.

Dựng làng bên bờ biển Đông

Thứ Sáu, 16/01/2015, 15:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Hai ngôi làng ở đầu mũi sông Gianh xã Thanh Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) đã viết nên câu chuyện “phù đổng” khi dựng làng trên miền cát trắng. Nhờ vào sức vóc chí khí cư dân, nhờ vào biển cả mà người làng làm nên chuyện “cổ tích” về vươn vai làm giàu. Ấy là làng Thanh Gianh và Thanh Hải. Những thế hệ dựng làng nay đã già, nhìn lại cháu con ngoan hiền, làm ăn vững vàng, họ tin rằng việc chọn đất ở xứ cát nắng bên bờ biển Đông là cuộc lựa chọn muôn đời cho giữ đất giữ làng, cho phát triển mạnh mẽ.

1. Trong gác nhà cấp bốn chắc chắn nếp xưa, trưởng thôn Nguyễn Văn Đeng đang soát lại số liệu để chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thành lập làng. Ông gác lại mọi chuyện để dẫn chúng tôi một vòng quanh làng trên cát. Xứ đất này ngày trước mọi người lập làng từ hai bàn tay trắng.

“Vốn trước đây là hợp tác xã ngư nghiệp. Sau đó giải thể. Năm 1989 thì kiếm đất lập làng Thanh Gianh. Lúc đó có 43 hộ dân toàn tuổi 18-20 nhận đất để dựng làng. Nói nhận đất thế chứ thật ra là cát, không có mảnh đất thịt nào cả. Toàn cát, nhưng ai cũng hào hứng dựng làng mới. Vì răng? Là vì thế hệ đầu tiên lập làng, ra vùng sóng gió mà giữ đất với sông Gianh với bà con làng bạn”, ông Đeng hồ hởi.

Bữa đó, mỗi gia đình được chia từng phần trên cát, ngoài sức lực là hai bàn tay trắng, họ có ý chí vượt sóng đi biển đánh bắt thu hoạch hải sản. Căn nhà lúc dựng làng khác với tưởng tượng của nhiều người. Chả có xây xa, chẳng có mái bằng. Toàn tòng nhà lá đủ loại, cỏ rười, lợp dương úp trên cát. Cát từ trong nhà ra ngoài, cát từ chỗ nằm đến chỗ ăn, cát phủ kín lối đi, cát vây chặt mọi người.

Ông Đeng kể: “Lúc đó nghèo hết thảy, khó khăn hết thảy, khổ cực hết thảy. Nhưng ai cũng tin có sức thì làm được làng, làm được xóm, làm được cuộc sống”. Một tổ kiến thiết làng được lập ra, ở đó quy tụ những người tâm huyết như cụ Nguyễn Cước hay ông Đeng...

“Cách làm của tổ kiến thiết khác với trước đây, vì ở các làng có tuổi mấy trăm năm, cư dân lâu đời nên có nơi chật chội. Làng Thanh Gianh của bầy tui chia đường thành ô bàn cờ, mỗi nhà một rẻo cát nhưng phải phân vuông vức để sau này có điều kiện thì làm đường thông thoáng, cấm tiệt lấn chiếm, cấm tiệt cơi nới chiếm đường làng, đường xóm. Rứa mà thành công”, ông Đeng quả quyết.

Tất thảy vừa lo dựng làng vừa lo làm ăn trên biển cật lực. Rồi những năm cuối thế kỷ trước nhìn lại, bao nhiêu căn nhà cỏ rười biến mất. Thay vào đó là nhà kiên cố. Cái chữ của con em làng đều học hành tấn tới. Cuộc kiến thiết đầu tiên của làng Thanh Gianh thành công ngoài sức mong đợi. “Thế hệ thành hoàng làng đầu tiên ở xứ này đã làm nhiều việc cho dân, giúp dân có làng, cứu dân thoát đói nghèo, đưa dân niềm tự hào với làng mới dựng lên giữa thời hiện đại bên bờ biển Đông”-một người làng đi xa nói vui với ông Đeng khi gặp chúng tôi đi tham quan làng...

2. Cách Thanh Gianh một nhịp mấy phút xe máy là làng Thanh Hải. Tuổi làng lớn hơn Thanh Gianh chừng tám mươi năm. Bí thư chi bộ Trần Xuân Thắng phi lộ: “Những năm 30 của thế kỷ XX làng bắt đầu lập nên.

