.

Những nụ hồng cách nửa vòng trái đất

Thứ Bảy, 14/02/2015, 14:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi vốn rất ấn tượng với những vần thơ của cố thi sỹ Xuân Hoàng viết về Đồng Hới, viết về hoa hồng... dự cảm về một thành phố sau này đầy sắc hồng tươi tắn “Ta lại về xây Đồng Hới quê ta. Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ”. Những ngày đầu năm 2015, đi giữa những con đường rợp ngàn hoa... tôi lại nhớ về Đồng Hới xưa, Đồng Hới bây giờ và Đồng Hới của tương lai.

 

Hoa hồng từ đất nước Cu Ba bình dị khoe sắc giữa thành phố Hoa Hồng.
Hoa hồng từ đất nước Cu Ba bình dị khoe sắc giữa thành phố Hoa Hồng.

Thông điệp từ quá khứ

Trên hành trình đi tìm lại dấu tích hoa hồng xưa, tôi có dịp ngồi trò chuyện với ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Công viên- Cây xanh Đồng Hới, người cũng như tôi canh cánh về sắc hoa dệt nên tiếng thơm nơi quê hương mình-thành phố Hoa Hồng.

Ông Hùng nhớ lại: “Thị xã trước năm 1964 rất bình yên. Lúc đó, tôi còn nhỏ thường hay được mẹ dẫn đi chơi phố. Ấn tượng đọng mãi trong tôi là có rất nhiều hoa hồng trồng trong vườn nhà dân, trước công sở nhà nước, trong những ngôi chùa.

Hoa hồng Đồng Hới ngày đó có đài to, cánh sắc, sắc hoa thắm đỏ giữa đất trời, đẹp khó diễn tả hết được. Chiến tranh lan ra miền Bắc, thị xã bé nhỏ bên dòng Nhật Lệ bị bom Mỹ đánh phá tan hoang, người Đồng Hới đi tản cư, hoa hồng Đồng Hới thiếu người chăm, mai một dần”.

Nếu ai “trót” yêu thơ thi sỹ Xuân Hoàng, sẽ bắt gặp trong ông những nụ hồng không bao giờ phai nhạt, gục ngã trước bom đạn chiến tranh, hoa hồng như người Đồng Hới, bình dị, thân thương... kiên trinh, anh dũng ngẩng cao đầu trước mưa bom,  bão đạn.

Tôi tìm thấy từ tuyển tập thơ ông bài thơ “Người trồng hoa trong thành Đồng Hới”: “Vườn bác đủ hoa hồng các loại/Tự bao năm bác chăm chút vun trồng/Hường trắng tinh, hường vàng mềm mại/Hường sen cười bên đóa thắm hường nhung/Giặc Mỹ ghét khu vườn hồng tươi đẹp/Liên tiếp dội bom xuống phố Hải Đình/Một quả bom rơi đúng vào nhà bác/Cả vườn hoa: Sắt thép xéo tan tành/Đã chết rồi, người chăm chút hồng nhung/Người cán bộ ở cùng khu phố nhỏ/Tội ác Mỹ, nhắc rồi cần nhắc nữa/Đốt màu xanh nay chúng đốt sắc hồng/Đã lâu lắm tôi không về thị xã/Chiều hôm nay qua trước ngõ bác Lầm/Nhà bác đổ, trơ khung nhà lại đó/Trong vườn hoa vẫn nở mấy cánh hồng/Định ngắt một bông hoa trên nhánh sót/Bỗng ngừng tay: Người chết vốn yêu hoa/Xin hãy để cánh hồng bên cạnh bác/Hoa đang cần tiếp sức nở đường xa”.

Bác Lầm trong thơ thi sỹ Xuân Hoàng có họ tên đầy đủ là Trần Hữu Lầm, một người yêu hoa hồng nơi phố nhỏ Hải Đình xưa, bạn thân nhà thơ. Trận bom Mỹ ngày 3-6- 1965 phá nát thị xã vốn đã nát tan, một quả bom rơi trúng vườn nhà ông Lầm. Một năm sau, thi sỹ về lại Đồng Hới, biết tin bạn mất đã “rứt ruột” nên bài thơ làm “Người trồng hoa trong thành Đồng Hới” viếng bạn.

