.

Linh hồn của người A Rem

Thứ Tư, 01/01/2014, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã lâu nghe cánh nhà báo kháo nhau về chuyện ông Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (Bố Trạch) chuyên đi “hành khất” để về cứu đói cho dân. Trong một chuyến công tác lên với bản A Rem, được gặp ông và nghe những câu chuyện từ bà con dân bản, tôi ngỏ ý muốn viết về ông. “Nhà báo đừng có viết chi về tui, viết về A Rem ấy! Thương đồng bào A Rem là thương tui rồi!”- Ông Nguyễn Chí Sỹ vội phân bua.

 

Bản A Rem ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn.
Bản A Rem ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn.

Thương đồng bào A Rem là thương tui

Đường 20-Quyết Thắng những ngày cuối tháng 10, tuy đã được nâng cấp nhưng lũ làm sạt lở nhiều đoạn nên rất khó đi. Chốc chốc gặp những chiếc xe bị sa lầy, đoàn chúng tôi phải dừng lại chờ đợi. Khoảng chừng 40km, mà mất gần 5 giờ đồng hồ đoàn mới đến nơi. Ông Sỹ động viên: “Thế là tốt lắm rồi! Năm 2010, tui lên đây nhận chức, đi nhờ trên một chiếc xe tải, mất ba ngày mới tới nơi. Đường vất vả lắm chứ không được như giờ mô!”.

Và rồi câu chuyện về cán bộ cắm bản cứ thế được bộc bạch: Đang là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, ông được huyện điều động lên làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch. Năm ông lên nhận nhiệm vụ ở A Rem cũng là năm xảy ra trận lụt lịch sử. Tân Trạch bị nước lũ cô lập, nhà cửa ở bản Đoòng trôi sạch. Cái ăn không còn, người lớn thì mệt mỏi, trẻ con khóc ré vì đói. Không thể đành lòng, ông nhanh chóng họp xã, họp dân, phân công nhiệm vụ cho cán bộ chủ động khắc phục hậu quả lũ lịch sử.

Còn ông cùng một người dân thạo địa hình cắt rừng về xuôi. Hễ nơi nào có khả năng là ông đến “gõ cửa”, gom góp từng chút gạo để nhanh chóng đưa về cứu đói cho đồng bào. Xe chở hàng mắc kẹt giữa đường, quá nóng ruột, ông vác 1 bao gạo đi bộ hơn chục cây số vào bản, dặn nấu cơm, gọi những người còn sức đến ăn no để ra gùi gạo. Sau trận lũ ấy, dân bản A Rem coi ông như vị cứu tinh của mình.

Như thể khó phụ lòng tin yêu mà bà con đã gửi gắm, mãi về sau, những khi thiên tai hay đến kỳ giáp hạt, ông Sỹ lại không ngần ngại, tìm mọi cách để có thể “xin” những thứ cần thiết cho bà con A Rem. Ông cho rằng: “Bà con đói, rét thì mình cứ nói đúng sự thật. Che giấu thì được cái chi. Nếu để họ đói là họ bỏ vào rừng, đốt rừng làm rẫy càng nguy hại hơn. Bà con có no bụng thì tui mới yên tâm được”.

Đến bản A Rem những ngày sau lũ, hỏi chuyện dân bản, ai ai cũng nhắc đến “bác Sỹ” với tình cảm trìu mến. Đang chuẩn bị bữa trưa, chỉ vào nồi cơm, chị Y Ne bảo: “May có bác Sỹ cho gạo đó! Không thì mấy bữa ni phải ăn sắn thay cơm rồi, không có cơm trắng như ri mô”. Trong ngôi nhà mới ở mé ngoài bản A Rem, chị Y Băng hồn nhiên khoe: “Nhà ni mới xây năm ngoái, bác Sỹ về mới có nhà ni đó!”. Nghe chúng tôi nhắc lại, ông Sỹ cười xòa bảo: “Tui có để cho mô. Đó là tui chỉ khâu nối, kêu gọi về cho bà con thôi!”

Thực ra, qua câu chuyện của bà con dân bản, chúng tôi còn được biết: ông Sỹ thường bỏ tiền túi để mua gạo, mua thuốc cho dân bản, có trường hợp gặp khó khăn hay đau ốm, ông cho tiền. Rồi vợ ông cũng dần quen với cảnh một số bà con A Rem mượn tiền, hẹn đến mùa mật ong trả. Còn có những trường hợp đau ốm cận tử nhất sinh, ông đưa về viện, giao cho vợ ông chăm sóc.

Lúc nào đi đứng thẳng đường mới được kết nạp Đảng

Lo cái ăn trước mắt, còn phải tính chuyện lâu dài. Muốn làm gì thì trước hết phải dẹp bớt nạn rượu chè. Ông Sỹ nhớ lại: “Hồi tui mới lên nhận công tác, vừa bước chân xuống bản, đã thấy nhiều người say rượu đi xiêu vẹo, vật vờ dọc các con đường. Họ uống say sưa tối ngày, người mụ mị, chẳng chịu làm việc chi cả. Lúc đó, thực sự tui rất nản, chỉ muốn bỏ về”.