Ở đây người công giáo toàn tòng nhưng sống tốt đời, đẹp đạo, luôn đoàn kết, theo các phong trào địa phương để ổn định cuộc sống. Những năm còn hợp tác xã nghề cá, thời chung tỉnh Bình-Trị-Thiên, trên đã chuẩn bị phong làng danh hiệu anh hùng lao động vì thành tích lá cờ đầu nhiều năm liền đánh bắt trên biển. Nhưng sau đó chia tách tỉnh, hợp tác xã giải thể nên cái đành gác lại”.

Làng Thanh Hải từ nghèo khó vươn lên.
Làng Thanh Hải từ nghèo khó vươn lên.

Tuy Thanh Hải có bề dày dựng làng nhiều năm so với Thanh Gianh nhưng lúc chuyển đổi cơ chế từ tập trung bao cấp sang kinh tế hộ cá thể thì mọi việc coi như làm lại từ đầu. Phải dựng làng lại tất cả, dựng từ cung cách làm ăn mới, dựng từ cách thức tiếp cận biển cả mới, dựng từ cách thức buôn bán kiểu mới, từ cách thức đóng tàu mới hơn để xóa đi tư duy cũ nhằm vươn lên trong cuộc sống. Mọi người chắt chiu từng đồng bạc, chắt chiu từng chút sức lực, chắt chiu từng con cá nhỏ, chắt chiu từng mảnh lưới, chắt chiu từng hạt cát nhỏ bé để cộng dồn lại từng ngày, từng năm, từng tháng, cộng dồn các chắt chiu lại để lớn dần lên theo công sức mà ổn định cuộc sống.

Những bậc cao niên của làng vẫn kể cho con cháu hoặc khách khứa phương xa rằng đi biển cái gì ngon nhất, tốt nhất phải dành bán kiếm gạo, người làng chỉ ăn những thứ nhỏ bé để tiết kiệm cho có đồng vốn nhằm phục vụ sản xuất.

Ông Thắng tâm sự: “Cả một thời thiếu ăn vàng mắt, làng biển chẳng có ruộng vườn, không có đất trồng cây màu, chỉ trông chờ vào chuyến biển để có tiền mua gạo mà ăn. May cả làng ai cũng siêng năng cần cù. Người lớn bảo thanh niên, thanh niên dìu trẻ nhỏ cùng làm việc. Đàn ông cố sức bám biển lâu hơn bình thường, đàn bà cố công gánh cá vượt cát đi bán cho làng ruộng. Rồi cũng thoát đói.

Thoát được đói thì cả làng cùng họp lại, đầu tiên họp gia đình, rồi họp xóm, họp dòng họ, họp làng bàn tính kế thoát nghèo bằng cách vay vốn làm tàu lớn hơn cho đàn ông vươn khơi. Ở nhà, phụ nữ không tính đường gánh cá đi bán mà liên kết thương lái để làm việc chuyên nghiệp hơn, làm con cá có giá hơn”.

Người làng Thanh Hải dìu nhau vượt cát, dìu nhau vượt khó bằng chung lòng, chung sức đoàn kết. Người ra biển trước trúng mẻ cá lớn thì báo hiệu cho người ra sau. Kinh tế khá lên thì san sẻ đồng vốn cho bà con dòng tộc rồi cho làng xóm vay mượn không lãi. “Thế nên người giàu trước kéo người khó lên. Cứ rứa mà giờ cả làng tui hộ giàu nhiều lắm”, ông Thắng hồ hởi. Đi trên đường làng Thanh Hải, vốn ngày xưa cát trắng lóa, nay khắp làng đã kiên cố hóa đường từ xóm trên ngõ dưới, liền mạch đâu ra đấy.

Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thắng thổ lộ: “Người làng giúp nhau mà vượt được đói, xóa được nghèo, vươn lên làm giàu như hôm nay. Nông thôn mới của làng đã hoàn thành các chỉ tiêu. Làng có 205 hộ thì có 97 hộ giàu, 80 hộ khá, 1 hộ nghèo, còn lại là hộ trung bình. Hộ nghèo của làng tui là bất khả kháng, sống đơn thân, già cả nên cả làng giúp đỡ, dựng nhà cửa kiên cố”.

Ông Thắng cũng phấn chấn khoát tay: “Ngoài nghề biển ra thì người làng cũng chuyển thêm kế phát triển kinh tế hậu cần nghề cá ngay tại địa phương, riêng khối chị em phụ nữ đã lập vốn hơn 20 tỷ đồng làm các kho xưởng đông lạnh, tạo việc làm cho cả làng rồi lao động của vùng khác với thu nhập từ 5-7 triệu đồng mỗi người một tháng. Tổng giá trị hậu cần nghề cá dòng vốn lưu chuyển trên dưới 150 tỷ đồng”...

