.

Những "nhà nông" mang quân hàm ở làng T92

Thứ Sáu, 05/12/2014, 10:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Những người mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là các cán bộ, chiến sĩ thuộc Dự án kinh tế mới làng quân nhân T92, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, nằm ở phía tây huyện Bố Trạch. Từ một vùng gò đồi nắng cháy, cằn cỗi, suốt 22 năm qua các anh đã không kể nắng mưa nhọc nhằn cùng người dân lao động không biết mệt mỏi để biến nơi đây thành mảnh đất trù phú...

 

Một góc làng quân nhân T92.
Một góc làng quân nhân T92.

Vào tháng 2-1992, làng quân nhân T92 được thành lập với diện tích 400ha, thuộc địa giới hành chính của thị trấn Nông trường Việt Trung và xã Hòa Trạch (Bố Trạch) -  một vùng đất bạt ngàn lau lách, sim mua cỏ dại và vô số bom mìn còn sót sau chiến tranh. Mục đích là di chuyển các hộ gia đình quân nhân lên vùng dự án để khai thác đất đai, phát triển trồng cây công nghiệp, cây lương thực, xây dựng kinh tế vườn các hộ gia đình; củng cố tuyến phòng thủ phía tây của tỉnh...

Đại úy Phạm Quý Đổng, phụ trách Dự án làng quân nhân T92 cho biết, khi được đơn vị giao nhiệm vụ cùng 6 chiến sĩ xây dựng làng quân nhân, các anh không tránh khỏi những lo lắng. Bởi nơi đây, khí hậu khắc nghiệt, bốn mùa gió thổi mạnh (mùa hè gió Lào nóng bỏng, mùa đông gió bấc lại khô hanh). Cơ sở vật chất thì hầu như chưa có gì, thiếu thốn trăm bề, điện không, đường không.

Chưa hết, trong lòng đất đầy rẫy bom, mìn tiềm ẩn, lẫn trong đất đá, luôn rình rập và sẵn sàng cướp đi mạng sống của người dân bất cứ lúc nào. “Với những trở ngại này, người dân trong vùng đã gọi đây là vùng đất dữ. Và để thích nghi được với môi trường, hoàn cảnh ở đây, chúng tôi đã phải mất một quãng thời gian khá dài”, đại úy Đổng bộc bạch.

Trước những khó khăn đặt ra, để ươm mầm sống cho vùng đất này, các cán bộ, chiến sĩ thuộc Dự án T92 đã tự mình mang đến mỗi người khoảng mười con gà, vịt, ngan để làm giống, tiếp đó là mạnh dạn vay vốn đầu tư hệ thống chuồng trại, nuôi bò, lợn, dê; tận dụng khe suối đắp ao thả cá để vận động bà con làm theo.

Tuy nhiên, để bà con hiểu, tin và làm theo thì cán bộ chiến sĩ phải làm mẫu nhiều mô hình và cho thấy rõ hiệu quả thực tế. Nhờ sự cần cù chịu khó, sáng tạo trong sản xuất, cán bộ chiến sĩ Dự án làng quân nhân T92 đã thu được những thành quả đầu tiên trên mảnh đất khó: Keo tràm, cao su bắt đầu đâm chồi, nảy lộc tạo thành một rừng cây xanh tươi bạt ngàn; bò, lợn, gà... dần phát triển thành từng đàn lớn. Cũng từ đây, bà con trong vùng đã đặt trọn niềm tin thực sự vào các anh, tự giác làm theo mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế mà các chiến sĩ đã hướng dẫn.

Chiến sĩ Dự án làng quân nhân T92 đang thu hoạch măng bát độ.
Chiến sĩ Dự án làng quân nhân T92 đang thu hoạch măng bát độ.

Nhờ sự phối hợp tích cực, nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ chiến sĩ Dự án làng quân nhân T92 và người dân, trong 22 năm qua công tác trồng rừng cao su, keo tràm ở đây đã được thực hiện rất hiệu quả. Với số tiền vay khoảng 450 triệu đồng, từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cho các hộ dân làng quân nhân, cán bộ chiến sĩ cùng nhân dân trong vùng đã trồng được gần 100ha cao su.

