.

Những câu chuyện từ biển - Bài cuối: Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Thượng tá Phạm Xuân Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngư Thủy cùng chúng tôi đi dọc mép biển. Mùa đông, biển động, đại dương vắng người. Anh bảo: “Mình quê miền núi Tuyên Hóa, cuộc đời binh nghiệp cứ như con sóng đẩy mình đi, rồi ra với biển. Khó tìm thấy ở nơi đâu con người sống chất phác, dung dị như những người dân của ba xã vùng biển Ngư Thủy. Anh hùng, bất khuất, kiên cường trong chiến tranh; nhẫn nhịn, thuần phác, lặng thầm sau trảng cát trắng thời cả nước trằn mình bao cấp. Từ đói nghèo, từ cát trắng mà chững chạc đứng lên tay trong tay xây dựng cuộc sống mới!”

>> Bài 2: Hành trình giữa biển

>> Bài 1: Linh thiêng trước biển

Tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy ở xã Ngư Thủy Trung.
Tượng đài Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy ở xã Ngư Thủy Trung.

Đồn trưởng Hòa giới thiệu khái quát về Đồn Biên phòng Ngư Thủy: “Đồn có nhiệm vụ bảo vệ bờ biển dài 32 km thuộc 3 xã Ngư Thủy Bắc- Trung- Nam, dân số trên 2.037 hộ; 9.016 khẩu. Đặc thù của các xã biển bãi ngang là người dân sống bám biển, thăng trầm cùng nghề biển.

Phương tiện đánh bắt chủ yếu bơ nan, thuyền công suất nhỏ, khoảng 876 chiếc. Thanh niên trong vùng thiếu việc làm hàng năm đều phải ly hương vào các tỉnh miền Nam làm ăn.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới vùng biển, cán bộ, chiến sỹ của đồn còn thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, an ninh nhân dân”.

Nhắc lại sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta dạo tháng 5, Đồn trưởng Hòa bảo rằng cả vùng cát Ngư Thủy “sốt hầm hập”, bà con bất bình lắm. Nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân vùng biển về quan điểm đấu tranh của Đảng và Nhà nước, quân đội ta về biển Đông, Đồn Ngư Thủy nhanh chóng tổ chức 3 đợt tuyên truyền biển đảo thu hút trên 1.500 người dân tham gia. Mấy o C gái Ngư Thủy năm nào mỗi lần gặp Bộ đội Biên phòng là lớn tiếng át cả sóng biển: “Các con cứ cho mấy chị, mấy mẹ tập luyện lại, gái Quảng Bình nỏ sợ chi mô”.  Trong câu chuyện vui, thượng tá Hòa nhắc đến C gái Ngư Thủy làm tôi có cảm giác bần thần.

Cứ mỗi độ đúng vào dịp thành lập Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (21-11-1967), tôi lại lặn lội về thăm mấy o C gái. Mấy chục năm bám biển, bây giờ tất cả các o đều bước qua tuổi xế chiều, có người đã khuất núi. Thành lập năm 1967 với quân số ban đầu 37 người, cho đến khi giải thể năm 1976 sau các đợt bổ sung, C gái Ngư Thủy lúc thời điểm đông nhất lên đến 91 người.

Ngồi nói chuyện với các o C gái Ngư Thủy, tiếng nói tiếng cười của các o át tiếng sóng biển, Ngô Thị Thới, nguyên nữ pháo thủ nhắc: “Thời kỳ đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Đại đội xuất kích 8 lần, trong đó 5 lần bắn chìm và bắn cháy tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85ly.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ngư Thủy tập luyện võ thuật, nâng cao năng lực chiến đấu cá nhân.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Ngư Thủy tập luyện võ thuật, nâng cao năng lực chiến đấu cá nhân.