3. Chiêu ngụm trà thơm, ông Thắng còn kể thêm một bất ngờ. Làng của ông nhiều năm liền là khu dân cư tiên tiến. Thu nhập bình quân mỗi hộ dân trung bình năm lên 150 triệu đồng. “Đó là thôn làm cho thấp xuống chứ thực tế cao hơn nhiều. Nói rứa cũng là để vùng khác khỏi tưởng làng tui nói khoác chứ thật sự, chú đi trong làng thấy nhà cửa là biết”, ông Thắng giải thích. Quả thật bí thư chi bộ nói không ngoa. Bởi nhà dân trong làng có những căn nhà xây lên đến 3 tỷ đồng, còn nhà xây 1,7 đến 2 tỷ đồng là chuyện bình thường. Hộ nghèo hoặc trung bình ở đây được xem là khá so với nhiều vùng khác.

Kinh tế hộ cá thể không chỉ dừng lại ở đó, khi có điều kiện người làng còn cho hơn 30 con em của họ đi du học; đưa lao động đi xuất khẩu sang Hàn Quốc đánh bắt hải sản hay một số quốc gia khác có nghề biển. “Hằng năm, con em đi xuất khẩu lao động gửi về quê hương không dưới 40 tỷ, số tiền đó đều được đầu tư vào làm kinh doanh nghề cá hết”, thêm một bất ngờ mà người làng tiết lộ.

Trở lại làng Thanh Gianh, ông Đeng lần lại nhiều con số biết nói. Có hơn 200 hộ thì chỉ còn một hộ nghèo do mù lòa, 109 hộ giàu, mấy chục hộ khá giả. Với hộ mù lòa, người làng góp mỗi người chút đỉnh dựng căn nhà kiên cố. Làng chả còn tranh tre nứa lá. Như Thanh Hải, khi lập làng bám biển tốt, người Thanh Gianh nghĩ cách cho con cá có giá trị hơn đã lập các xưởng hậu cần nghề cá hùng mạnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Làng hiện không có ai thất nghiệp.

Ông Đeng còn khoe thêm: “Bà con làm ăn khấm khá, con em đi học hết, học lên mấy cũng cho đi. Chừ có 35 cháu đang du học ở Úc, đó là vốn quý để các cháu sau này trở về phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Ngày mới lập làng, người nào cũng thuộc nằm lòng câu nói của Bác Hồ: Mần răng “Ai cũng có cơm ăn áo mặc”. Làng tui đã mần được, ngoài cơm ăn áo mặc thì bà con còn phát triển tốt. Nhớ lại bao lời dạy của Bác mà dân tui càng đoàn kết để xây dựng quê hương ngày “càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Cũng như Thanh Hải, thanh niên ở Thanh Gianh không chỉ lao động trong làng mà còn xuất khẩu đi làm ở Hàn Quốc... Ông Đeng ghi sổ thống kê của mình rằng mỗi tháng lượng con em làm ăn ở nước ngoài gửi về hơn 1,5 tỷ. Mỗi năm cũng gần 30 tỷ đồng.

Cả hai làng hiện có hơn 10 công ty và các xí nghiệp hậu cần nghề cá, đấy là những doanh nghiệp làng được gầy dựng bởi bàn tay hiền từ cần cù chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm của cư dân trên miền cát trắng. Nhìn lại chặng đường người dân đổi đời, ông Đeng khoát tay: “Người đầu tiên đặt viên gạch dựng làng là cụ Nguyễn Cước. Làng tui chừ coi cụ như thành hoàng làng ngày xưa. Nay làng đã khấm khá ai cũng nhớ những người đi đầu dẫn dắt”. Dựng làng bên bờ biển Đông với người Thanh Gianh đã thành đạt. Với người Thanh Hải, cuộc sống cũng bền vững phát triển. Họ đang tiến lên với nỗ lực làm tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hoàn thành ngoạn mục.

Bên bờ biển Đông phía nam mũi sông Gianh, hai làng biển như thế đã làm được câu chuyện cổ tích cho riêng mình khi làng của họ đúng như lời Bác Hồ mong muốn: “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đi qua hai ngôi làng ấy, ngắm bao gác nhà ngư phủ trên cát kiên cố như biệt thự mới thấy làng của họ đã cường tráng như tinh thần “phù đổng” ngày xưa.

Minh Phong