.

Trường Sơn... một hướng chuyển dịch

Thứ Sáu, 16/01/2015, 13:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) Nguyễn Văn Sỹ nhận định: “Năm 2014 là năm chuyển dịch mạnh mẽ nhất của xã từ trước đến nay với nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt, an ninh lương thực cơ bản ổn định. Đồng bào dân tộc Vân Kiều dù còn khó khăn nhưng nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước mà bà con dần ổn định cuộc sống... đang bàn tính cách vượt khó, làm giàu”.

 

Rừng cộng đồng thuộc dự án vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng giao cho bản Cổ Tràng.
Rừng cộng đồng thuộc dự án vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng giao cho bản Cổ Tràng.

Những đổi thay đáng ghi nhận

Xã Trường Sơn có 1.026 hộ, 4.303 khẩu sinh sống tại 5 thôn và 15 bản, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều 603 hộ, 2.627 khẩu. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU của Huyện ủy Quảng Ninh về phát triển kinh tế - xã hội các xã miền núi, biên giới giai đoạn 2013- 2015, định hướng đến năm 2020, tại địa bàn xã Trường Sơn cơ sở hạ tầng, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đời sống, dân sinh... đã có biến chuyển rõ rệt.

Năm 2014, tổng mức đầu tư các công trình xây dựng cơ bản tại xã Trường Sơn trên 19.548 triệu đồng, trong đó làm mới đường giao thông vào bản Sắt 16.648 triệu đồng; xây dựng 3 phòng học ở bản Cổ Tràng 1.350 triệu đồng; sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản Khe Cát 79 triệu đồng; sửa chữa các điểm trường của Trường tiểu học Long Sơn, mầm non bản Chân Trộng 88 triệu đồng; làm mới nhà văn hóa bản Dốc Mây 900 triệu đồng và cứng hóa giao thông nông thôn 483 triệu đồng.

Kinh tế - xã hội xã Trường Sơn tăng trưởng khá, riêng đồng bào dân tộc Vân Kiều từ các nguồn hỗ trợ đã làm quen với cây lúa nước, tự túc được lương thực tại chỗ như các bản: Sắt, Trung Sơn, Cây Sú, Khe Cát, Hôi Rấy... Năm 2014, tổng diện tích các loại cây nông nghiệp của xã thực hiện được 710ha, đạt 105,2% kế hoạch; tổng sản lượng các loại cây trồng trên 3.787 tấn; tổng đàn gia súc 2.209 con (967 con trâu, 592 con bò, 650 con lợn); đàn gia cầm trên 7.300 con. Diện tích rừng trồng 260ha, bằng 104% kế hoạch giao.

Có dịp trở lại xã Trường Sơn sau một thời gian dài, chúng tôi thấy được sự đổi thay nơi địa bàn biên giới này, nhất là sự phát triển khá nhanh của các loại hình kinh doanh, dịch vụ buôn bán. Không còn cảnh phụ thuộc vào những chuyến đò dọc ngược dòng Long Đại cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân Trường Sơn. “Hiện tại thành phố Đồng Hới và các địa phương khác trong tỉnh có cái gì thì ở xã Trường Sơn đều có cái đó”- một cán bộ xã Trường Sơn khẳng định với chúng tôi.

Với điều kiện phát triển theo nhu cầu của thị trường, nhân dân Trường Sơn chủ động mở mang các ngành nghề dịch vụ như: Mộc, khai thác vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống, thương nghiệp, vận tải hành khách... Trong năm, thu từ các loại hình này trên 1.920 triệu đồng.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều bản Khe Cát tập trung thu hoạch sắn trồng từ diện tích đất rừng được giao.
Đồng bào dân tộc Vân Kiều bản Khe Cát tập trung thu hoạch sắn trồng từ diện tích đất rừng được giao.