Cũng trong hành trình theo dấu tích hoa hồng xưa, tôi cùng các đồng nghiệp Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh may mắn gặp anh Trần Hữu Quý, con trai ông Trần Hữu Lầm, nay nhà ở phường Bắc Nghĩa. Anh Quý nhớ lại một thời sắc hồng luôn thắm trong khu vườn nhà mình giữa thị xã Đồng Hới: “Sau kháng chiến chín năm đến giai đoạn trước 1964, ở thị xã Đồng Hới nhiều gia đình trồng hoa hồng. Vườn nhà ba tôi rộng khoảng 500 mét vuông trồng đủ các sắc hồng: hồng đỏ, hồng cánh sen, hồng trắng, hồng vàng... Ba cũng như bao gia đình khác, trồng hoa chỉ thỏa cái thú yêu hoa, trọng hoa chứ không bán mua.

Trong rất nhiều cán bộ tỉnh, nhà văn, nhà báo đến thăm vườn hồng gia đình có nhà thơ Xuân Hoàng. Có lần thi sỹ dẫn theo một nhà văn nữ người Bungari. Khi nghe phiên dịch giới thiệu về sức sống kỳ diệu của người và hoa hồng nơi thị xã đổ nát mà vẫn ngoan cường, trung trinh, nữ thi sỹ đến từ xứ sở hoa hồng xúc động: “Mảnh đất này là xứ sở hoa hồng!”. Còn thi sỹ Xuân Hoàng thì cảm tác “Ta lại về xây Đồng Hới quê ta. Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ...”. Phải chăng thị xã bé nhỏ thơm hương hoa hồng từ đây chăng? Để đến bây giờ vẫn mãi là thành phố Hoa Hồng”.

Lặng thầm công việc chăm hoa của đội ngũ công nhân   Trung tâm Công viên - Cây xanh Đồng Hới.
Lặng thầm công việc chăm hoa của đội ngũ công nhân Trung tâm Công viên - Cây xanh Đồng Hới.

Tôi không có ý định tìm hiểu danh xưng thị xã Hoa Hồng, thành phố Hoa Hồng gốc tích phát xuất từ đâu. Tôi cũng như anh Trần Hữu Quý hay giám đốc Trung tâm Công viên - Cây xanh Đồng Hới Phạm Quốc Hùng và những người Đồng Hới từng sống, chiến đấu, gắn bó với Đồng Hới cứ đau đáu đi tìm lại giống hoa hồng bản địa, giống hoa hồng xưa từng khoe sắc hương giữa đất trời Đồng Hới khét lẹt mùi bom đạn, chiến tranh. Trần Hữu Quý ngậm ngùi: “Tôi nhớ về ba, cố đi tìm... nhưng thú thực hoa hồng bây giờ không còn là giống hồng xưa cũ”.

Những nụ hồng cách nửa vòng trái đất

Lại nói về câu chuyện “Ta lại về xây Đồng Hới quê ta. Sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ” theo lời thơ dự cảm xưa của thi sỹ Xuân Hoàng, Giám đốc Phạm Quốc Hùng tiếp tục “say” trong một dự án nay trở thành hiện thực: “Bây giờ... đi trên các tuyến đường chính thành phố Đồng Hới, chúng ta thấy “hoa hồng đã nở hoa”. Xứng đáng với danh hiệu thành phố Hoa Hồng”.

Năm 2007, Trung tâm Công viên-Cây xanh Đồng Hới thành lập, chừng ấy năm Giám đốc Hùng cùng nhân viên đi hết các vùng đất nội thành “săn” giống hoa hồng bản địa xưa về để phục hồi nhưng tuyệt nhiên giống hồng xưa không còn nữa. Trung tâm tiếp tục lấy các giống hồng từ Đà Lạt, Hà Nội... về thí điểm, vẫn thất bại. Các giống hoa hồng “đỏng đảnh” chỉ sống trong môi trường bảo đảm đầy đủ về nhiệt độ, ánh sáng, khí hậu và chỉ là thành phẩm thương mại. Khi trồng trên phố, trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt, khô hạn về mùa hè, gió mùa, hơi mặn về mùa đông, những loại hoa hồng này lụi tàn dần.