“Chuyện trong chiến tranh của C gái Ngư Thủy báo chí trong nước và quốc tế viết nhiều rồi. Quãng thời gian cuộc sống cực khổ, nghèo nàn của các o cũng đã từng kể qua, thôi cũng không nên nhắc lại làm chi nữa. Thì “Qua cơn bỉ cực tới ngày thái lai”, các o ngày nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, sống trong tình cảm cao đẹp mà cả nước dành cho, con cháu đầy đàn, rứa là hạnh phúc rồi!”- O Thới bảo.

Sực nhớ đến câu nói “Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn” tặng cho C gái năm xưa, tôi mang ra gợi chuyện. O Ngô Thị The, Đại đội trưởng C gái Ngư Thủy nói chắc như đinh đóng cột: “Của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứ ai mô vô đó nữa. Ấy là dịp Đại tướng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng đến thăm C gái lần đầu tiên, năm 1969, khi trận địa pháo còn ngổn ngang bom đạn. Đại tướng khen C gái giỏi việc nước, đảm việc nhà, bắn cháy tàu chiến Mỹ. Chiến công này sánh ngang với đàn ông sức dài, vai rộng, xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, xứng đáng với vùng đất lửa Quảng Bình. Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn!”.

O Ngô Thị Tranh, sinh năm 1954, tham gia C gái giai đoạn 1971-1972, lúc mới 16 tuổi tròn, nhớ đến chuyện giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc o lại “sôi máu” lên: “Tui nói với mấy anh trên xã, cho chị em tui tập tành lại. Kỹ thuật sử dụng pháo 85 ly ăn sâu trong xương, trong máu chị em rồi. Nếu không còn sức khỏe thì bày cho con cháu. Biển ta, ta quyết giữ, chẳng nề hà chi”. 

và giúp dân lợp lại nhà sau cơn bão số 10-2013.
và giúp dân lợp lại nhà sau cơn bão số 10-2013.

Những ngày đi dọc theo vùng cát 3 xã biển Ngư Thủy, tâm hồn người quê biển mộc mạc, hiếu khách đã để lại trong lòng chúng tôi những kỷ niệm đẹp. Một buổi chiều muộn, cùng anh Ngô Gia Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung hóng hớt trên biển, anh bảo bản thân cảm giác không thể rứt ra khỏi biển, khỏi vùng đất anh sinh ra và lớn lên, dù quê anh còn quá nghèo. Ngư Thủy Trung hiện tại hộ nghèo hơn 16%.

Bố Chủ tịch Ngãi, ông Ngô Gia Nữu, liệt sỹ chống Mỹ, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, nơi ông ngã xuống là tại một đồn công an vũ trang trước biển quê hương- Đồn Mỹ Thủy nay thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông Nữu nhập ngũ năm 1963, có quyết định đi B tháng 4-1972 và hy sinh một tháng sau đó. Trước khi đi B, đơn vị cho ông về phép, may mắn những ngày ở hậu phương, vợ ông Nữu mang thai, khi ông hy sinh, anh Ngãi chỉ mới được 3 tháng tuổi. Bố hy sinh, giấy báo tử chỉ có một dòng ngắn ngủi.

Rất may mẹ anh Ngãi, bà Ngô Thị Mai Ngữ năm 1972 làm thư ký cho Ban đón tiếp K15, đón đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên ra tản cư, ông Ngữu đi sâu vào Nam, gặp bà con Quảng Trị ngược ra đều cẩn thận ghi vài dòng gửi theo cho gia đình biết tin. Cho đến điểm cuối cùng tại Hải Lăng thì bặt tin. Dựa theo cứ liệu này, năm 1976, gia đình đi tìm mộ và thấy ông Nữu an nghỉ cùng đồng đội tại Nghĩa trang xã Hải An gần nơi ông mất.

Hãy thử một lần về với biển, biển sẽ kể cho chúng ta nghe nhiều câu chuyện ân tình. Chúng tôi tìm thấy trên quê biển những con người trung trinh, dành trọn đời mình với biển, vững vàng trước biển.

Thanh Long-Anh Tuấn