.

Những câu chuyện từ biển - Bài 1: Linh thiêng trước biển

Thứ Sáu, 12/12/2014, 15:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Hành trình của chúng tôi xuyên suốt chiều dài 116km bờ biển từ Đèo Ngang vào đến Ngư Thủy Nam, giáp với tỉnh bạn Quảng Trị. Ngày khởi hành của chuyến đi, chúng tôi đến thăm Vũng Chùa-Đảo Yến, kính cẩn thắp nén hương trước phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau những ngày biển Đông dậy sóng, biển trở lại hiền hòa. Biển chất chứa trong lòng những câu chuyện về thế thái nhân tình cần được kể. Những câu chuyện xin được bắt đầu từ Vũng Chùa-Đảo Yến, đất linh thiêng!

 

Canh giấc ngủ Đại tướng và hướng dẫn khách đến viếng mộ.
Canh giấc ngủ Đại tướng và hướng dẫn khách đến viếng mộ.

Tháng 7-2012, chúng tôi từng thực hiện loạt ký sự “Vững vàng nơi đầu sóng” viết về lực lượng Bộ đội Biên phòng dọc theo tuyến biên giới biển Quảng Bình. Ngày đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa về với đất mẹ Quảng Bình.

Vũng Chùa-Đảo Yến hoang sơ, bình yên như bao vùng biển nghèo miền Trung khác. Hơn một năm Đại tướng an nghỉ tại Vũng Chùa, đất thành linh thiêng mà dung dị. Ngày ngày dòng người vẫn nối nhau không ngơi đến viếng mộ Người.

Đồn Biên phòng Roòn đóng trên đất Quảng Phú, phụ trách tuyến biên giới biển dài 21km trải qua 4 xã Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Hưng và Cảnh Dương. Sau 2 năm bây giờ trở lại, Đồn Biên phòng Roòn vẫn thế, không thay đổi gì nhiều, có chăng  chỉ là cây xanh bị gãy đổ ở trận bão số 10 năm 2013, nay chưa lên lại kịp. Nhưng quân số của Đồn thì có xáo trộn đi ít nhiều. Đồn trưởng Đinh Tiến Khâm về nghỉ hưu, trung tá Phan Thanh Bổng, Đồn phó lên thay. Đồn phó Lê Xuân Hóa, gốc người Hải Dương nay luân chuyển lên làm Đồn trưởng Đồn Ra Mai ở  xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa...

Thượng tá Lê Văn Sơn cách đây 4 tháng tôi còn gặp anh tại Đồn Biên phòng Cà Roòng, xã Thượng Trạch, bây giờ đã thấy anh ở Đồn Roòn. Bắt tay chào nhau, đùa câu cửa miệng “Trái đất hẹp quá!”. Ừ! Mà ngôi nhà biên phòng Quảng Bình cũng hẹp thật, mười mấy đồn ở hai tuyến biên giới biển và rừng vẫn thường luân chuyển, nên cứ nhận ra người quen là lẽ thường tình.

Chính trị viên Lê Văn Sơn cho biết: “Năm 2014, tình hình trên tuyến biên giới biển thuộc địa bàn Đồn Roòn quản lý diễn ra khá ổn định, trật tự trị an luôn giữ vững. Chủ quyền, an ninh trên biển xảy ra một số việc đáng lưu ý: phát hiện 4 lượt gồm 15 tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam khai thác trái phép thủy hải sản, báo cáo cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai lực lượng xua đuổi.

Về phía ngư dân Việt Nam có 1 tàu bị Trung Quốc bắt giữ và trao trả vào ngày 16-7-2014. Xảy ra 10 vụ tai nạn trên biển làm chết 3 người, hư hỏng 3 tàu cá trị giá khoảng 900 triệu đồng. Ở vùng biển gần bờ, nhiều phương tiện ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi dùng mìn, xung điện, đèn cao áp, giã cào... đánh bắt sai tuyến, đánh bắt tận diệt ảnh hưởng đến trật tự trị an trên biển, phá hoại môi sinh môi trường, gây bức xúc trong nhân dân”.

Tuần tra, canh gác trên biển.
Tuần tra, canh gác trên biển.

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê, như câu nói dung dị của Người “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Ông về quê nhưng không nhất thiết cứ chọn An Xá làm nơi dừng chân ngàn thu. Với nhãn quan chính trị, quân sự lỗi lạc của một vị tướng một đời xông pha trận mạc nhưng cũng rất nhân văn, đậm cốt cách anh Văn, Đại tướng quyết định chọn Mũi Rồng, Vũng Chùa - Đảo Yến, đất hội đủ các yếu tố: bối sơn (lưng dựa vào núi), diệp thủy (trước mặt là nước), hướng dương (nhìn ra phía mặt trời, hướng ra biển lớn).