Nghiện rượu đã gần như là thuộc tính của người A Rem, nên đây được xem là công cuộc trường kỳ. Ông nói: Trước đây đã có quy định về chuyện cấm rượu, nhưng cuộc chiến với “nạn rượu” vẫn không thành công. Hầu hết người dân nghe nói chuyện bỏ rượu đã phản ứng: “Cái rượu cho ta ấm bụng, cho ta khỏi bị sợ, khỏi bị buồn... Cái rượu nó theo ta suốt đời rồi, bỏ sao được”.

Ông Sỹ chỉ đạo phân phát hàng cứu trợ sau lũ.
Ông Sỹ chỉ đạo phân phát hàng cứu trợ sau lũ.

Ông ngẫm: Khó nói chuyện cấm triệt để người dân uống rượu. Vậy là sau khi họp bàn với dân, qua nhiều lần thương thuyết, người dân đã đồng tình với phương án: “Chỉ uống rượu sau 5 giờ chiều, khi nào có kẻng mới được uống. Buổi sáng phải tỉnh táo để đi làm rẫy, hái măng... còn có cái bỏ bụng”. Được lòng dân rồi, ông yêu cầu mấy quán ở đầu xã chỉ được bán rượu sau 5 giờ chiều. Thời gian đầu vẫn có người đi uống lén, bán lén sai quy định, xã bắt được quả tang, đưa về kiểm điểm trước dân bản. Nhiều người thấy xấu hổ, từ đó không dám uống rượu khi chưa đến giờ quy định.

Để thực hiện nghiêm túc, ông còn đưa vào tiêu chí kết nạp Đảng. Lần nọ, Y Đan, Chủ tịch Hội LHPN xã uống rượu say, lại còn gây gổ khi các anh Bộ đội Biên phòng nhắc nhở. Ngay sau đó, chi bộ đã tạm dừng kết nạp Đảng, chờ cho Y Đan khắc phục, sửa chữa. “Với cán bộ hay bà con, ai cũng rứa: lúc nào đi đứng thẳng đường đã, chứ còn đi xiêu xiêu, vẹo vẹo là chưa thể kết nạp Đảng được”. Một phương châm nghe tưởng như hài hước, nhưng đang được áp dụng ở một bản làng khi mà chuyện nghiện rượu còn là cả vấn đề.

Nạn “rượu chè” được hạn chế, dân bản chăm lo lao động hơn. Họ bắt đầu tập trồng lúa nước, nhận bảo vệ rừng cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đinh A Lầu khoe: “May nhờ bỏ rượu, tập lao động mà trong nhà có cái ăn, chứ không như ngày trước”. Rồi một số hủ tục như tục nối dây (anh em, chú bác trong gia đình sẽ lấy vợ của người đã khuất) dần được đẩy lùi. Chuyện phó mặc cho trời khi sinh nở cũng được loại bỏ, khi ông cử một “bà đỡ” đi học nghiệp vụ để giúp dân làng. Bản có thêm 16 ngôi nhà khang trang, nhiều đoạn đường được đổ bê tông... Cuộc sống ở A Rem tươi mới hơn. Thế nhưng, ông Bí thư xã vẫn cứ trăn trở: Nhà cửa của A Rem có vẻ khang trang, nhưng thực chất cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn. Do các hủ tục bó buộc, cộng với thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt nên người A Rem vẫn đang rất lạc hậu. Thêm nữa, nạn tảo hôn ở đây vẫn còn là vấn đề nan giải, chưa khắc phục được...

Khi được hỏi: Từ chỗ định bỏ về, lại gặp bao nhiêu khó khăn, sao ông vẫn “say sưa” với người A Rem vậy? Ông Sỹ bảo: Người dân A Rem thật thà, chất phác và rất đáng thương. Họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài chưa nhiều... Với họ, thói quen dùng chung khiến những người có của cũng phải tự san sẻ cho người không có của. Rứa mới có chuyện người dân khi hết cái ăn cứ kéo đến nhà Chủ tịch UBND xã Đinh Lâu ăn uống như nhà mình. Rứa mới có chuyện họ chê gạo cứu trợ của bác Tuấn (nhà báo Trần Đăng Tuấn- PV) vì dẻo quá, khó nấu (họ ăn gạo dở quen rồi- ông Sỹ). Rứa mới có chuyện cậu cán bộ xã người A Rem, trong diện quy hoạch được cử đi học lớp quản lý hành chính, khi gặp khó khăn, cậu đòi bỏ học, mình động viên thì cậu ấy bảo: “Ơ! Học cho bác chứ có phải học cho cháu mô?”... Thực sự, nếu mình không quan tâm thì bản thân người A Rem vẫn chưa thể tự lo cuộc sống của họ được.

Rồi ông khẳng định: Nhưng được cái, nếu mình chân thành với họ, thương, lo cho họ; một khi họ đã tin thì tin tuyệt đối. Có được niềm tin của dân bản, mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn ngày mô ở A Rem, tui sẽ còn phải lo cho dân bản...

Trần Hương Lê