“Với đặc thù xa xôi, cách trở, diện tích phần lớn núi rừng, nhân dân nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư ở 15 bản phân tán trên một bán kính quá rộng, khí hậu khác biệt... nên vấn đề lựa chọn hướng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo rất khó khăn.

Ngoài việc đưa các loại cây chủ lực như ngô, lạc, sắn... vào trồng thì UBND xã khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi. Và về cơ bản chúng tôi đã xác định đúng khi Nhà nước chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sỹ nhận định.

Hướng phát triển kinh tế bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, trong ba năm 2012-2014, huyện Quảng Ninh đã giao 2.905ha rừng cho hai xã Trường Xuân và Trường Sơn. Riêng xã Trường Sơn được giao 2.000ha.

Dự án vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng giúp đồng bào Vân Kiều nhận rừng khoanh nuôi và bảo vệ, giao rừng cho cộng đồng các bản dân tộc thiểu số... Bằng sự hỗ trợ từ nhà nước mà đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Trường Sơn có điều kiện để vừa phát triển kinh tế rừng và bảo vệ rừng”.

Trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng khang trang.
Trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng khang trang.

Ngoài ra, trong những năm qua xã Trường Sơn tiếp nhận 3.817ha đất lâm nghiệp do UBND tỉnh thu hồi từ Công ty Lâm công nghiệp Long Đại, nâng tổng diện tích đất lâm nghiệp do xã quản lý lên trên 6.121ha, đã giao nhân dân sản xuất 1.525ha, bình quân mỗi hộ gia đình nhận 1,44ha đất rừng; giao rừng cộng đồng, rừng khoanh nuôi cho 6 thôn bản, diện tích 1.597ha. Hiện tại còn 2.933 ha đất rừng xa khu dân cư, núi đá, không có đường giao thông... trong năm 2015, xã cố gắng giao thêm cho đồng bào 140ha.

Nhân dân xã Trường Sơn trong đó có đồng bào dân tộc Vân Kiều từ chỗ sống giữa rừng nhưng không được sở hữu đất rừng, nay Nhà nước giao đất, giao rừng, khó nói hết niềm vui, hạnh phúc của họ. Trưởng bản Trung Sơn Hồ Văn Phần tự hào: “Có đất, có rừng, tôi cố gắng động viên dân bản chăm chỉ làm ăn, trồng rừng, bảo vệ rừng. Cái no ấm dân bản đã thấy trước mắt rồi!”. Khi nhận đất rừng, đồng bào các bản Trung Sơn, Cổ Tràng, Khe Cát, quyết định trồng sắn, trồng keo, tràm... và hiệu quả kinh tế hiển hiện ra mồn một. Toàn xã trồng trên 150ha sắn, năng suất đạt 21 tạ/ha, sản lượng 3.150 tấn.

Trưởng bản Khe Cát Hồ Đài khoe rằng: “Đồng bào trong bản đang vào vụ thu hoạch sắn, thu hoạch đến đâu người dưới xuôi lên thu mua hết. Mỗi ha sắn có giá từ 35 - 40 triệu đồng. Có tiền, dân bản đầu tư mua giống cây để trồng, mua bò để nuôi. Chắc chắn thêm mấy mùa rẫy nữa cái bụng đồng bào sẽ thôi không còn đói”.

Duy trì diện tích các loại cây trồng chủ lực như: Ngô 120ha, lạc 120ha, đậu xanh 150ha, 150ha sắn, 20ha lúa nước, 90ha lúa rẫy... là chỉ tiêu được cấp ủy, chính quyền xã đặt ra trong năm 2015 nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Ngoài ra, UBND xã Trường Sơn còn phấn đấu phát triển 300ha rừng trồng; đưa đàn trâu, bò tăng 6%, đàn lợn tăng 10%; cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%; nâng thu nhập bình quân đầu người dân lên khoảng 10 triệu đồng/năm.

Khi người dân có đất, có rừng, chú trọng phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi, chắc chắn đây sẽ trở thành một hướng thoát nghèo bền vững.

Thanh Long