quan ngại khác là việc khai thác đá bằng mìn diễn ra ở các khu vực giáp ranh cũng ảnh hưởng đến cuộc sống loài Voọc.

Hy vọng các ngành chức năng cần lưu ý hai vấn đề này trong quá trình nghiên cứu, bảo tồn, phát triển đàn Voọc.

Hương Trà



.