Vẫn lời Giám đốc Phạm Quốc Hùng: “Tình cờ thôi nhé! Một lần tôi đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới, thấy giống hoa hồng cây nhỏ, hoa nhiều, hoa tuy bé nhưng màu sắc hồng nhạt nhìn rất bắt mắt. Đặc biệt, nếu trồng riêng thì giống hoa này không có gì nổi trội nhưng nếu trồng thành một dãy, một rừng thì sắc hoa cực kỳ tươi sáng.

Tìm hiểu sâu mới biết, giống hồng này đến từ đất nước Cu Ba anh em xa xôi, cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Khi các chuyên gia sang giúp Quảng Bình xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, giống hoa hồng này di cư theo và sống trường tồn, nở hoa bình dị trên mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Bình. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi rằng, mình đã tìm thấy giống hoa hồng cho thành phố Hoa Hồng”.

Thành phố Đồng Hới ngày một khang trang hơn.
Thành phố Đồng Hới ngày một khang trang hơn.

Năm 2010, đề án nhân rộng giống hoa hồng Cu Ba trên các tuyến phố Đồng Hới nhận được sự đồng tình cao từ UBND tỉnh, Sở Khoa học - Công nghệ. Qua 5 năm, dưới bàn tay chăm sóc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Trung tâm Công viên - Cây xanh Đồng Hới, hoa hồng Cu Ba đã “chấp nhận” nắng, gió, hơi biển mặn mòi nơi thành phố ven dòng Nhật Lệ. Hàng nghìn gốc hoa hồng nhân giống, trồng khắp các tuyến phố chính: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hữu Nghị, Quách Xuân Kỳ - Trương Pháp nối dài; Quang Trung, Nguyễn Hữu Cảnh... Từ thành phố Đồng Hới, hoa hồng Cu Ba lại được các thành phố lớn: Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An... đón nhận.

Nhân giống thành công, bằng sự khéo léo của đội ngũ công nhân lành nghề Trung tâm Công viên- Cây xanh Đồng Hới, hoa hồng Cu Ba dường như hiểu, cảm thông với đất và người Quảng Bình, chiều theo ý người. Mỗi năm hồng Cu Ba nở từ 4 đến 5 lượt hoa, tùy vào từng sự kiện trong năm mà con người có thể “dỗ” hoa nở theo ý mình...

Một sáng xuân đẹp trời, tôi cho phép mình rong chơi trên từng tuyến phố Đồng Hới. Lặng lẽ giữa phố ồn ào là những nữ công nhân Trung tâm Công viên-Cây xanh Đồng Hới đang tỉ mẫn chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, trong đó có giống hoa hồng Cu Ba nghĩa tình. Chị Đào Thị Thanh, sinh năm 1972, ở xã Nghĩa Ninh, có thời gian công tác bằng đúng thời gian Trung tâm thành lập chia sẻ: “Phải yêu nghề em ạ. Chăm hoa cỏ cũng giống như chăm sóc con mọn vậy, kiên trì, nhẹ nhàng... nóng nảy một chút là “xôi hỏng bỏng không ngay”. Chị yêu và trân trọng thành phố Hoa Hồng, bằng chính ngay từ công việc lặng thầm của các chị”.

Nữ công nhân Đào Thị Xuân, sinh năm 1980, nụ cười tươi rói trên gương mặt thanh tú. Xuân bảo chăm sóc cây cảnh, hoa cỏ làm đẹp cho thành phố ai mà chẳng muốn, dù có mệt nhọc gấp trăm lần như thế này đi nữa thì các chị vẫn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Thế hệ em sinh ra sau chiến tranh, biết quê hương mình được gọi là thành phố Hoa Hồng, em trân trọng từng gốc hoa hồng từ đất nước Cu Ba xa xôi đến với thành phố, làm sống lại biểu tượng thành phố”, Đào Thị Xuân chân tình.

Đồng Hới vào xuân, đâu đó tôi bất chợt gặp những nụ hồng cách xa đến nửa vòng trái đất đang nở bung ra giữa đất trời phơi phới hồng.

Thanh Long