.

Xuân sớm vùng biên cương

Thứ Bảy, 03/01/2015, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi lên vùng biên giới phía tây Lệ Thuỷ vào một ngày đẹp trời cuối năm. Từ nhánh đông đường Hồ Chí Minh rẽ theo Quốc lộ 9B (trước đây là tỉnh lộ 10), ngược lên Trường Sơn, nhìn hai bên là những cánh rừng keo, vườn cao su xen lẫn rừng tự nhiên xanh tươi trải dài dưới ánh nắng vàng trông thật đẹp mắt. Chúng tôi có cảm giác mùa xuân như đang đến sớm ở vùng biên cương này!

 

Tặng quà cho các cháu Trường mầm non bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy.
Tặng quà cho các cháu Trường mầm non bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy.

Xe ô tô vừa đến doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 79 (Đoàn 79), chúng tôi đề nghị Đoàn trưởng, thiếu tá Lê Vinh Khương được đến thăm làng công nhân Vân Kiều ngay. Bởi chúng tôi đoán chắc lúc này những người công nhân, lao động vừa ở vườn cây cao su về nghỉ trưa.

Vừa đi, Đoàn trưởng Lê Vinh Khương vừa tâm sự với chúng tôi rằng, cách đây 5 năm, khi nhận nhiệm vụ xây dựng dự án Khu kinh tế Quốc phòng ở miền tây Quảng Bình này, trong lòng mỗi một người lính đơn vị đều xốn xang, trăn trở.

Trường Sơn là một địa danh mà thời chiến hay thời bình mỗi khi nhắc đến, những người lính đều thấy bùi ngùi thương nhớ. Sau ngày đất nước giải phóng, những vùng đất Trường Sơn phần lớn đều chậm phát triển, bà con dân tộc ở đây vẫn còn nghèo khó.

Đoàn trưởng thổ lộ, đơn vị được giao 2 nhiệm vụ chính là trồng cây cao su và xây dựng các cụm bản trên địa bàn đứng chân.  Xem qua nhiệm vụ thứ hai có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện không dễ chút nào. Lạ đất, lạ người và lạ cả cách làm và có cả phần thận trọng của chính quyền đối với lĩnh vực lâm nghiệp vốn nhiều nhạy cảm trên vùng đất mới, song những người lính Đoàn 79 không chùn bước.

Vừa dựng doanh trại vừa nhận rừng để trồng cao su, chỉ huy Đoàn 79 cho triển khai tuyển chọn  thanh niên dân tộc Vân Kiều ở các xã trong vùng để dạy nghề, đưa vào làm công nhân trong các đội sản xuất.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ, phương châm của Đoàn 79 là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, bám dân, bắt tay chỉ việc cho dân. Khi thực hiện dự án trồng cây cao su ở đây, Đoàn 79 ưu tiên tiếp nhận lao động tại địa phương vào làm công nhân; trong đó đặc biệt ưu tiên con em dân tộc Vân Kiều ở các xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ và Lâm Thuỷ. Đến nay đơn vị đã tuyển dụng được 243 lao động làm cao su, trong đó có 81 người dân tộc Vân Kiều; mức lương bình quân tăng dần qua hàng năm, riêng năm 2014 là 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Chúng tôi theo chân Trung úy Nguyễn Bá Hưng, Đội trưởng Đội 1, Đoàn 79, đến thăm làng công nhân vừa được xây dựng khang trang ngay bên những cánh rừng cao su. Anh Hưng cho biết, ngoài một số cán bộ “khung” là bộ đội thì lực lượng chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều. Ngoài việc cấp đất, đơn vị còn hỗ trợ cho họ mỗi hộ 20 triệu đồng để làm nhà ở nên hầu hết bà con rất yên tâm khi vào làm công nhân ở đây. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc các nữ công nhân vừa hoàn thành việc bón phân cho cao su trở về.

Những cô gái Vân Kiều mà nếu thoạt nhìn khó phân biệt là người dân tộc thiểu số bởi cô nào cũng xinh xắn, trắng trẻo, ăn nói trôi chảy và dí dỏm. Ngôi nhà công nhân đầu tiên mà chúng tôi vào thăm gồm 2 vợ chồng và một cháu bé 2 tuổi. Ngôi nhà chưa được khang trang lắm, nhưng khá chắc chắn và ấm áp giữa mưa gió Trường Sơn.

Trường mầm non Lâm Thuỷ do Dự án Cụm bản Quốc phòng đầu tư.
Trường mầm non Lâm Thuỷ do Dự án Cụm bản Quốc phòng đầu tư.

Chủ nhà, anh Hồ Văn Chăn, sinh năm 1981, ở bản Đá Còi, xã Ngân Thủy tâm sự, công việc chính trước đây của anh là vào rừng bẫy thú và khai thác các loại lâm sản để kiếm tiền đong gạo. Bước ngoặt cuộc đời đã đến với anh là khi dự án thành lập khu kinh tế - quốc phòng được triển khai trên quê hương Ngân Thủy. Ngày anh nhận được tin trúng tuyển vào làm công nhân của Đoàn 79, anh không dám tin đó là sự thật, vì nghĩ rằng chỉ người dưới xuôi có trình độ mới làm công nhân được, chứ như anh thì ai nhận!