Đến năm 2003 dự án đã trả hết vốn vay, còn phần lợi nhuận từ nguồn khai thác cao su, theo chủ trương của Bộ CHQS tỉnh, Dự án T92 đã để lại hoàn toàn cho người dân hợp đồng sử dụng, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế hộ gia đình (ước nguồn thu từ sản xuất cao su tại T92 khoảng 1,6 - 2 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, từ năm 1993 đến 1996, Dự án làng quân nhân T92 cũng đã cho các hộ trồng keo làm vành đai chắn gió cho cây cao su khoảng 20ha, khi cây cao su lớn thì khai thác keo tạo thêm thu nhập cho gia đình. Từ năm 2001 đến 2006, được đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình 5 triệu ha rừng, người dân tiếp tục trồng mới và chăm sóc 175 ha rừng các loại như thông, muồng đen, keo; đồng thời bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh 100 ha rừng tự nhiên.

Không những cùng nhân dân lao động, sản xuất, cán bộ chiến sĩ Dự án làng quân nhân T92 còn tự thành lập trại chăn nuôi riêng để phục vụ đời sống cho họ. Đại úy Phạm Quý Đổng cho biết: Từ năm 2009 đến nay, trại chăn nuôi tập trung T92 luôn duy trì một năm khoảng 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái, nuôi 40 con bò, diện tích ao hồ gần 1ha thả hơn 4.000 cá giống, trồng gần 1ha măng bát độ. Các sản phẩm chăn nuôi của chúng tôi hàng năm vừa cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị trong tỉnh, vừa bán ra thị trường gần 70 tấn lợn hơi, 7 tấn cá các loại và từ 10 đến 13 con bò. Tổng thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng.

Hồ cá cho thu hoạch khoảng 7 tấn mỗi năm, giúp cải thiện đời sống của cán bộ chiến sĩ.
Hồ cá cho thu hoạch khoảng 7 tấn mỗi năm, giúp cải thiện đời sống của cán bộ chiến sĩ.

Sau chặng đường dài 22 năm triển khai thực hiện, Dự án làng quân nhân T92 đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đã đặt ra. Từ 1993 đến 2001, dự án đã tiếp nhận, tổ chức nơi ăn chốn ở, ổn định sản xuất, đời sống lâu dài cho 55 hộ gia đình là quân nhân, thanh niên xung phong đang tại chức hoặc phục viên, xuất ngũ về địa phương trong và ngoài tỉnh.

Giờ đây, địa bàn dân cư Dự án làng quân nhân T92 đã được thành lập đơn vị hành chính, trở thành tiểu khu 9 của thị trấn nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch). Tiểu khu có đầy đủ các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng. Đặc biệt, hiện nay số hộ gia đình trong làng quân nhân đã tăng lên 84 hộ, với hơn 400 nhân khẩu; hầu hết các hộ dân đều có đời sống ổn định, nhà cửa xây dựng kiên cố, có đủ tiện nghi sinh hoạt. Tỷ lệ hộ giàu và hộ khá tương đối cao so với mức bình quân ở địa phương...

Những thành quả đạt được của Dự án làng quân nhân T92 như một luồng gió thổi mát rượi trong lòng cán bộ chiến sỹ phụ trách dự án, cũng như các hộ dân đã an cư lạc nghiệp nơi đây. Tuy nhiên, cơn bão số 10 năm 2013 đã tàn phá làm gãy gần 90% cây cao su và toàn bộ rừng trồng phòng hộ của dự án. Nguồn thu từ cao su hiện không còn, các nguồn lực đầu tư phục hồi sản xuất cũng không có, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ Dự án làng quân nhân T92 vẫn đang hàng ngày, hàng giờ trăn trở làm sao để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng đi mới, nhằm tiếp tục ổn định, bảo đảm quyền lợi và phát triển đời sống cho các hộ dân, đồng thời tạo được nguồn thu vững chắc cho đơn vị để góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh nhà.

Xin chúc cho các anh-những “nhà nông” mang quân hàm-có thêm nhiều nghị lực, quyết tâm để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người lính trên mặt trận kinh tế đầy khó khăn, thử thách.

Lê Mai