Mũi Rồng, Vũng Chùa, đất “ngọa hổ tàng long”, “voi chầu hổ phục”, đầu dựa vào dãy Hoành Sơn, lưng chập chùng các dãy núi đá kéo dài. Từ Mũi Rồng nhìn ra, Vũng Chùa rộng mở dưới chân, xa hơn là biển Đông bao la hòa vào Thái Bình Dương, thế tựa vào ba hòn đảo chân kiềng vững chải: Hòn Yến, Hòn Gió, Hòn La. Đất linh thiêng trước biển mở rộng vòng tay đón lấy người con kiệt xuất của quê hương, đất nước trở về rất đổi bình dị, thân thương.

Tháng 10-2013, sau Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đồn Biên phòng Roòn có thêm một lực lượng “đặc biệt”: Đội công tác bảo vệ phần mộ Đại tướng với quân số ban đầu gần 30 người và hiện tại tăng lên 40 người, thượng úy biên phòng có cái tên ngồ ngộ Khắc Ngọc Tân Hào, quê quán Lệ Thủy làm đội trưởng.

Theo lời Chính trị viên Lê Văn Sơn, tính đến hết tháng 11-2014 đã có trên 124 nghìn đoàn khách trong nước và quốc tế với hơn 1,5 triệu lượt người đến viếng mộ Đại tướng. Làm tốt trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu lăng mộ, giữ yên giấc ngủ ngàn thu cho Người là công việc thường ngày của Đội “công tác đặc biệt”.

Với lượng khách hàng ngày đến viếng mộ Đại tướng rất đông, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác bảo vệ phải thường trực 24/24 giờ, đảm nhận nhiều công việc: tiếp đón, đăng ký, hướng dẫn các đoàn khách; giúp đỡ người già, em nhỏ, thương binh, cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu từ mọi miền của Tổ quốc về viếng; tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực và khuôn viên khu mộ; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn và chính quyền địa phương làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn; cùng lực lượng công an làm nhiệm vụ phân luồng, điều hành phương tiện vào khu vực mộ bảo đảm thông thoáng...

Toàn cảnh Vũng Chùa-Đảo Yến nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quang
Toàn cảnh Vũng Chùa-Đảo Yến nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quang

Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào tâm sự: “Áp lực công việc rất lớn, nhưng hơn một năm qua, Đội công tác bảo vệ khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không chỉ là trách nhiệm trước Đảng, trước dân, với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mà còn là tiếng nói từ tâm, thầm hứa trước anh linh Đại tướng sẽ mãi mãi canh giấc ngủ cho Người luôn bình yên. Công tác hướng dẫn các đoàn khách đến viếng luôn chu đáo, lịch sự, trang nghiêm. Hình ảnh người lính biên phòng để lại dấu ấn đậm nét cho những ai một lần đến Vũng Chùa - Đảo Yến”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Bá Hạt, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, mới đây lại về viếng Đại tướng. Năm tháng đi qua nhưng trong ký ức người lính biên phòng già mãi không bao giờ quên từng kỷ niệm sâu sắc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cá nhân ông, dành cho lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình mỗi lần Người về quê, những lần gặp gỡ. Ông thắp hương trước mộ Đại tướng, lòng cứ nghẹn đắng, rưng rưng.

Ông bảo vẫn biết quy luật sinh-lão-bệnh-tử là hữu hạn, nhưng người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đi đã để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho triệu triệu con tim trên đất nước này, trên toàn châu lục này.

Người anh hùng già viếng mộ Đại tướng xong, không quên ghé thăm Đồn Biên phòng Roòn, ngồi giữa lớp lính con cháu trẻ măng, Anh hùng Phạm Bá Hạt run run lần tìm bắt tay từng cán bộ, chiến sỹ của đồn thật chặt như động viên, khích lệ, như gửi gắm... Con cháu mình bây giờ giỏi lắm, đủ sức gánh vác trách nhiệm cha anh đi trước giao phó cho. Ngày ngày dành hết tình cảm của mình trên vùng đất linh thiêng đang ôm trọn hình hài vị tướng của nhân dân.

Chúng tôi tạm biệt vùng đất linh thiêng Vũng Chùa-Đảo Yến, chia tay Đội công tác bảo vệ phần mộ và Đồn Biên phòng Roòn anh hùng. Đi xa mà vẫn thấy dáng vị anh hùng già Phạm Bá Hạt cười thật tươi giữa đám lính trẻ trước biển trời chiều.

Thanh Long-Anh Tuấn

Bài 2: Hành trình giữa biển