Rời ngôi nhà của anh Chăn, chúng tôi gặp cô Hoàng Thị Cam, 24 tuổi người Vân Kiều ở bản Cây Bông, xã Kim Thuỷ cùng chồng được tuyển vào làm công nhân từ 2 năm nay. Cam nói lương tháng của cả hai vợ chồng cô bây giờ đã hơn bảy triệu đồng. Cam cười khoe hàm răng trắng, đều tắp nói rằng: "Cả đời em có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày hàng tháng em được cầm số tiền lớn như vậy”.

Qua câu chuyện của anh Chăn, cô Cam chúng tôi đã hình dung phần nào về cuộc sống mới của những thanh niên dân tộc Vân Kiều ở trong làng công nhân. Công việc hàng ngày của họ là trồng và chăm sóc vườn cây cao su.

Anh Chăn kể cho chúng tôi nghe rằng, cây cao su thì anh không lạ lẫm gì, bởi mỗi lần có chuyện lên xuống đường 10 thấy người ta làm nhiều, nhưng khi được tập huấn về kỹ thuật và bắt tay thực hành trồng cao su thì không khỏi bỡ ngỡ. Bàn tay thô ráp, chai sạn quen với cái bẫy trong rừng, giờ tỉa cành, không khéo đụng gãy ngọn cây cao su thì nguy. Lo thì lo thế nhưng được sự hướng dẫn tận tình của các anh bộ đội, anh cũng làm được. Nhận tháng lương đầu tiên được gần 3 triệu đồng, cả nhà anh vui như ngày Tết. Anh nói bằng hơn hai tháng trời chui rúc trong rừng săn tìm động vật.

Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Chủ nhiệm chính trị Đoàn 79 cho biết thêm, anh Chăn là một trong những công nhân nắm rất chắc kỹ thuật chăm sóc cao su, anh làm việc cần mẫn khiến lãnh đạo đơn vị rất hài lòng. Anh Chăn khoe với chúng tôi, anh được Đoàn 79 cấp cho hơn 300m2 đất ở, hỗ trợ cho 20 triệu đồng làm nhà. Năm nay là năm thứ hai gia đình anh đón Tết trong ngôi nhà công nhân.

Mặc dù chưa được khang trang cho lắm, nhưng ngôi nhà thực đã là một tổ ấm tràn đầy hạnh phúc cho những thanh niên Vân Kiều như anh. Anh khoe gia đình anh có thêm niềm vui nữa là, cô em gái Hồ Thị Hoan của anh cũng được đơn vị tuyển vào làm công nhân, là một trong 2 thanh niên được chọn cử đi học Đại học Tây Nguyên, khoa trồng trọt để sau này về làm cán bộ kỹ thuật ở làng.

Đoàn 79 thực hiện phát triển vùng cao su nguyên liệu 3.600ha, đầu tư hạ tầng tại ba xã vùng cao Ngân Thủy, Lâm Thủy và Kim Thủy, huyện Lệ Thủy để tạo sinh kế và ổn định đời sống cho người dân ba xã nói trên. Từ nhiệm vụ phát triển cao su, đơn vị đã hình thành được 5 khu dân cư gắn với 5 đội sản xuất với 84 hộ gia đình trong đó có 25 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Bộ đội Đoàn 79 giúp dân bản Bạch Đàn trồng sắn.
Bộ đội Đoàn 79 giúp dân bản Bạch Đàn trồng sắn.

Đặc biệt trong làng đã gắn kết được 7 đôi thanh niên thành vợ chồng, tạo sức sống mới cho làng; có một thanh niên Vân Kiều vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và 4 người được giao trọng trách làm tổ trưởng sản xuất. Một số hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò để tăng thu nhập cho gia đình.

Trong tháng 10 vừa qua, Đoàn 79 đã tổ chức lễ bàn giao 40 con bò lai sind cho 40 hộ dân ở 3 xã Kim Thuỷ, Lâm Thuỷ, Ngân Thuỷ. Trong số bò đó có 26 con được trao cho các hộ dân tộc Vân Kiều và 14 con bò được trao cho các hộ kinh tế mới. Ngoài ra đơn vị còn đầu tư một mô hình chăn nuôi 10 con bò giống tại đội dân vận Làng Ho, để cung cấp bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn bản Mít, bản Ho Rum và bản Trung Đoàn.

Có được thành quả ngày hôm nay, Đoàn trưởng Lê Văn Khương cho biết, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sỹ về tận các bản xây dựng mô hình kinh tế. Trong năm 2013 và 2014, đơn vị đã tổ chức cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho 10 hộ dân để trồng 10ha sắn cao sản tại 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy, vụ đầu tiên thu hoạch được 185 tấn sắn. Đơn vị đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bà con vui lắm....

Bên cạnh những việc làm ý nghĩa trên, Đoàn 79 còn quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn như: Xây tặng địa phương 6 nhà đại đoàn kết, 1 nhà tình nghĩa, 1 nhà đồng đội với tổng số tiền 300 triệu đồng. Mua tặng 3 xã Kim Thủy, Lâm Thủy và Ngân Thủy 3 bộ giàn máy vi tính trị giá 45 triệu đồng; tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Ngày vì người nghèo, thực hiện chính sách với người có công trên địa bàn. Đồng thời tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán, Ngày thương binh liệt sỹ, ủng hộ các lễ hội của địa phương... Bình quân mỗi năm đơn vị đã chi ủng hộ các hoạt động này khoảng 150 triệu đồng...

Mặc dù còn đó những khó khăn thiếu thốn, nhưng những gì mà cán bộ chiến sỹ Đoàn 79 đã làm trong 5 năm qua thực sự đã mang lại mùa xuân ấp áp cho bà con dân tộc trên dãy Trường Sơn.

Trọng Thái